vhnt, số 204
12 July 1996
Trong số này:
thư vhnt.....................................................Bùi Thanh Liêm
T h ơ :
1 - Thơ Trẻ Sài Gòn .............................Nguyễn Tiến Dũng p/t
- Thay lời giã biệt ........................................Thanh Nhàn
- Không đề ....................................Nguyễn Thị Châu Giang
- Thành phố ban mai ...........................Nguyễn Hữu Hồng Minh
- Tình câm ............................................Ngô Thị Mỹ Trang
2 - Nắng ẩn vào đêm ...................................Từ Ðông Nghị
3 - Ðêm bằng hữu ở Montreal ........................Trần Trung Ðạo
4 - Cát bụi ...............................................Tôn Thất Hưng
5 - Ðoản khúc 4 ......................................................Chinh
6 - Bài thơ tháng 7 ...............................................Cỏ Nhớ
D i ễ n Ð à n V ă n H ọ c :
7 - Giới thiệu sách báo mới ......................................TK21
T r u y ện N g ắn / S án g T ác :
8 - Tản mạn về cua ................................................Phú Lê
9 - Cánh sen cuối mùa (phần 2/2) ............................Ðức Lưu
Tính đến ngày 17 tháng Bảy này là VHNT vừa tròn một tuổi. Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Thoáng đó mà đã đến thời kỳ thôi nôi của VHNT.
Kỷ niệm đệ nhất chu niên của tờ báo liên mạng "văn học vị nghệ thuật và chỉ vì nghệ thuật mà thôi" này, tôi muốn có vài lời đến các bạn đọc.
Tính cho đến nay, VHNT đã có khoảng gần 500 độc giả thường trực; thường trực ở đây có nghĩa là đăng ký nhận báo trực tiếp qua hệ thống điện thư (email). Nếu kể luôn những độc giả đọc VHNT qua hệ thống lưu trữ ở SaoMai bằng phương tiện ftp và WWW thì tự tin mà nói con số độc giả có thể lên đến gấp đôi, gấp ba lần.
Con số độc giả ngày càng đông đảo chứng tỏ rằng tờ báo của chúng ta ngày càng đạt chất lượng, nội dung ngày càng phong phú. Hơn 200 số báo đến tay các bạn trong suốt một niên qua là thành quả của cố gắng vượt bực của nhóm chủ biên, là sản phẩm của tim óc từ những người sáng tác, biên khảo, sưu tầm, là kết quả của từng đêm dài mất ngủ, bên cạnh tách cà-phê đen không đường không sữa, để thức khuya gạn lọc, sửa chữa bài v Và người làm việc âm thầm không than thở, người có công nhất trong nỗ lực này chính là người sáng lập ra diễn đàn VHNT; chúng tôi muốn nói đến cô chủ biên Phạm Chi Lan.
Bên cạnh sự hình thành và lớn mạnh của diễn đàn VHNT còn có những sinh hoạt khởi sắc khác; như diễn đàn Ô-Thước, là diễn đàn của nhóm thảo luận văn học nghệ thuật, với sự góp mặt của những người viết thường xuyên cho VHNT. Song song đó là nỗ lực "xây nhà" cho VHNT. Trang nhà do anh chị trong khối kỹ thuật xây cất, có thể tìm thấy ở địa chỉ liên mạng toàn cầu: http://saomai.org/~vhnt
Ở đây các bạn cũng có thể tìm thấy những bài văn, thơ, sưu tầm âm nhạc, phỏng vấn nghệ sĩ, thảo luận văn chương đã được đăng trên các số báo cũ.
Cuối cùng là dự án "tuyển tập VHNT", là một cố gắng được nhóm Ô-Thước đề nghị. Bài vở trong tuyển tập này sẽ bao gồm những bài chọn lọc đã đăng trên VHNT cộng với một số bài mới lạ dành riêng cho tuyển tập. Ðây là cố gắng của chúng tôi, ngỏ hầu mang VHNT ra khỏi liên mạng, khỏi thế giới siêu không gian, đến tay các bạn, để kết chặt thêm mối thân tình giữa người đọc và người viết.
Thư vắn, tình dài. Hy vọng những vần thơ hay, những mẫu truyện ngắn ý nhị cùng những biên khảo công phu trong từng số VHNT đang đến tay các bạn sẽ tiếp tục là nguồn giải trí tinh thần sau những giờ làm việc và học hành căng thẳng.
Thân ái,
Bùi Thanh Liêm
(Viết thay PCL một kỳ)
Một hôm, bất ngờ nhận được mấy bài thơ nho nhỏ của cây bút văn xuôi Nguyễn Thị Châu Giang. Ðọc và cười thầm: tình yêu đến với "họ" rồi! Chợt nhớ Huy Cận: Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn...
Ðúng thế! Hai mươi tuổi nghĩa là không còn nhỏ bé nữa. Cùng với Châu Giang, những tác giả trẻ trong trang thơ này là những ngườo ở một thế hệ mới, thế hệ may mắn không đi qua chiến tranh. Trong chiến tranh vẫn còn có nhịp đập của thơ tình, huống chi họ. Thời của mây qua cửa sổ...
Ð.T.Q.
Thay Lời Giã Biệt
Rồi ngày mai một chỗ nằm bỏ trống
đến buổi cơm sẽ thiếu mất một người
vuông cửa hẹp hôm nào giờ hóa rộng
thừa một phần hạnh phúc với niềm vui.
Rồi ngày mai cây đàn môi cũng tắt
dù âm thanh còn đọng giữa hồn nhau
giấc trằn trọc khó thầm thì khúc nhạc
cơn mơ xưa thôi thấp thoáng len vào.
Rồi ngày mai khi chiều tan khắp phố
bật đèn lên ta nén tiếng thở buồn
có lẽ bạn kém duyên cùng sách vở
nên lại về nhà...
dang gió, dầm sương.
Thanh Nhàn
(Bút nhóm Vòm me xanh)
Không Đề
Căn phòng tối đen
Khi đàn vừa tắt
Bập bùng
Ngoài kia mưa rơi
Những người đàn bà mơ màng ngồi khóc
Ngỡ ngàng đếm nhịp tim mình
Gió đìu hiu
Những người đàn ông uống rượu
Lang thang về khuya tối khuya
Ðàn buồn từng dây hiu hắt
Những người đàn bà đã bỏ về
Ðường mưa trời mưa rất to
Ðàn buồn từng dây câm lặng
Còn một quả tim nho nhỏ
Ðể quên trên nắp vĩ cầm
Tháng năm vô tình đi mất
Vỡ tan
Vì ai
Biết không?
Nguyễn Thị Châu Giang
Thành Phố Ban Mai
Ðà Nẵng ơi Ðà Nẵng
Anh đi giữa mùa hè
Bến trưa đầy bụi xe
Ta chìm trong gió lốc
Em bảo em không khóc
Bụi làm cay mắt mà
Em lo nơi anh qua
Gió mùa rồi gió chướng
Dâng đầy hồn tình thương
Ơi thành phố tuổi thơ
Ðà Nẵng mình phương đó
Anh về rồi lại đi
Ơi, thành phố ban mai
Những cánh buồm trong nắng
Bài thơ tình đầu tiên
Thức suốt đêm để viết
Anh yêu từng tiếng xe
Quang Trung trưa mùa hạ
Hải Phòng băng xuống phố
Chiều Hùng Vương quen chân
Lê Lợi qua nhà em
Sao ngỡ ngàng quá đỗi!
Ðà Nẵng ơi Ðà Nẵng
Tuổi thơ mình còn đây
Yên Bái mùa lá bay
Biết ai còn hò hẹn
Rạp Kim mưa đóng cửa
Chờ nhau bên cột đèn
Ðiếu thuốc lá đầu tiên
Trong đời anh biết hút
Bây giờ anh ở xa
Cháy lòng từng nỗi nhớ
Trăm miền con sóng vỗ
Gương mặt nào thân quen
Thành phố nào có em
Tình yêu và bè bạn
Anh vẫn mơ buổi sáng
Tiếng còi tàu hú dài
Anh vẫn thấy ban mai
Thắp trên đầu thành phố
Nguyễn Hữu Hồng Minh
(Bút nhóm Vòm me xanh)
Tình Câm
mây lững thững bay qua đồi vắng
ta lững thững trôi qua tình em
mây ngàn năm câm lặng
ta ngàn năm im im
muốn nói một lời mà không dám
tình rơi qua kẽ hở bàn tay
bao nhiêu sách tỏ tình bày bán
chẳng hề giúp được mảy may!
