vhnt, số 153
27 Febuary 1996
Trong số này:
thư vhnt................................................................PCL
T h ơ :
1 - Tu tác ngôn ................................................Ngọc Loan
2 - Ðá vắng ................................................Ngọc Chấn
3 - Cháy ...............................................Trần Thị Nương
4 - Masquerade: Những khuôn mặt dị dung ....LQT / Phan Lê Dũng dịch
5 - Ðối thoại biển .......................................Hữu Thỉnh
D i ễ n Ð à n V ă n H ọ c:
6 - Thơ Hữu Thỉnh: Trường ca biển .................Phan Cung Việt
7 - Gabriel Garcia Maquez phơi bày tội ác Escobar .....Nguyễn Trung Ðức
T r u y ện N g ắn / S án g T ác :
8 - Chiếc áo trắng (1/2) ......Lưu Trường Khôi / Thạch Hãn dịch
Dấu chấm lửng...
Những tháng đầu năm như chim bay, vụt lướt qua cửa sổ thời gian không kịp cho tôi đếm bao nhiêu tờ lịch vừa rơi rụng. Tạm biệt tháng giêng, tháng hai tần ngần chưa qua, tháng ba đã thấp thoáng.
Mùa đông cỏ khô ran, những con chim trốn lạnh chưa trở về, và mây thì ủ rũ chực khóc. Trong tâm trạng mùa đông, cái buồn thường lấp ló. Chợt nhớ một mùa thu xa vắng và chờ dợi một mùa xuân chưa tới. Cuộc đời hệt như bốn mùa, như gốc cây thay lá mỗi năm trải qua những chu kỳ thời tiết, những chu kỳ tâm trạng, những dổi thay cuộc sống: những lúc lá xanh, những khi hoa nở, những lần trái rụng. Hoa nở rồi tàn, lá xanh rồi rụng, trái ương rồi chín, quả ngọt rồi vữa... cứ thế cây cội dần, cho đến lúc mặc đã bao nhiêu lớp vỏ thân cây mỗi năm, nhìn lại dưới chân mình đám lá mục đã chồng chất. Kỳ diệu thời gian, đã bao nhiêu lớp lá, đã bao mùa thay áo, lá vẫn là lá, hoa vẫn là hoa, vẫn hồn nhiên như thiên nhiên, chỉ riêng gốc cây già nhớ rõ. Cây trầm tư giữa rừng, mặc kệ gió lay...
Ðôi khi đời sống như những dấu chấm lửng, không bắt đầu mà cũng chưa kết thúc. Câu chuyện hay ở những trang chưa giở tới.
oOo
Chúc cho thời gian của bạn ngập ngừng dừng lại hôm nay, như những dấu chấm lửng chẳng bao giờ cạn ý!
thân ái,
PCL/vhnt
Tu Tác Ngôn
Tu Tác Ngôn
để quên dưới hạ giới một đàn gà
Cho trái đất
có thêm nỗi nhớ
Canh một:
Cho chồng thương vợ
Canh hai:
Tóc mẹ ta thêm bạc
sau mỗi canh gà
Canh ba:
Giành trọn cho các nhà thơ
Trăn trở
những ý thơ chợt tới
Canh tư:
Mất còn đọng lại
Canh năm:
Con dậy học bài
Ðể bây giờ
ai về
ai đi
ai nhớ ai!
Ngọc Loan
Ðá Vắng
Núi bắc thang ngược trời
gió lồng lên như ngựa
Ðá âm thầm rạn vỡ
Lặng thinh vào đất đai
Những vòm đá không tên
Trần ai cùng năm tháng
Lẻ loi trên đồi vắng
Dấu người xưa bỏ quên
Lặng lẽ một bông sim
Bập bùng trên ngực đá
Cái màu riêng của lá
Choán hết chiều tương tư
Ngọc Chấn
Cháy
Trăng vời xa
Chẳng nói điều gì
Tự bao giờ
Sáng hút về trái đất.