đôi lúc ta cuồng ta quẫn trí
thấy em như có mà hư không
một mình đường khuya xanh nỗi nhớ
ta xanh lòng giá rét căm căm
chợt thấy em về tung áo lụa
có ai lẽo đẽo dáng thần tiên
quýnh quáng, ta anh hùng đứng thẳng
gửi bài thơ kèm hai tiếng: yêu em
ngóng đợi giữa đường ta lúng túng
lại thấy mây bay qua đồi xa
lại thấy tình câm trôi mờ mịt
tiếc quá chút tình lỡ nói rẳ
Ngô Thị Mỹ Trang
nắng ẩn vào đêm
từ dặm ngàn cách biệt
em về miệt mài đêm
ngồi hong tóc ngoài hiên
giọt đọng chìm sương lắng
ta nửa đời im vắng
mặt trời lặng lẽ rơi
nơi em ở là nơi
bình minh rời bóng tối
vòng tay nào hụt với
trái cấm của mộng mơ
ta đứng cuối vần thơ
trắng mong chờ trang giấy
vườn khuya em bão dậy
mưa dâng đầy suối khe
ta đứng lặng hồn nghe
dòng sông về trong mắt
ta dẫu ngày hiu hắt
vẫn chiu chắt hoàng hôn
gửi em một nụ hôn -
giọt nắng buồn. hạnh phúc?
đời ngọt ngào mấy lúc?
em, có chút niềm đau
đủ cho cả ngàn sau
để tìm nhau mà nhớ
cánh lan tương phùng thuở
lần gặp gỡ đầu tiên
em cài khẽ vào tim
ta hồn nhiên đón nhận
nắng nơi này cũng vẫn
là nắng ẩn vào đêm
ta bây giờ cũng vẫn
loài hoa ấy gọi tên
npn
Ðêm Bằng Hữu Ở Montreal
gửi anh chị Bá Dĩnh - Thủy Trang
Cơn mưa nào đưa ta về phương đông
Ngọn gió nào thổi ta qua hướng bắc
Buổi chiều Montreal, mây chập chùng cao thấp
Như những mảnh đời trong khoảng cách xa nhau
Ta uống không nhiều mà vẫn thấy say
Vẫn ngây ngất trong men tình bằng hữu
Nhà chị có một cành hoa bưởi
Ta chợt nhớ mình thuở tuổi mười ba
Tiếng hát chị còn vọng mãi trong ta
Bài thơ anh viết gởi bạn bè Ðông Bắc
Ta viết dở dù lòng thương nhớ nhất
Ngôn ngữ của đời sao kể hết chuyện con tim
Ta trở về, thành phố nhỏ ngủ yên
Bỗng muốn làm mây bay tìm hướng cũ
Cho ta nhắn về phương Nam bão lửa
Có trái tim ta trên mỗi dặm đường
Ðừng trách gì ta nhé, hỡi quê hương
Mười lăm năm, ta bỏ người đi biệt
Vẫn còn đó trong cõi lòng tha thiết
Giấc mơ làm người áo vải đất Tây Sơn
Chào Montreal, chào bằng hữu thân thương
Một đêm ta say theo từng tiếng hát
Mưa ngập lối về, mưa thay nước mắt
Nước mắt tình người làm sáng nẻo ta đi.
Trần Trung Ðạo
Boston 7/2/96
Cát Bụi
Như một bóng trăng tròn
Rụng xuống lòng ao
Những mảnh nhân tình
Tan nát vỡ
Theo ngọn sóng bọt bèo
Cứ tưởng mặt hồ phẳng lặng
Mặt trăng kia như một đóa hoa gần
Cứ tưởng lòng ta không gợn bụi
Tráng lên thành kiếng để soi chung
Cứ tưởng tình yêu hóa đá
Nụ hôn xưa dan díu đến muôn đời
Cứ tưởng...
Nhưng ta là cát bụi (*)
Sinh ra
cho trọn kiếp lưu đàỵ
TTH
* Trịnh Công Sơn
Ðoản Khúc 3
Khuôn mặt em thì để khóc.
Khóc đi em.
("Phương", Tô Thùy Yên)
Bật cháy một que diêm
Ðể nhìn rõ khuôn mặt em.
Ðêm mùa hè trở giấc.
Trong khoảng không của đêm màu cổ tích
Anh vạch một đường chì than trên nền nhà
Khuôn mặt em. Khuôn mặt em.
Mai đây không còn nữa...
Ðêm mùa hè ẩm hương chiêm bao, lạnh.
Ðổ chút rượu xuống đêm màu huyền thoại
Mùa vĩ cầm gió xa xăm trong ký ức.
Anh xóa vội nét chân dung
Mười ngón tay dài đau buốt như nỗi buồn
Khuôn mặt em. Khuôn mặt em.
Trời đang mưa.
Trời đã mưa.
Ôi ngày anh bước cùng em trong thiên nhiên bát ngát
Vui trọn một mùa hè.
Trở về phố quen quán rượu khuya
Nhớ về một bài thơ cũ...
Chuốt vội cho say những nghĩ tưởng
Xóa vội xanh ngát những cơn mưa kỷ niệm
Xanh ngát tóc em anh không với tới.
Bật cháy một que diêm
Khuôn mặt em. Khuôn mặt em.
Mai đây không còn nữa.
Chinh
1 tháng 7 96
bài thơ tháng 7
trời tháng giêng, tháng 7 buồn như nhau...
Nguyễn Ðình Toàn
Em nhé bây giờ sang tháng 7
mà tưởng như chừng tháng giêng thôi
Tháng giêng! hạnh ngộ buồn dư lại
âm thầm mưa trút xuống hiên tôi.
Em ở hiên người xa xôi quá
tháng 7! cho cùng vẫn xa thôi
mưa bay, bay chút xưa vào hạ
viết mãi lời thơ để ngậm ngùi.
Có lẽ em tôi hồn Chức Nữ
nhưng chuyện nhân gian thiếu nhịp cầu
nên yêu em vẫn lời tình tự
tôi mãi xa người với lòng đau
Tháng giêng, tháng 7 bình an nhé
em ở bên đời thơ rất thơ
tôi viết vu vơ buồn, cứ xé
thương ai 5,7 vết bây giờ !
Cỏ Nhớ
SÁCH BÁO TRONG THÁNG
Cấu Trúc Thơ chuyên luận về thi ca của Thụy Khuê, Văn Nghệ xuất bản 1995, 247 trang, giá US$13.00, ngoài nước Mỹ US$15.00. Liên lạc: Văn Nghệ, Westminster, CA USA.
Thi ca hay thơ là một trong những hình thái văn nghệ có gốc gác xa xưa nhất, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tình cảm con người. Vì thế người ta không ngừng tìm hiểu nó, xem bản chất nó là cái gì mà mang sức mạnh ấy. Thụy Khuê khi viết Cấu Trúc Thơ cũng muốn người đọc thơ tìm hiểu thơ, nếu thấy hay thì tại sao hay? "Thấy hay" là điều người đọc thơ cảm thấy bằng trực giác, còn muốn hiểu "tại sao hay" thì phải hiểu cấu trúc của nó, bởi thơ có một cấu trúc riêng, không phải chỉ là câu văn có vần, mà cũng không phải cứ viết dăm ba câu dài ngắn khác nhau, xuống hàng tùy hứng là có thơ tự do. Thơ có những "phép" của nó, như ẩn dụ, hoán dụ, lựa chọn, kết hợp v.v... mà khoa ngôn ngữ khám phá ra để hiểu rõ nguồn cơn của thơ hơn. Thụy Khuê đã trình bày các phép tắc ấy một cách linh động, giúp người đọc thấy được sự liên hệ giữa chúng với cái "hay" mà mình đã cảm nhận trong thơ. Dĩ nhiên đó là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ để thưởng thức thơ, nhưng nhờ đó chúng ta cảm nhận cái hay một cách sâu sắc hơn, giống như một người rành nhạc lý thưởng thức một bản nhạc đầy đủ hơn một người hoàn toàn thất học về nhạc. Ngoài những chương lý luận về cấu trúc thơ, tác giả đã dành những chương cuối để trình bày về thơ hiện đại của Việt Nam, khởi đầu đi từ Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Ðình Thi trong thập niên bốn mươi, đến nhóm Sáng Tạo với thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền thập niên 50, 60, và gần đây nhất, thơ văn xuôi của Ðặng Ðình Hưng và thơ tạo sinh của Lê Ðạt. Sự thăng bằng ấy của cuốn sách đem đến cho người đọc nhiều kiến thức về thi ca cũng như cảm thấy thú vị khi đọc.
oOo
Vụ Án Một Người Tu tiểu thuyết của Thích Như Ðiển, Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Ðức xuất bản 1995, 212 trang, giá US$9.00 tại Hoa Kỳ. Liên lạc: Chùa Viên Giác, Hannover, Germany.
Câu chuyện gọi là "tiểu thuyết" này chỉ thực sự bắt đầu ở chương hai và kết thúc ở chương 16, tuy là còn hai chương nữa mới hết quyển sách. Chương đầu tác giả kể chuyện Ðức Lạt Lai Lạt Ma đến thăm chùa Viên Giác, nơi tác giả trụ trì, và hai chương chót, chương 17 bình luận về câu chuyện vừa kể, chương 18 tác giả kể quá trình làm việc của mình để hoàn tất cuốn truyện. Một cấu trúc như thế rõ ràng không quen thuộc với người đọc sách thông thường, trông chờ ở câu chuyện tiểu thuyết như là một sự kiện hoàn toàn khách quan, một thế giới khác mà mình được mời phiêu lưu vào. Nhưng tác giả Thích Như Ðiển hình như không có ý định làm một quyển tiểu thuyết theo nghĩa thông thường như thế. Ông viết cuốn sách theo cung cách của một người tu hành mong muốn trao cho người đời một thông điệp nào đấy, hình thức không quan trọng. Tác giả kêu gọi người đọc cùng chia sẻ với mình như khi kể chuyện trong gia đình giữa những người thân với nhau. Câu chuyện một tu sĩ Phật giáo vượt biên qua các nước Tây phương, trải những nỗi đắng cay trong môi trường tu hành mới, rồi bị vu oan trong một vụ giết người cướp của, bị tù tội, cuối cùng chết trên giường bệnh nhưng vẫn không chịu nói ra sự thật, dù mình đã biết. Bên cạnh diễn tiến của câu chuyện, tác giả còn vẽ ra tình hình Phật sự của cộng đồng người Việt hải ngoại với những vấn đề nhức nhối của nô Thái độ của tác giả là coi đây là câu chuyện chung, thảm họa của vị tu sĩ ấy cũng là một phần có tính chất điển hình của bao chuyện bề bộn mà cộng đồng Phật tử phải biết và tìm cách giải quyết lấy.
oOo
Lý Luận Và Phê Bình - Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975 - 1995 phê bình văn học của Bùi Vĩnh Phúc, Văn Nghệ xuất bản, 760 trang, giá US$27.00, ngoài Hoa Kỳ thêm $3.00. Liên lạc: Văn Nghệ, CA.
Ðó là một cuốn sách khá đồ sộ về cả hình thức, nội dung lẫn thời gian biên soạn. Môn lý luận và phê bình văn học vốn ít người viết, nay lại có một cuốn sách về loại này bao trùm một quãng thời gian dài 20 năm của văn học hải ngoại, được một tác giả "có tay nghề" (vừa ở trong giới viết lách, vừa có học vấn cao về môn văn chương ngôn ngữ) cặm cuội thực hiện trong một thời gian mười một năm (1984 - 1995), giới quan tâm đến chữ nghĩa của người Việt xa xứ bỗng cảm thấy yên tâm. Hai mươi qua nền văn học Việt Nam hải ngoại dần dần thành hình một cách rõ rệt, sách báo ngày một phong phú, nhưng nếu không có người theo dõi, đánh giá một cách đúng mức thì vẫn là một thiếu sót. Trong lãnh vực này, Bùi Vĩnh Phúc đóng góp phần của mình một cách tích cực, say mê nhất. Sách chia làm ba phần. Phần Một phê bình và nhận định một một số tác phẩm cụ thể của: Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Bá Trạc, Bùi Bích Hà, Phạm Duy, Hoàng Khởi Phong, Trần Mộng Tú, Trần Diệu Hằng, Võ Phiến, Nguyễn Ngọc Ngạn, Hồ Trường An, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Vũ Khắc Khoan, Vũ Quỳnh Hương, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Phan Thị Trong Tuyến, Nguyễn Mộng Giác, Quyên Di, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Tô Thùy Yên. Trong khi làm công việc phê bình nhận định ấy, Bùi Vĩnh Phúc đã làm rõ diện mạo cũng như phong cách văn học của những tác giả vừa kể trên một số khía cạnh. Phần Hai là phần lý luận văn học, gồm các bài viết như vấn đề thẩm thức một tác phẩm nghệ thuật, nghĩ về huyền thoại "ghetto" và vài vấn đề liên hệ trong nền văn học Việt ngoài nước, vấn đề ngôn ngữ và sự sáng tạo của nhà văn nhà thơ v.v... Phần Ba gồm các bài tác giả trả lời phỏng vấn của tạp chí Hợp Lưu và Nguyễn Mạnh Trinh về các vấn đề liên quan đến văn học. Nhìn chung cả cuốn sách, dù ở phần nào, tác giả cũng cố gắng trình bày diện mạo và dòng vận động của văn học Việt Nam hải ngoại hai mươi năm qua, với những đánh giá, nhận định sâu sắc và đầy tính thẩm mỹ.
oOo
Hoa Nở Vườn Tâm của Mật Nghiêm Ðặng Nguyên Phả, tác giả xuất bản 1996, 137 trang, giá US$5.00, ở xa thêm $2.00 cước phí. Liên lạc: Midway City, CA.
Tác giả là một cư sĩ Phật giáo tu học tại gia, hiện phụ trách biên soạn các "Lá thư truyền thanh" phát thanh hàng tuần trên đài "Tiếng Nói Hương Sen" tại Quận Cam, California. Những bức thư giảng giáo lý đạo Phật ấy được tác giả tập họp lại làm thành cuốn sách này. Ðó là những lời lẽ giản dị dễ hiểu nhằm vào giới trẻ để từng bước giới thiệu với họ con đường tu thân cùng là một số khái niệm căn bản của Phật giáo như Tinh thần bình đẳng, Tinh thần tự do, Tinh thần bao dung, Tình thương, Niềm tin v.v... Xen kẻ trong các bài giảng là một số các bài thơ đầy đạo vị của tác giầ
oOo
Nỗi Nhớ bút ký của Phan Lạc Tiếp, Võ Phiến đề tựa, Mõ Làng xuất bản, 190 trang, giá US$12.00. Liên lạc: Mõ Làng, San Francisco, CA.