Hoa sữa nở trắng vòm lá biếc
Chẳng nói gì
Lặng lẽ đưa hương...
Anh chẳng nói gì
Nhìn em mãi
Lặng im
Lửa mặt trời
trong đôi mắt
Lửa mặt trời
trong bàn tay nắm chặt
Cháy hết lời
Trần Thị Nương
The Masquerades Những Khuông Mặt Dị Dung
Autumn wind blows again Gió thu vẫn lộng ào ào
I shuđer, my soul in chain Thân ta run rẩy, hồn trong đọa đầy
The gates clanging Loảng xoảng đôi cửa dầy vẫn đập
They are locked Và muôn đời khoá chặt vào nhau
I have no keys Ta nào có đâu chìa khóa
Strangers pass in Khách bộ hành vẫn qua, vẫn lại
Autumn nights Thỉnh thoảng trong những đêm thu
Lingering by my sides. Cạnh ta có lúc khách dừng
I meet many faces Ta đã thấy thật nhiều khuôn mặt
Look into many eyes Nhìn tận trong cùng đáy mắt thẳm sâu
That have no windows Ðể thấy mình nhìn vào chỗ trống
The sun has set Xa xa ánh mặt trời cao rộng
Another day by... Chùng xuống rồi ngày bỗng vụt qua đi...
They have all left Khách đã xa rồi tất cả
Bearing the masquerades Mang theo tất cả những khuôn mặt dị dung
Taking the invitation Mang theo tất cả những gọi mời
Oblivion to the Vào những tấm lụa mù
Curtains before my life Quanh ta che phủ
They bow and curtsy Khách đã chào, đã thấy đủ
Chinging to my veils Tấm lụa mù phủ lấp mặt ta
Never seeing my eyes Khách chỉ nhìn vào chỗ trống
Khách chẳng bao giờ thấy được mắt ta.
LQT Phan Lê Dũng
Ðối Thoại Biển
Ðến một ngày kia những người lính đã tới biển của mình. Cuộc gặp gỡ triệu năm với đứa con trận mạc. Không chỉ người lính lạ lẫm, chính biển lạ lẫm đầu tiên. Biển thốt lên: "Người thắng trận sao mà hốc hác quá".
Những người lính cầm le te cành sú hoe vàng, cầm luôn cả một miền che chở mới. Người lính nói: "Tôi đi qua nhiều bóng mát về đây".
Bóng mát đã lùi xa. Mực tím đã trở lại cho tuổi học trò. Tiếng gàu sòng đã trở về cho cơn hạn hán. Trước mặt là biển, bốn bề là biển, hình như phải nói một câu gì với biển.
Và người lính nói:
- Hôm nay tôi thấy biển lần đầu.
Biển nói:
- Mái gianh nhà anh không nói thế
- Vại nước gốc cau nhà anh không nói thế.
Người lính nói:
- Tôi phải làm gì.
Biển nói:
- Sống với nước phải bắt đầu từ nước Ðó là nghi lễ đầu tiên và nghi lễ cuối cùng.
Người lính nói:
- Mẹ dặn tôi:
Ra sông lấy sóng mà yêu
Ðường xa gặp núi lấy đèo mà tin.
Tôi đã tin và chưa hề bị ngã.
Biển nói:
- Không ngã chưa chắc đã khỏi chìm.
Người lính nói:
- Có bí quyết gì sau lớp sóng kia chăng?
Biển nói:
- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
Người lính nói:
- Tôi đã đi suốt hai đầu đất nước
Biển hiu hiu thán phục:
- Những vết thương của tôi nhiều hơn cả tuổi đời.
Biển hiu hiu thán phục. Và biển chỉ hỏi anh đơn giản điều này:
- Anh có biết bơi không?
Người lính nói:
- Không phải ai cũng biết bơi. Thế mà sao vẫn rất
nhiều cái huơ tay hãnh tiến.
Biển nói:
- Họ đang bơi trên số phận của mình.