Tập bút ký chiến tranh này đã được sửa soạn để xuất bản năm 1991 nhưng vì những trục trặc không ngờ trước, mãi cuối năm 1995 mới in xong. Thành ra những chuyện tác giả kể về cơn hấp hối của miền Nam đúng 20 năm sau thì được xuất hiện. Xuất hiện trong một thời điểm mọi người đang nhớ tới, đang hoài niệm, có lẽ càng thấm thía hơn... Trong bài tựa, nhà văn Võ Phiến nhận xét rằng không có biên giới rõ giữa ký và truyện của Phan Lạc Phúc, nghĩa là ký của ông không phải thuần túy kể chuyện đã qua mà còn nét sáng tạo trong ấy, ngược lại trong truyện của ông người ta dễ bắt gặp những người thực việc thực. Người đọc dễ nhận thấy điều đó khi đọc Nỗi Nhớ. Chuyện sụp đổ, chuyện di tản thật không gì có thể thực hơn, nhưng vì ông tả khéo, và nhất là ông chọn các chi tiết để mô tả thật kỹ (nghĩa là thật "nghệ thuật"), nên ký của ông linh động, đáp ứng được rất nhiều nhu cầu thẩm mỹ nơi người đọc. Nỗi Nhớ còn là một tập tài liệu với một số hình ảnh cũ và một số bài ngắn tác giả viết cho tờ Chân Trời Mới phát hành tại các trại tị nạn trên đảo Guam trong năm 1975.
oOo
Gót Chân Huyền Ảo thơ Lê Phụng Thiên - P.T. Ca Hát, Song Ca tái bản lần thứ nhất tại hải ngoại 1996. Không ghi giá bán và địa chỉ liên lạc. Tập thơ này xuất bản lần đầu tại Việt Nam năm 1968, tái bản ở hải ngoại gần ba mươi năm sau. Trang đầu của tập thơ có thủ bút của Vũ Hoàng Chương viết bốn câu thơ và một dòng chữ: Cảm đề Gót Chân Huyền Ảo - Sài đô cuối thu (1968). Ðây là một tập thơ tình, tiếng nói của tình yêu cách đây ba mươi năm xem ra... vẫn vậy. Ðó đây ẩn hiện một ít câu thơ đẹp và thiết tha.
oOo
Mây Bay tuyển tập thơ của Tạ Tỵ, Miền Nam xuất bản 1996, dày 112 trang, giá $10.00. Liên lạc: Garden Grove, CA.
Tuyển tập gồm 53 bài thơ, chia làm ba phần, mỗi phần là một giai đoạn sáng tác. Ở lứa tuổi gần 80, Tạ Tỵ đã là một họa sĩ thành danh từ gần nửa thế kỷ nay, và cũng là tác giả hơn mười cuốn sách đã xuất bản. Tập thơ "Mây Bay" là cuốn thứ tư của Tạ Tỵ được in ở Mỹ. Sắp tới, ông sẽ cho in cuốn "Cuộc Ðời Và Hội Họa." Tạ Tỵ cùng thời với Thái Tuấn, Phạm Duy, giống ở chỗ bên cạnh nghiệp chính (người vẽ, người soạn ca khúc), còn viết văn. Nhưng khác ở chỗ nếu Thái Tuấn chỉ viết những tiểu luận về hội họa, Phạm Duy viết hồi ký và biên khảo liên quan đến âm nhạc, thì Tạ Tỵ không nói gì về bàn tay cầm cọ của ông, về nghệ thuật tạo hình, mà ông làm thơ, viết truyện, và nhận định văn học. Thơ ông, vào giai đoạn đầu (căn cứ theo phần III trong tập "Mây Bay," với những bài làm trước năm 1975), là phiên bản của những tranh lập thể của ông, thí dụ bài "Ðàn Tím" năm 1954: chiều nay Em không hát Tôi lặng nhìn qua trời da bệnh tật Màu đàn tím ngắt In trong ánh mắt Của em Của tôi... Càng về sau, thì ông càng ngả sang khuynh hướng phản ánh thời cuộc, trong đó kể cả những bài ông làm trong tù "cải tạo," như bài "Nửa Ðêm Thức Giấc" ở Lào Cai năm 1977. Ngọn đèn canh le lói Con mắt lòa đêm sâu Hồi kẻng khua rộn rã Một đêm lại cúi đầu.
oOo
Behind The Bamboo Hedges Truyện dài (bằng Anh ngữ) của Mai Phương, tủ sách Người Dân xuất bản 1996, dày 342 trang, không đề giá.
TK 21 xin giới thiệu cuốn sách dựa theo lời tựa: "Cuốn sách này không viết về một con người, một quang cảnh nào đó, hay một mối tình. Ðiểm chính của nó nhằm phác họa một nếp sống, một nếp suy nghĩ, và phong thái của nhiều thế hệ người Việt Nam suốt một thời chiến tranh dai dẳng. Cuộc chiến - khởi động bởi những con rối của cả hai phe Tư bản và Cộng sản - áp đặt lên một dân tộc chỉ muốn sống trong hòa bình và hòa điệu với nhau cũng như với những dân tộc khác trên thế giới. "Nếu cuốn sách này có thể đánh động một chút quan tâm nhỏ bé nào về hoàn cảnh của dân tộc Việt Nam, mối quan tâm dẫn tới sự hiểu biết về những con người Việt Nam đích thực, mà danh dự của họ đã bị bôi nhọ quá lâu bởi những người và những phương tiện truyền thông, thì đó là điều mà tác giả cũng như những người cộng tác của cuốn sách muốn đạt tới." (LTC)
Trích TK21 số 86-06/1996
Cua
Gởi Ly & Hương, Ton y& Trinh, KyPhong, HoaTran ở Virginia, Dũng Florida và TV để cám ơn những ngày vui tại Washington DC.
Nhà tôi hay chọc tôi trước mặt bạn bè là tôi tuổi con cua. Vì đôi lúc tôi hiền lành như cua lột, ngồi im ngậm miệng mặc ai la hét gì mặc kệ. Nhưng khi cơn bốc đồng nổi lên thì tôi thích tranh cãi lý sự cùn ngang như cua bò làm mọi người tức anh ách. Kệ nhà tôi chọc ghẹo hay nói gì thì nói miễn sao trong bữa tiệc buổi nhậu mà bả làm mấy món cua để tôi tì tì nhâm nhi đánh chén với bạn bè là xong ngay.
Ngày ngồi ghế Trung Học. Mỗi buổi học về tôi phải đi ngang một cái quán nhỏ đầu đường gần nhà. Chủ quán người hồng hào tráng kiện mặt mũi phương phi sáng láng thường hay đứng cạnh cửa chào mời khách. Ðến giờ tôi cũng không hề biết được tên thật của người chủ, ngày xưa tôi và bà con hàng xóm chỉ gọi bằng tên "Bảy Bình Dân" vì chú thứ bảy và Bình Dân là tên quán. Thực ra có nhiều quán ăn trên con đường đó nhưng cái làm tôi chú ý và nhớ mãi chú Bảy Bình Dân vì chỉ độc quán này có dọn những món về cua chẳng hạn như cua rang muối, cua lột chiên bột trộn cải xà lách xon, cua faci, v.v...
Nhất là cua rang muối. Chiều nào đi học về bụng cũng đói meo mà đi ngang qua cửa quán thật là một cực hình. Mùi thơm xông nức mũi mà bụng đói làm nước miếng cứ ứa ra. Thuở đó tôi còn nhỏ đã làm gì ra tiền nên cái thèm khát nó cứ lớn dần theo suốt tháng năm Trung Học. Có lẽ vì thế nên trời thương nay gặp được người vợ hiền nội trợ đảm đang món gì cũng cố học làm cho bằng được để dọn lên chiều chồng đãi bạn.
Công nhận với cua ta làm món gì cũng ngon. Dễ nhất là cua luộc. Bỏ vào nồi nước sôi chừng mươi phút là xong. Muối tiêu chanh nữa thế là đủ bộ. Nhưng nhà tôi học được cách hấp cua với bia, pha muối tiêu chanh thêm chút mù tạt của Nhật. Ăn chơi thôi khỏi cần nhậu vì thịt cua hấp chín đã thơm váng vất mùi bia rồị Cua rang muối thì khó khăn hơn, tôi nhớ nhà tôi học xong phải thực tập nhiều lần mới hoàn hảọ Món này cần sửa soạn lâu lắc. Chọn cua phải biết cua đực hay cái, nhiều hoặc ít gạch, ôi thôi đủ thứ gia vị tùm lum tôi chẳng tài nào nhớ nổi. Nhưng lúc xong thì quả thật là ngon. Chỉ cần chấm mút vài cái càng hay chân cua đủ để tôi cạn hết vài ba lon bia rồi.
Hôm trước đi ăn phở với anh bạn. Cạnh quán phở có cái tiệm bán đồ biển phía trước bày một bồn nước nhỏ chứa cua sống đang bơi lội nhởn nhợ Ðang ăn phở mà anh bạn chép miệng nói ước gì mẹ anh còn sống nấu bát canh riêu cua cho cả nhà ăn vì ngày xưa bà hay thích làm món đó. Giây phút ngậm ngùi đã qua chúng tôi bàn cãi về món canh hoặc bún riêu cua. Anh bạn tôi cho ý kiến là món này phải có cua đồng quê nhà mới ngon. Và phải giã cua trong cối đá mới đúng điệụ Tôi đồng ý. Chậc, hôm đó ăn phở mà sao mùi riêu cua cứ vương vấn đâu đó.