Một nửa trí khôn của con người là tìm cách chứng nhận mình và chứng nhận lẫn nhau.
Người lính nói:
- Cây không đi tìm gió, nhưng kẻ thù sẽ đến tìm ta.
Ta lấy gì để che mắt chúng? Màu cát hay màu biển.
Biển nói:
- Còn lại một mình anh.
Người lính nói:
- Tôi phải làm gì?
Biển nói:
- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
Người lính nói:
- Tôi có nhiều bạn
Tôi cầm tay nhiều người
Nhiều người cầm tay tôi
Tôi sẽ gọi tên ai đầu tiên trong cơn khát biển ?
Biển nói:
- Kẻ thù nói ngoài khơi có vàng và tìm cách cướp vàng
Bạn bè nói ngoài khơi có sóng dữ và chia sóng cùng anh
Hãy gọi ai không biến sóng dữ của kẻ khác thành
quà tặng cho mình.
Người lính nói:
- Bao năm rồi tôi nhìn mây biết gió nhìn cỏ biết mưa, cả cánh chuồn cũng giúp tôi chạy thóc vào nhà trước khi cơn giông đến. Gió ấy, cỏ ấy và cả cánh chuồn mau mắn ấy có giúp gì tôi ở biển?
Biển nói:
- Ðó là những đồng tiền đẻ tiêu trên mặt đất.
Người lính nói:
- Bao vốn liếng cả một đời góp nhặt
Bước xuống tàu bỗng thành kẻ tay không.
Biển nói:
- Những chiếc huân chương còn soi sáng trên bờ
Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.
Người lính nói:
- Xin tạm biệt những dây hòm dây cóc dây mai
Ðến thay đôi thiếu đứt
Giúp ta xong buổi cày
Xin tạm biệt những củ nâu mê mệt ngủ
Chín dần bên dấu chân voi
Xin tạm biệt những buổi trưa bát vỡ
những buổi tối hết dầu
những ban mai thổi lửa
Tạm biệt em, nỗi éo le của anh, dang dở của anh,
cay đắng của anh; tạm biệt cơn khát tình vằng vặc.
Xua đêm đi thành mộng mị đời anh ...
Hữu Thỉnh
(Trích TRƯỜNG CA BIỂN)
Thơ Hữu Thỉnh: Trường Ca Biển
Chắc Hữu Thỉnh hiểu những gì làm nên thơ của anh. Trước tiên đó là những câu thơ, bài thơ của một tâm hồn. Từ những câu thơ hay, Hữu Thỉnh đã có những trường ca hay như "Ðường tới thành phố" và mới đây "Trường Ca Biển".
Vâng, những câu thơ hay! Thi nhân chân chính và cuộc sống đều đồng thanh nói lên câu đó. Nếu là khẩu hiệu, thì đó chính là khẩu hiệu thơ. Trở lại, trong các nhà thơ đương đại, Hữu Thỉnh nêu được một hiện tượng thi ca: Người có nhiều câu thơ hay, người có nhiều bài thơ hay và là người có thơ dài hay. Ðó trước hết là tài năng của thi nhân.
Hôm nay lúa lại nhen đòng
Chim bay ngược bão hoa trong thiếp mời
Tôi chưa với tới trái bòng
Kiễng chân chóng mặt cầu vồng lên năm
Cầu vồng xanh đỏ tím vàng
Chim cu toan đuổi chuỗi cườm trời cho
Tôi chưa thấy thế bao giờ
Người ta mua bán chức hờ trong thôn
Người ta ra cúi vào luồn
Một manh chiếu cũng chia phần thấp cao
Cá rô rạch ngược mưa rào
Hám gì bỏ nước cầu ao vào bờ...
Ðất đi qua biển thì mau
Người đi qua nỗi khổ đau thì dài...
Ngày anh trống chỗ trong làng
Mây đen một mảnh nhỡ nhàng về quê...
Khi vui chán vạn khi buồn một ta.
Đó là những câu thơ đứng riêng, tự đứng một mình như trúc xinh, như một sự tự giới thiệu của thi sĩ.
Hữu Thỉnh thành công xuất sắc và có đóng góp ở việc tiếp thụ các mô-típ thơ dân gian. Tỷ lệ các mô-típ dân gian trong thơ Hữu Thỉnh khá cao, nếu không nói là vào loại cao nhất trong các nhà thơ đương thời. Và điều đáng nói là anh đã gắn số phận, tâm hồn mình vào đó, như một người trong cuộc, như một niềm thơ đương đại... Anh có sức bao dung với những niềm thơ trước ấy. Xưa, đối với anh hình như vẫn mới và lẽ đương nhiên đối với anh lại càng mới hơn.
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông.
Thấy cau bỏ già
Trầu không để úa
Yêu nhau không lấy được nhau
Trả gương cho chợ
Trả ngói cho đình
Ngói còn nguyên ngói mà mình tay không
Trả lại tơ hồng
Ông tơ bà nguyệt
Trả lời cam kết
Cho người đa đoan...
Thơ là tiếng nói của tâm trạng. Hữu Thỉnh có công trong việc đẩy những tâm trạng đến mức thành những số phận trong thơ. Số phận, thân phận qua anh, được sống bằng thơ. Người đọc được cảm xúc ở những câu thơ nhỏ, ý thơ nhỏ đây đó như hoa trên đồng nội, suối dưới đất đai... Nhưng đến số phận thì Hữu Thỉnh dồn nội lực và gần như anh chinh phục hoàn toàn. Không ai quên Hữu Thỉnh dựng hình tượng người vợ chiến sĩ trong chiến tranh.
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền...Chị ngồi một bên mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch...
Nếu trường ca trước, anh thành công ở "Chị mầu mỡ mà anh tôi chẳng biết", thì đến trường ca này, anh lại thành công ở hình tượng thơ số phận "Tóc chị thắm làm thót lòng nội ngoại". Từ đó, trầu cau, bến nước, tiếng cuốc, miếng trầu, vành trăng, khúc sông, mùa màng, gió bão đều được anh huy động vào thơ của mình. Và bây giờ đến biển. Trường ca biển của anh có nghĩa rộng lớn cuộc đời. Bây giờ đến số phận của người đàn ông ở đảo. Số phận của những con người giữa biển cả. Họ dám hi sinh vì nghĩa lớn. Thực ra những Chinh Phụ Ngâm và Kiều, những Tiên Dung và Chữ Ðồng Tử... cũng là những số phận thơ. Hình như Hữu Thỉnh rất có ý thức về điều này. Và phải nhận ở mức độ nhất định, Hữu Thỉnh đã thành công ở những tứ thơ lớn như vậy.
Trường ca Biển của Hữu Thỉnh có sáu chương, năm chương đầu, mỗi chương đều có lời sóng; đến chương 6 "bão biển" gào lên thì không nghe lời sóng nữa. Bản chất cấu trúc này đã đượm chất thơ, nó được dựng lên từ cảm xúc nghệ sĩ.
Cả trường ca biển là một cuộc đối thoại khôn cùng giữa biển và người, người và người, người con và người mẹ. Có chương có trang sức thắt và mở như kịch vậy. Chương "bão biển" như được viết với chất bi ca, tráng ca, hùng ca... dưới ánh sáng thẩm mỹ kỳ diệu mang đặc trưng sân khấu. Các số phận đều dồn ép, để bật lên chất thơ. Trong khi các nhân vật kịch và ngay cả bi kịch phần nhiều đạt tới triết lý là đủ. Gần như đoạn thơ nào của Hữu Thỉnh cũng được anh nóng lòng trả về cho thơ, chốt lại một nỗi niềm thơ nào đó. Không bao giờ anh bơi xa thơ.
Không có cái chết nào nhục nhã hơn là sống không phải mẹ...