Có lần xem TV dường như đài Discovery thì phải. Chương trình đài chiếu về mùa hội lễ họ nhà cua hay sao ấy. Cái hòn đảo nhỏ tràn ngập các anh chị cua đực cua cái. Cả vùng như đỏ ối lên màu mai cua loạn xạ đầy nghịt góc trời. Bầy cua ngang nhiên bò lổn ngổn trên đường xá sân trước sân sau nhà của cư dân. Tôi vừa xem vừa tiếc của trờị Ngữ này nếu gặp phe ta thì phải biết. Trong vòng vài tuần lễ bảo đảm thanh toán sạch sẽ họ hàng nhà cua ngay.
Nhiều lần nhà tôi làm chả giò. Không có thịt cua pha trộn với thịt heo miếng chả giò mất đi hương vi phân nửa. Ăn cứ là nhạt thếch. Không hiểu cái quán chả giò cua bể trên đường Pasteur hay Hai Bà Trưng hay Ðinh Tiên Hoàng gì gì đó còn không. Chứ ngày xưa vô ăn lúc đứng ngoài cửa chờ bàn trống nhìn thấy quán họ cột một đống cua treo gần giàn bếp, chưa ăn mà đã thấy ngon rồi. Nói chi đến lúc gắp miếng chả giò nóng giòn thơm phưng phức mùi thịt cua trộn thịt heo với bún tàu nấm mèo, xong bỏ trên miếng cải xà lách thêm húng quế, tía tô, rau ngò, củ kiệu, cà rốt ngâm giấm rồi gói lại chấm miếng nước mắm tỏi ớt bỏ vô miệng nhai. Sao mà ngon quâ Sẵn nhắc luôn bánh canh cua chợ Cũ. Trời gần Tết lành lạnh. Dạo phố xá mua sắm đồ Tết xong trước khi về nhà ghé lại quán gọi một tô bánh canh cua. Tô dọn ra đầy ắp bánh canh với hành phi thơm phức. Bỏ chút tiêu vắt tí chanh thong thả gắp miếng cua trắng ngần bỏ vào miệng. Thịt cua ngọt! Húp miếng nước dùng, chao ơi ngọt! Ăn uống no nê nhưng thực khách như vẫn còn thòm thèm luyến tiếc khi ra về.
Ngày xưa tôi mê cua luộc Nha Trang hoặc Phan Thiết. Có người bảo ghẹ ngọt thịt hơn. Nhớ lại những buổi trưa ngày nghỉ ra bờ biển chỗ các thuyền đánh cá trở về, đón mua cua tươi còn giãy đôm đốp. Xong về nhà luộc chấm muối tiêu ăn sao mà thịt nó ngọt ngon quá không biết. Bên này nơi gần chỗ tôi ở có vài nơi bán cua sống. Mình lựa cua bắt lên xong đưa họ luộc liền tại chỗ. Cảng San Pedro là một và King Harbor ở Redondo Beach là haị Nhà tôi mỗi lần đi mua thích lựa cua Alaska hơn là Pacific. Cua Alaska lớn con nhiều thịt. Rất ngon ngọt, chỉ ăn hết một con đủ no ứ!
Có một món mà ngày xưa, trước 75, tôi không hề biết hoặc nghe đến. Ðó là cua rang mẹ Bây giờ món này lan ra tận hải ngoại. Tôi có thử nhưng thấy không ngon bằng cua rang muối. Tuy nhiên về phương diện giữ gìn sức khoẻ thì giới trung niên như tôi nếu còn khoái ăn nhậu có lẽ nên chọn món này. Cho dù nhấm nháp mùi cua không còn đậm đà vì vị chua của me đã lấn áp quá thể, không như cua khi rang với muối bốc hơn. Nhưng me tốt hơn muối vì ăn mặn mòi nhiều sẽ không tốt cho cơ thể. Mấy bà mấy cô cũng thích món này lắm vì chua là món ruột của phái đẹp mà.
Tôi ít khoái ăn cơm Tàu. Nhưng chịu cái món cua xào hành gừng họ làm. Lần nào vô tiệm ai kêu món gì thì kêu, nhà tôi biết ý tôi chỉ mê món đó thôi. Một lần qua Houston Texas thăm cậu em ruột. Cậu em dẫn ghé quán ăn đặc biệt có cua rang muốị Hay một cái con cua xanh nhỏ xíu nhà hàng họ rang làm sao mà dòn rụm. Thực khách nhai cả chân càng mu mai rau ráu. Ngon ghê. Một lần đi DC công việc sở. Hôm mới đến lạ nước lạ cái tôi lò mò ra khu Georgetown tìm được tiệm ăn VN tên VietNam Georgetown có món cua lột chan cà ri Ấn Ðộ. Ăn cũng lạ miệng khá ngon. Hôm sau được hai vợ chô ng cậu em mới quen đãi ăn nhà hàng ở khu Eden Center, Virginia cũng lại có món cua lột chiên bơ. Khoái khẩu quâ Suýt nữa quên nói bà xã còn biết làm món cua faci nữa. Bữa nào bạn hiền đến nhà chắc chắn tôi sẽ chuẩn bịsửa soạn sẵn vài chai vang trắng bỏ tủ lạnh trước. Phe ta ngồi nhậu cua faci uống vang nói chuyện bù khú thì còn gì bằng.
Mới vài hôm trước nghe radio đài VN mình trên đường về từ sở. Nghe quảng cáo rằng cô ca sĩ Quỳnh Hương, em ruột Ý Lan, con gái Thái Thanh mở nhà hàng trong vũ trường Queen Bee gần Little Saigon. Cô Quỳnh Hương khoe nhà hàng này có hai món ngon mà dân nhậu rât ưa thích: cua rang muối và cua rang me; do chính tay cô nấu nướng. Ðiệu này làm sao mình bỏ qua cho nổi. Phải ghé thôi. Vừa lai rai ly bia vừa thưởng thức miếng cua rang do người đẹp làm đầu bếp. Ngon là cái chắc. Phải không bạn hiền?
Phú Lê
7/05/96
Cánh Sen Cuối Mùa
(phần 2/2)
Lan cũng rưng rưng muốn khóc khi nghe qua gia cảnh bà Sáu. Chẳng ngại ngùng, nàng mời bà và cô Thoa cùng về ở chung nhà cho tiện. Bà Sáu thoạt đầu trông có vẻ ái ngại, Lan biết ý vội vã trấn an:
- Hổng ngại gì hết á, thấy con diêm dúa, dữ tợn vậy chứ hổng phải vậy đâu! Tụi công-an phường thì vậy mới sống nổi. Còn với người chẳng hay gặp may thì con giúp hết mình. Dì đừng ngại nghen, vả lại... con bận bịu lắm, có người phụ một tay thì con đỡ đi một tay mà.
- Dạ, để tui về bàn với con Thoa xem sao!
Lan vỗ vai bà Sáu, thân mật, vừa cười, vừa nói:
- Ðược mà, hổng sao đâu, vậy đi hé, Dì phụ việc nhà cho con, khỏi phải bán rong, chị Thoa thay gì làm ở dưới đó, thì lên đây phụ con đứng thối tiền cho khách. Mẹ con dì có nơi ăn chốn ở, lại để dành tiền được, con có người giúp việc một tay. Hé? Về bàn lại rồi cho con hay!