Bao hiểm nguy con xin lại bắt đầu
Con xin lại bắt đầu bằng lời ru trong suốt
Ra sông lấy sóng mà yêu
Ðường xa gặp núi lấy đèo mà tin...
Gần đây qua các cuộc thảo luận về thơ, cho thấy điều mà bạn đọc yêu thơ băn khoăn nhất đấy là việc nới rộng phạm vi của thơ, đó là thơ cách tân, là bóng chữ bóng câu, là sự giải mã thơ... Thôi thì rất nhiều điều. Trong khi một mình trái tim thơ giản dị vẫn cứ nóng lòng đợi nàng thơ, chứ không phải một nàng thơ nào khác. Có nhiều "kênh" thơ. Trong khi nhiều nhà thơ phấn đấu từ thực đến ảo, làm thơ cho nó thật giản dị, thật thăng hoa; thì một số tác giả muốn khởi đầu từ cái ảo, một ảo ảnh tuyệt đối, trái tim thơ bình thường không còn biết đường nẻo nào mà tìm nữa. Rõ ràng Hữu Thỉnh chọn lối bình thường. Hữu Thỉnh cũng có những câu mơ hồ khác đi:
Thỉnh thoảng lại tung lên vài trận bão
Vò mây chơi
Tóc em dài gội lá đài bi
Cuộc tình ngắn bỏ buồn cho bến vắng.
Nhưng đến câu này thì đã có cái lạ của hư ảo:
Trường sa biển
Trường sa trời
Có câu song sóng có lời tăm tăm.
Câu song sóng là câu gì; lời tăm tăm là lời gì? Ðến đây Hữu Thỉnh say rồi, bước gần hết bàn chân sang cõi ảo rồi. Phải chăng trái tim thơ khi say vẫn thường tìm đến "miền ảo" này, chứ không phải là một cõi huyền bí, hư vô nào khác, lãnh địa không thuộc về trái tim người.
Bước sang thời ti-vi, vi tính, người ta thêm lo cho thơ. Thậm chí có người quá lo đến mức sợ thơ sẽ chết. Xin cảm ơn sự lo lắng chân thành. Nhưng có cách nào khác hơn, như trong khoa học và y học, là bình tâm làm những trắc nghiệm khoa học. Có thể chữa thơ bằng... thần bí? Có thể làm thơ cho thơ khoẻ lên từ nhữn lời giải mã, những cuộc tranh luận kéo dài? Rõ ràng trong khi thơ của ta đang có nhiều trăn trở, thậm chí là nhận lại đường đi, thì một nhà thơ như Hữu Thỉnh đã làm được một việc không nhỏ trong việc tìm ra những câu trả lời cho thơ hôm nay. Anh đã có được câu trả lời bền bỉ và sinh động. Rằng thơ vẫn sống. Rằng thơ vẫn có thể được phát triển với chiều kích lớn hơn.
Phan Cung Việt
(ND số 14520, 18-3-1995)
G. G. MARQUEZ PHƠI BÀY TỘI ÁC CỦA ESCOBAR
Bằng thiên phóng sự khoảng 400 trang, nhà văn G. Garcia Marquez, giải Nobel '82, người rất thân quen với bạn đọc Việt Nam, đã phơi bày tội ác của Pablo Escobar, trùm buôn lậu ma tuý, đối với các nhà báo. Ðây là cuốn sách chưa được đặt tên chắc chắn, có thể là "Tin tức về một người bị bắt cóc", hoặc chỉ gọn lỏn là "Phóng sự chuyện". Dù vậy, nó đã được nhà xuất bản ấn định phát hành vào lễ Giáng sinh tới và tin rằng sẽ là cuốn sách được đón đọc nhiều nhất trong năm 1996 và có một vị trí sáng giá trong văn học và tân văn.
Ðể viết cuốn sách này Marquez đã phải mất ba năm lặn ngụp trong thế giới ma tuý ở Colombia để nắm bắt tình hình. Thoạt đầu ông gặp bà Murajia Pachia de Villamizan, một trong số các nữ ký giả bị bắt cóc. Ông tiến hành một cuộc phỏng vấn dài với bà và chồng bà mà nghĩ rằng mình sẽ viết thành một cuốn truyện. Nhưng ngay lập tức ông hiểu rằng câu chuyện này sẽ không thể thoát ly hoàn cảnh xã hội đã đẻ ra nó. Thế là ông tiến hành phỏng vấn nhiều nạn nhân của Escobar còn sống sót và nhiều người khác có liên quan. Kết quả là ông có được một tư liệu đầy đủ và phong phú từ đó hình thành được một thiên phóng sự về chín nhà báo bị bắt cóc và sát hại bởi tay chân của Escobar.
Ngay chính ông, niềm tự hào của Colombia, cũng đã bị Escobar cho tay chân đến tận nhà ông ngụ tại thành phố Méjies gọi đi gặp y để nghe y kể về nỗi khốn khổ của cuộc sống chạy trốn bất hợp pháp của y và gia quyến. Ông từ chối, liền được báo cho biết rằng Escobar đã có sẵn cả một kế hoạch bắt cóc ông khi cần thiết. Tôi nhớ, hồi ấy ông đã phải lên tiếng bằng một bài báo " Ký sự về một cái chết đã được báo trước của tôi" (nhái lại một tiểu thuyết nổi tiếng của ông "Ký sự về một cái chết đã được báo trước, 1982". Bài báo đã kịp cứu sống ông, bởi chính Escobar biết rõ rằng mình đang ở trong tình trạng không lối thoát và rằng sớm muộn gì cũng sẽ bị giết chết bởi cảnh sát nhà nước Colombia hay bởi kẻ thù của y. Thật ra y muốn dùng các nhà báo làm con tin để gây sức ép buộc chính phủ Colombia phải thương lượng với y và cho y những điều kiện tối ưu để y đầu thú. Cuộc thương lượng kéo dài mất cả năm mà không đi đến đâu.
Như vậy câu chuyện có hai tuyến: một phía là các nhà báo bị bắt cóc và phía kia là bọn bắt cóc dưới sự chỉ huy của P. Escobar. Thế nhưng y không phải là một trong số các nhân vật chính của câu chuyện mà chỉ là một cái bóng lởn vởn đây đó. Tác giả xây dựng câu chuyện gồm hai thế giới. Thế giới bên trong là thế giới của những người bị bắt cóc. Ở nơi bị giam giữ họ luôn luôn có thông tin về những gì đang xảy ra ở bên ngoàị Thế giới bên ngoài là thế giới của những người thân trong gia đình và bạn bè, những người hoàn toàn không hay biết gì về những người bị bắt cóc, họ còn sống hay đã chết.
Thoạt đầu, cuốn sách dày 700 trang. Ông đưa cho các nhân chứng đọc để cho họ nhận xét. Ông đã sửa tới mức viết lại đến lần thứ 11 và rút ngắn lại chỉ còn khoảng 400 trang. Nhưng ngày đầu tháng 9 này, khi đến Madrid, Tây Ban Nha, để giảng về báo chí ở trại sáng tác cho báo El Pais tổ chức cho 12 phóng viên trong đó một nửa là người Tây Ban Nha, nửa còn lại là người Mỹ La Tinh, Marquez bất thình lình gặp được một nạn nhân của Escobar còn sống sót, hiện ở đây dưới một cái tên khác hoàn toàn. Chắc chắn ông sẽ có thêm nhiều chi tiết mới và do vậy sẽ phải sửa chữa. Hơn nữa ông ý thức rõ ràng rằng cuốn sách còn thiếu những chi tiết hấp dẫn, tỉ như chi tiết gây cười chẳng hạn. Ông nói :"Các nhà tiểu thuyết và nhà báo chúng tôi chăm sóc tối đa đến từng chi tiết một". Ở cuốn sách này ông vẫn giữ nguyên vẹn giọng điệu kể chuyện vừa duyên dáng vừa láu lỉnh của mình. Ðồng thời ông biết cách bỏ lửng ở cuối mỗi câu để buộc bạn đọc đọc tiếp câu sau, chương sau, nghĩa là thâu tóm cho kỳ được nhiệt hứng của bạn đọc và không bao giờ để nó nguội đi ở bất cứ chỗ nào.