Ðơn giản thế thôi. Lan và bà Sáu quen biết nhau trong tình huống vỏn vẹn có thế. Vả lại, thường những kẻ có cùng chung một dĩ vãng đau buồn, một quá khứ tối ám, thì rõ dễ thông cảm cho nhau, nhìn sâu tận trong vùng tâm thức, họ thấy được những gì đang đợi. Ðôi lúc không cần phải nói thật lòng mình, qua ánh mắt, tiếng thở dài, là họ đã thấu triệt được nỗi lòng của nhau, bởi lẽ, họ là những kẻ có chung một tâm hồn đồng điệu.
oOo
Lan người Sài-gòn. Bố quê quán Hải-phòng, mẹ người Hà-nội. Cái bệnh lao ngặt nghèo đã cướp mất đi bà mẹ đáng thương trong gia đình khi Lan chỉ vừa tròn mười tuổi. Chẳng bao giờ nghe cha nàng nhắc chuyện dĩ vãng; nội ngoại ra sao; chú, bác giàu nghèo thế nào mà cứ mặc cho gia đình nàng sống âm thầm trong một căn nhà lụp xụp bên xóm Hoàng-Ðạo, khu Nguyễn-Thông, Sài-gòn. Ông Lân, cha Lan, ngày ngày ngồi vỉa hè bán nước trà, dăm miếng bánh tráng kẹo, và một thùng thuốc lá hầu kiếm cơm. Ngày nào cũng như ngày nào, mưa dầm cũng như nắng gắt, thả bộ dọc trên con đường vắng phủ đầy lá điệp, từ ngã tư Yên-Ðổ, Nguyễn-Thông đến ngã tư Yên-Ðổ, Bà-Huyện- Thanh-Quan, người ta vẫn thấy một ông già đã ngoài năm mươi, da xạm vì nắng gió cứ hì hục thổi to những đống than hồng hâm trà cho khách. Long, người anh cả của Lan, ngày đi đạp xích lô, tối về, sau khi giao xe cho chủ, hai cha con lại lon ton đi bán dạo, cha đẩy xe mì hoành thánh, con cầm cây gõ đi khua lóc cóc trong khu và những xóm lân cận. Với số tiền kiếm được mỗi ngày của anh, quán nước ban ngày và xe mì ban đêm của bố, tuy không dư giả nhưng cũng không đến nỗi túng bấn để nuôi đủ bốn miệng ăn trong nhà, kể cả việc học hành của nàng và đứa em gái, Thanh-Linh bên trường trung-học Cứu-Thế gần đấy. Cũng như gia đình bà Sáu, anh cả của Lan cũng bị bắt lính sau mấy năm trường trốn chui trốn nhủi. Rồi cũng đâu chừng hơn một năm sau, gia đình Lan cũng thành một trong những gia đình "Thương Binh Liệt Sĩ. Bố Lan buồn lắm, ông Lân là người tuy cũng trầm tư, ít nói, nhưng kém hơn bà Sáu ở chỗ ông không đối diện được sự thật. Thương tiếc con quá đỗi, ông đâm ra thờ thẫn. Bà con trong xóm vẫn thường nhìn thấy ông đôi lúc trò chuyện, nhỏ to một mình bên những xị rượu đế. Tiếng gõ lóc cóc vào mỗi đêm khuya tịch mịch của xe mì hoành thánh ông Lân cũng từ đó mà thưa hẳn đi.
Rồi một buổi trưa oan nghiệc hôm ấy, Lan đang ngồi làm việc tại khu cửa hàng Bách-hoá Tổng hợp sau ba năm trời tốt nghiệp trung học Marie-Curie, con Linh từ đâu bất chợt xô cửa, chạy tuôn vào. Mặt mày con nhỏ mếu máo, vừa nhìn chị, nó vừa kêu ré lên:
- Ba chết rồi! Chị Lan ơi, Trời ơi!... Ba bị xe cán chết rồi !!!!
Lan nghe rụng rời, bỏ mặc con Linh, chạy tuôn ra cửa, con Linh mặt mày bù lu bù loa, cũng chạy vướng đuổi theo chị nó. Hai chị em cứ chạy xô vào, len lỏi vào đám đông đang đứng tần ngần quanh đấy...
Xác ông Lân đã được khiêng ra khỏi lòng rãnh của đường rầy, phủ kín bởi một tấm khăn trắng loang ố nhiều nơi từng vùng đỏ thẩm. Hai gã công-an đứng chực hờ, chốc chốc lại xua tay ngăn cản đám người tò mò xung quanh những khi cần thiết.
Người ta vẫn thường đồn đại khu đường rầy xe lửa, từ chỗ ga Sài-gòn mới sửa, xuyên qua khu ngã sáu bồn binh Lê-văn -Duyệt, chạy giáp ranh khu chợ Vườn-chuối, vẫn thường hay có những oan hồn lẩn quất nên dân ven khu vẫn cứ hay bị xúi quẩy hàng năm. Cũng có thể ông Lân là một phần tử bất hạnh trong năm nay, nhưng cũng có thể ông vì quá ngán ngẫm cái kiếp nghèo từ mấy mươi năm nay, lại thêm nỗi đau mất con mà tự tìm cho mình một cách giải thoát quá đáng? Dù sao đi nữa thì hai chị em Lan cũng đã một sớm một chiều, bỗng trở nên lạc loài, côi cút.
Lan đâm ra hận cái nghèo, hận luôn cả đồng tiền. Vì nghèo mà mẹ nàng đã lao lực, vì thiếu đồng tiền mà cái bệnh lao đã dễ dàng cướp đi mạng sống bà ta; vì thiếu tiền mà anh nàng đã phải bị đôn quân, rồi vùi thây đất khách lôi theo số phận của ông bố già, tuy dạn dày sương gió nhưng quá yếu đuối để đối diện thực tế... Dòng tư tưởng miên man len lỏi trong óc nàng. Lan khẳng khái quả quyết - Nàng phải có một đời sống khá giả hơn. Nàng phải lìa bỏ khu Hoàng- Ðạo ẩm thấp, hôi hám, cứ chiều chiều lại nghe sặc mùi sình non khi nước lớn, mang theo từng đám lục bình bẩn thỉu, quện đầy rác rưới cứ lẩn vẩn đưa vào sàn nhà được chõi bằng những thân đước cứng lì mà thảo mộc vẫn hằng bám xanh rì, nhơ nhớp.
Nàng phải có khả năng làm được những gì nàng muốn làm. Những buổi di cắm trại cùng lũ bạn- vui biết dường nào - nàng đã thối thoát vì không có tiền. Những lúc nghỉ tiết sớm, có dịp dạo rong vườn Tao Ðàn, Sở Thú, nàng lại ỡm ờ từ chối vì chợt chạnh lòng nghĩ đến ngườ cha nghèo cứ âm thầm, cặm cụi thổi than, hâm nóng từng ấm trà cho khách bên vỉa hè vắng vẻ, chốc chốc lại cứ phải níu lấy cái cây chổi nhằm giữ đứng tấm dù bông sô màu xanh cũ rách vì những khi gió chiều tạt mạnh. Ngay cả những khi không thuộc bài, những lúc ngủ gật trong lớp vì mãi bận bịu với sinh kế...
Nàng đã phí tuổi thơ quá nhiều, dã hoang phế đi mười mấy năm tuổi học trò, cái tuổi ngọc hồnh nhiên ngày nào bên chúng bạn, thế mà cuối cùng nàng cũng chẳng đánh đổi được gì; để rồi nàng cũng mất mẹ, mất cha, mất anh, mất tất cả những gì mà lẽ ra nàng không phải bỏ mất trong cái tuổi ngọc hồn nhiên nhất của một đời người.
Bây giờ nàng còn lại gì đây, khi dĩ vãng thì quá đau thương, hiện tại lại quá cô đơn, trống vắng. Rồi tương lai? Trời ơi! rồi số phận của đứa em gái sau này... Tất cả những suy nghĩ, lo sợ, chợt bừng dậy trong Lan một cách mãnh liệt.
Và cuối cùng, Lan đã quyết định. Sau tám tiếng đồng hồ làm việc cho cửa hàng Bách-hoá, đêm đến, nàng sẽ đi chạy bàn cho một quán bia ôm ăn khách nằm chễm chệ trên đường Huỳnh- thúc-Kháng.
Cả Sương, đứa bạn gái thân nhất thời trung-học cũng có ý khuyên răn:
- Rồi Nam của mày thì sao? Biết được làm sao ăn nói với anh chàng?
- Biết được thì càng thông cảm cho tao hơn chứ sao. Vừa mân mê vạt áo, Lan vừa khẽ trả lời. Rồi nàng nhìn Sương như cũng muốn phân vân, an ủi:
- Âu cũng là số mạng. Mày không tin có số à? Nhớ bài thơ Kiều của Nguyễn Du mà cô Tiên vẫn thường khen hông?