Với thiên phóng sự này Marquez đã trở lại với nghề làm báo bằng chính nỗi đam mê tuổi thanh xuân khi ông mới vào nghề cách đây 40 năm: năm 1955 khi ông viết thiên phóng sự "Chuyện của một người bị chìm tàu" cho tờ El Ezpactador ở thủ đô Bogota mà kết quả của nó là tờ báo bị đóng cửa, còn ông phải lưu vong sang châu Âu tá túc trong xóm Latinh ở thủ đô Paris. Bằng thiên phóng sự mới này ông muốn nói với các nhà báo rằng tân văn hay không phải là thứ chỉ viết về những gì đã hiển nhiên mà phải điều tra nghiên cứu đến tận cội nguồn của sư việc đã xảy ra và phải viết với một thứ văn chương hay nhất, nghĩa là thiên phóng sự này là một tuyên cáo chống lại thứ báo rác, chống lại thứ sách rác đang ngập ngụa trên thị trường sách báo thời nay.
Nguyễn Trung Ðức
viết theo El Pais, Madrid, 18-9-1995
(TTCN số 41-95)
Năm nay 23 tuổi, Lưu Trường Khôi sinh tại Sàigòn nhưng trưởng thành tại Oak Park, Illinois và hiện đang sống tại Boston. Anh tốt nghiệp cử nhân tại đại học Harvard năm 1994 về ngành Ðông Á học, và hiện đang theo học chương trình Cao học về Sáng tác (Creative Writing) tại Ðại học Boston. Trong tương lai, anh có dự dịnh theo học luật, ngành quốc tế công pháp.
Truyện ngắn và tiểu luận của Khôi được đăng tải trong Once Upon A Dream: The Vietnamese-American Experience, (1995), Thế Kỷ 21, The Vietnam Forum, Horizons of Vietnamese Thought and Experience, Vietnow và Synthesis (ấn phẩm của người Việt tại Gia nã đại). Anh đoạt giải sáng tác năm 1993 do tạp chí The Vietnam Forum tổ chức trên toàn nước Mỹ.
Ðề tài được Khôi ưa chuộng trong các sáng tác của anh là liên hệ gia đình giữa cha-con, mẹ-con, và các khía cạnh khác của đời sống gia đình Việt Nam. Bằng một lối viết giản dị, Khôi gởi đến người đọc những nhận xét hết sức tế nhị về ảnh hưởng của gia đình trên thanh thiếu niên Việt Nam trưởng thành tại Mỹ. Những vấn đề như cha mẹ giáo dục con cái bằng roi vọt, hay bó buộc con cái chọn ngành học theo ý thích của bố mẹ -thường là theo thứ tự y khoa, dược khoa, nha khoa, kỹ thuật, v.v... được Khôi phân tích một cách sinh động bằng một lối viết dí dỏm, làm nhẹ hẳn đi mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tính hài hước (humor), theo Khôi, giúp đương đầu với những thử thách lớn của đời sống dễ dàng hơn. Trong thư riêng, Khôi trích dẫn Zora Neal Hurston, một nhà văn nữ người Mỹ da đen, như để minh chứng tính hài hước có khả năng làm nhẹ những thử thách lớn: "I am not tragically colored. I do not belong to the school of Sobbing Negrohood. I do not weep at the world, I'm too busy sharpening my oyster knife."
oOo
Chiếc Áo Trắng
(phần 1/2)
Ðang đứng chải tóc trước gương, Sương chợt nhận ra đôi mắt thằng bé giống hệt mắt ba nó. Thằng bé ngồi trên sàn nhà gỗ, ngay sau lưng nàng, đang hí hoáy mang đôi giày da màu nâu. Vẻ mặt hắn trông nghiêm nghị đến nỗi khiến Sương muốn tức cười, hai mắt nheo lại ra chiều chăm chú, đôi lông mày trễ xuống, môi bậm, thằng bé cột dây giày rồi lấy tay phủi bụi ở đằng sau gót.