Sương nhìn Lan, rồi cả hai khẽ đọc:
Gẫm hay trăm sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới đươc thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ Tài, chữ Mệnh, dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần
Ðã mang lấy Nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
- Tài? Tao hổng biết tài cán tao bao nhiêu, miễn cái Tâm tao nghĩ về người ta, tâm tao làm những gì không thẹn với đạo người là khỏi thẹn với lòng rồi. Số bắt vậy, tao biết làm sao hơn?
Rồi nhỏ Sương như ra chiều cũng muốn an ủi bạn, nhắc khẽ:
- Ê Lan, mày còn nhớ bài luận xuất sắc của Nam mà cô Tiên vẫn khen đáo để hông?
- Luận về số mạng? Lan hỏi vặn lại.
- Ừ! Nam đã dẫn lời trích của một triết gia: "Ðịnh mệnh chỉ là một câu thần chú của những kẻ hèn nhát để che đậy sự nhu nhược của mình."
- Cha, dữ hé nhỏ, dẹp, dẹp, đừng moral tao nữa!
Rồi như dõng dạc tự tin, Lan tiếp lời:
- Lúc này đây, tao cảm thấy tao mạnh dạn, tự tin hơn lúc nào hết, tao quyết định rồi, đời tao sẽ thay đổi
- Ðổi cái số nghèo rớt mồng tơi, rơi mồng vải của mày là phải rồi! Nhỏ Sương cũng thêm dầu vào cho bạn.
- Chứ sao, số nghèo tao sẽ đổi thành số giàu! Ê Sương, mày quên rồi nhỏ, không phải cô Tiên khen bài luận của Nam vì lời nói vào đề đó, mà là cốt lõi của toàn bài: "Ðức Năng thắng Số" Nhớ chưa con khỉ.
Rồi Lan thong thả đọc lại từng lời như chỉ mới vừa học thuộc đêm qua:
"Vậy nên chớ bi oan, rồi chán nản cho rằng con người ta phàm không thể đổi được số mệnh mình vậy. Hoạ tuy có nhiều, Nghiệp tuy có nặng, nhưng cứ tu tâm, dưỡng tánh, ráng hành thiện, nhờ vào hành vi tích đức, theo tâm linh, nghị lực, mình vẫn có thể cải thiện cái duy linh mình, từ Hoạ thành Phúc, từ Yểu trở nên Thọ..." vân vân và vân vân... Nhớ chưa nhỏ. Tao sẽ cải được số mà, miễn sao không làm việc trái đạo trời, cứ nhớ mãi cái "Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" mà tu tâm dưỡng tánh. Khi giàu có tao sẽ làm việc thiện. Nghèo thì nói chuyện gì cũng khó, chứ giàu mà làm gì lại hổng được mậỷ Tin tao đi, Nam đưa ra dẫn chứng trên lý thuyết, tao sẽ thực hiện trên trường đời.
Sương nhìn Lan rồi thong thả lắc đầu thán phục:
- Ái chà cha!!! Con nhỏ là Phật tử bao lâu vậy ta? Thấu hiểu đạo đời quá đỗi! Chịu mày rồi, mày không còn là con Cao-thị Thanh-Lan hay buồn hay tủi của 12p3 Marie-Curie dạo nào nữa rồi. Trước mặt, tao chỉ thấy một con Lan hoàn toàn lột xác đi tìm lẽ sống.
- Thôi đừng có cải lương nữa bà, cần gì phải là Phật tử, Ðó là lẽ thường, có vay có trầ Rồi Lan nhìn
Sương như cũng chọc ghẹo:
- Bộ hồi đó giờ nhà mày giúp chị em tao là tưởng tao thích lắm hả, tưởng mày tốt lắm ru?
Sương biết lúc nhỏ bạn thân đang hồi liên tuông bất tận, thôi thì cứ tự nhiên cho nó tự do thả giàn:
- Chà dữ hé! Ừ tao cũng có mục đích đó, nói nghe chơi!
- Thì tao mắc nợ mày, trước sau gì cũng phải trả, chẳng kiếp này thì kiếp sau, sướng cái con khỉ khô! Mày cho vay cũng tốt lành gì đồ con khỉ.
- Ê, ê ... cho vay cũng lựa mặt cho vay chứ mậy, cho vay ẩu tao bị bứng vốn thì sao!
- Mày cho vay đúng người rồi nhỏ, tao sẽ trả mày cả vốn lẫn lời, chịu chưa?
Rồi Lan cũng trầm giọng không khỏi bùi ngùi trước sự tử tế của nhỏ bạn trong suốt mấy năm qua:
- Ê Sương, cám ơn mày nhiều thiệt nhe!
Sương cũng hiểu nhỏ bạn:
- Thôi đừng có nghĩ quẩn nữa! Dẹp đi, ở đó mà ơn với nghĩa.
Rồi nhỏ Sương đanh đá treo lỏng một câu đùa:
- Mai mốt có phát sang thì đừng quên con nhỏ nhiều chuyện này là được rồi - trả nợ tao vậy là sòng phẳng - hé!!
Cả hai cùng cười thật to. Tiếng cười nức nẻ. Hai cô bạn gái thức một đêm trắng canh tâm sự
oOo
Rồi thời gian cứ trôi, việc gì tới cũng tới. Sau lần dang dở với Nam, mối tình đầu tưởng như khó quên ấy Lan lấy chồng - Quang - gã chủ quán tiệm Sen Trắng. Từ chân chạy bàn, nàng chuyển sang quày, chỉ đứng phục bia tại quày và thu tiền nước từ khách và tiền huê-hồng của các chị em bạn gái. Sen Trắng ban ngày, dưới mắt dân thành phố, chỉ là một quán cà- phê bình thường, trông cũng "vô tội" như bao tiệm cà-phê sang trọng khác, nhưng khi đêm xuống, đây là nơi tài tử, giai nhân dập dìu tay ôm gối lả quanh những chậu biẳôm đắt tiền.
Bởi khéo cách chiều khách của các cô, tài len lỏi, biết cách đút lót, chặn họng những tên cán-bộ điạ phương của Lan, Sen Trắng chẳng mấy chốc như diều gặp gió, các chiêu đãi viên thì có cách chiều khách uống thật nhiều, có những chị em bạn gái, lắm lúc cũng phải dùng phòng vệ sinh nôn mửa, để hòng tiếp tục có khả năng uống bia cùng khách. Tay chân thì đứng chực chờ quanh các ngã ba, ngã tư gần đó; hễ có động tịnh chi thì Sen Trắng đèn đuốc lại trở nên bình thường theo cái lối sinh hoạt sang trọng thường nhật của nó. Ðấy là lối làm việc của những quán bia ôm đội lốt. Lan đã quen thuộc với tất cả mánh lới, thủ đoạn như thế của chồng. Ðôi lúc nhìn những chị em bạn, nàng cũng không khỏi thương thầm, vì chính nàng, xưa cũng là một trong những phần tử đáng thương ấy từ thuở mới chập chững bước vào nghề.
Càng làm ăn lớn thì càng sinh nhiều ân oán. Thói đời vẫn thế, người ta vẫn nói chơi dao thì cũng đứt tay phải tới. Hôm ấy, Lan được tin chồng sẽ không bao giờ về nữa. Nàng đã trở thành goá bụa quá sớm để đổi lấy phần tài sản còn lại của chồng. Huỳnh-thúc-Kháng vẫn còn có bề lộn xộn, nàng đổi tiệm sang đường Ðồng Khởi, gọi tên quán Cây Lý. Ðời sống nàng cũng thay đổi từ dạo ấy, trở thành bà chủ, người ta gọi Lan là "Chị Hai", mọi công việc lớn bé tự tay nàng sắp đặt, theo đúng khuôn khổ chồng muốn khi Quang còn sống. Duy chỉ một điều, bãi bỏ số tiền chia huê hồng màcác chị em bạn phải trả, quán chỉ nhận thù lao các cô mỗi đêm với số tiền thu nhất định, ai cũng như ai, đãi khách bình dân hay khách sang, làm việc một vài giờ hay... đóng đô cả đêm. Ngược lại, nàng cũng không cho phép các cô uống quá độ để còn chút tỉnh táo xoay ở rủi khi bị... bố. Cách này, nàng không những đã giữ được các chị em bạn, mà còn thu hút thêm một số khác về ..."đầu quân" cho Cây Lý; hơn nữa, các cô cảm thấy tự do hơn, thoải mái hơn vì không bị bòn rút chi cả. Ngay cả Sương, cô bạn lém lỉnh, cũng còn nghi ngờ:
- Hả?, Hổng lấy huê hồng thì mày cạp đất ạ
- Tiền típ của khách cho riêng quán, tiền lời bán nhờ số đông của bia. Vừa lợi, vừa nhẹ tâm trí tao, khỏi phải đương đầu với họ, vả lại trông cũng còn đàng hoàng hơn chút nữa. Cha, mày nghĩ tao vào nghề này rồi mất hết nhân tính à?
- Chẳc hẳn.
Nhỏ Sương kéo dài ra, cười ha hả rồi tiếp:
- Chị Hai mà nói chuyện nhân tính thì thiên hạ là Phật sống hết rồi!
Sương lại tiếp tục hăng hắc:
- Coi bộ mày đỡ hơn thằng Quang nhiều à nghen!
- Tao cũng xuất thân từ đó mà, hổng hiểu họ thì ai hiểu? lăn lộn nghề này, tao có đanh đá chút đỉnh nhưng đâu có tệ như mày nghĩ con khỉ. Mày mà còn hiểu lầm tao thì ôi thôị... chắc thiên hạ coi tao là quỷ sứ hết rồi chắc...
- Thôi được rồi bà, mới gặp là đã than thân rồi, sao gặp mấy thằng công an thì mày dữ tợn lắm lắm mà sao gặp tao là yếu nhớt hè!
- Thôi đừng nhiều chuyện nữa nhỏ, bao nhiêu nữa đây?
- Con khỉ, vừa thôi, hễ mỗi lần gặp mày là mỗi lần mượn tiền à?
- Ủa chứ hổng phải vậy sao? Còn làm bộ khỉ nữa nhỏ! Tao biểu bỏ quách cái cửa tiệm Bách-hoá u ám, nghèo nàn đó đi, đứng quày cho tao, tao trả lương sộp cho, hổng chịu, còn làm bộ khỉ!
- Nhìn cái quán của mày u u ám ám, mờ mờ, ảo ảo, có mấy đứa gan trời như mày mới dám vô, thằng Minh biết được tao mon men tới mấy chỗ này, nó bỏ tao, thì tao... óng chề suốt đời a.
- Ðừng có điên, mày là bạn tao, tao để tụi nó bốc hốt mày ạ. Còn thằng Dinh, thằng Sơn nữa đó chi, đứa nào say nhảm nó lôi cổ ra ngoài cho mày, sợ chi! Minh à! Mặc kệ chàng ta, mày đi làm chứ đi phục bia như tao hồi xưa đâu mà ngại, tao mới là đứa đáng trách so với Nam, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, tao biết sao hơn, lỡ một lần rồi, tao biết làm sao với mày chứ!
Sương bỗng chợt thấy thương nhỏ bạn vô tả. Lan đanh đá bao nhiêu với đời nhưng lại dễ thương, quá thật với bạn, như cũng để làm xong công tác giao thông trong nhóm cựu bạn học, Sương tiếp:
- Thôi đừng dài dòng nữa, tuần sau con Loan đi Mỹ, có rảnh tới nhà nó chơi ngày mai.
- Ngày mai mà hôm nay mày mới nói tao?
- Ủa lạ trăm công ngàn chuyện, hơn nữa, gặp mày còn khó hơn gặp tổng thống nữa, đi đâu cũng có mấy thằng đi kè, bà con nhìn ngó làm sao tao dám vô, may mà tụi nó còn quen mặt con nhỏ này à!
- Con Loan còn nhắn gì hông?
- Không! Nó chỉ nhờ tao nhắn lại, thì mai mầy tới nhà nó nói chuyện nhiều hơn. Mày biết con nhỏ đó chúa sợ mấy chốn như vầy mà. Ðộng của mày nữa mà lại!
- Ừ, từ từ rồi tao cũng bị thay đổi. Ðứa nào nhìn tao rồi cũng xa lạ, ngờ ngợ, nếu không nói là sợ tao.
- Ừ thì mày cũng thấy đó, mày có còn giống con Lan hay buồn, ít nói ngày nào đâu, Thanh-Lan của 12p3 ngày nào đã chết trong tụi nó rồi, mày bây giờ là "Chị Hai" Cây Lý, đơn giản có thế
- Ðó là với ai, chứ với bây to lúc nào chẳng vậy.
Một vẻ buồn thoáng hiện trên mặt, nhỏ Sương nhanh nhẩu an ủi:
- Thôi nhằm nhò gì! Mày biết mày, tao biết mày đủ rồi, cần gì tụi nó hiểu, đứa nào hiểu mày càng tốt, mà hổng hiểu mày thì cũng chẳng sao. Ủa, chứ hổng phải mày vẫn luôn xài chữ của mày à, sống theo miệng thiên hạ thì sao sống nổi! Sao bây giờ mày lại ngố kệch ra thế?
- Ðùa mày chút thôi, chứ tao lúc nào chẳng vậy!
- Thôi, mai mày tới hé, cũng ngay dịp hợp mặt thường năm của lớp mình luôn thể, cũng chẳng còn mấy đứa, như kéo được đứa nào thì hay đứa ủa tao nữa mà mậy! Ừ, có cả Trị bắ-kỳ mới nghỉ phép bên Miên về luôn đó!
- Ừ, mai tao tới.
Sương cười, xách giỏ bước ra, bỗng Lan gọi với theo, vừa mở két, nàng rút một xấp giấy bạc trao cho Sương:
- Ngày mai mười bốn, quên rồi à! Họp mặt thường niên xong rồi, tao, mày lên chùa Xá Lợi cúng, phúng giỗ cho ba mày, ba tao, quên rồi à?
- Sức mấy, tao định nhắc mày ngày mai luôn thể.
Nhỏ Sương ranh mãnh trả lời, rồi thong thả leo lên chiếc bê xê màu xanh cũ, đạp máy, nhưng cũng không quên ngoáy cổ lại:
- Ừ Lan, với tao, mày lúc nào cũng vậy!
oOo
Bà Sáu cũng chẳng dấu được nỗi xúc động khi nghe hết quãng đời của Lan. Cũng như bà, nàng đã trả một giá quá đắt ngay cả mốt tình đầu để đạt được những gì nàng muốn. Cuối cùng thì ông Trời cũng chẳng đến nỗi tệ cho lắm, xuôi khiến hay cho hai kẻ đồng cảnh ngộ cùng san sẻ những vui buồn cho nhau.
Thở dài một tiếng, bà lại tiếp:
- Âu cũng là cái giá con phải trả, con cũng đã từng nói với dì là ai cũng có số mà. Dì tin như vậy, bất luận thiên hạ nghĩ sao, con cũng vẫn cứ là con. Tự đáy lòng, trong tận cùng con hiểu được điều này là đủ vui rồi. Vật chất, diện mạo bên ngoài chỉ là phương tiện để con đạt được mục đích. Chung cuộc, trong tận cùng tâm thức, con vẫn là một con Lan tinh khôi ngày mà thôi, chẳng qua là lớp bùn đời thừa cơn vẩn đục, Cũng như đi với Phật con khoác áo cà sa nhưng đi với ma thì con phải mặc áo giấy vậy. Dù cho đi với ai đi nữa con cũng chỉ là một con Lan giàu lòng thương người, đó cũng đủ vui rồi.
Lan hớp một ngụm cà-phê đen, loại cà-phê đậm màu đặc biệt mà nàng vẫn thường thích dùng từ thuở còn thời con gái.
Câu nói sau cùng của bà Sáu như có một mãnh lực đưa Lan về thực tại. Rồi nàng nhìn bà Sáu như đã thấu triệt được một triết lý sống ở đời, nàng bỗng mạnh dạn lập lại:
- Ði với Phật con mặc áo cà sa, đi với ma con mặc áo giấy.
Rồi nàng mạnh dạn uống cạn phần cà phê còn đọng lại trong tách.
Vị đắng của ngụm cà-phê cuối cùng còn lại không khỏi gây cho Lan một cảm giác rùng mình...
Ðức Lưu