Nàng gọi Ninh lại gần rồi biểu con đứng yên. "Này con, tối nay con chải tóc rẽ giống ba vậy nghe."
Thằng bé mỉm cười để lộ hàm răng sún chiếc răng cửa. Một tay giữ vai con cho ngay, Suơng lướt chiếc lược chải mớ tóc rối. Mỗi lần chải, thằng bé lại chớp mắt. Nàng ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi nắng lẫn mùi hạnh phúc trong tóc con. Chải xong, nàng nhéo vào má thằng bé rồi bảo, "Ðấy, tối nay con là người đàn ông bảnh trai nhất đó nghe."
"Mẹ, xem này," Ninh la lên rồi kéo ống quần trái lên cao. "Con mang giày mẹ không thấy tất con lủng đâu."
Sương bậm môi và thấy nghẹn ở ngực. Khi thấy nụ cười tinh nghịch của con, nàng hôn lên trán thằng bé một lúc lâu. Phải mua tất mới cho con, nàng tự nhủ.
Hai mẹ con đang chuẩn bị đến dự tiệc ở nhà một vị cựu bộ trưởng Việt Nam Cộng Hòa, và để chuẩn bị cho buổi tiệc tối nay, Sương gởi mua qua đường bưu điện một chiếc áo đắt tiền nhất của hiệu Lord & Taylor - hàng lụa charmeuse trắng, cổ hở có viền đăng ten. Chiếc hộp bằng bìa cứng đựng áo còn nằm trên sàn, gần cánh cửa phòng đã long mộng.
Ninh bước lại chiếc hộp rồi nhặt lớp giấy nhựa gói áo lên. "Mẹ, cho con cái này nghe?" Ninh hỏi. "Con muốn bóp vỡ mấy cái bong bóng."
Nàng nhỏ nhẹ từ chối, hai tay vòng trước ngực. "Này con, con biết gì không? Tối nay con sẽ gặp lại bạn cũ của Ba đấy."
"Con có biết ai đâu," thằng bé lên tiếng. "Con biết nói gì với hồ Có khi nào mẹ dẫn con đi gặp bạn ba đâu."
"Con chỉ cần ngoan ngoãn lễ phép là đủ, được không? Con hãy vì ba và mẹ mà lễ phép với họ"
Thằng bé gật đầu.
Nàng bước lại phòng xép móc áo, lấy chiếc áo khoác ra khỏi móc, rồi giúp Ninh kéo chiếc dây khoá. Màu thiên thanh, hơi chật, chiếc áo khoác do một ông Botticelli nào đó ở nhà thờ St. Edwards cho. Tối nay, Sương sẽ bận thêm chiếc áo choàng đen dài mượn của bà chủ. Chiếc áo làm cho nàng trông cao hẳn lên.
Khi hai mẹ con đang bước xuống bậc cấp khu chung cư, Ninh nói với mẹ: "Tối nay mẹ đẹp quá." Hắn kéo thẳng đôi vai khiến trông cao lớn hơn. " Giống như mình đang hẹn hò phải không mẹ." Người mẹ có dáng dấp quý phái, khuôn mặt trái soan, nước da mịn, răng trắng như ngọc, đôi mắt bồ câu, chiếc mũi thanh tú, để lộ nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, và mỗi lần nàng bước đi, ngay cả không khí hầu như cũng cúi chào, tự động rẽ ra cho nàng bước.
"Taxi đến rồi kìa con." Nàng cầm lấy tay con, bóp nhẹ, và chỉ trong khoảnh khắc, nàng nhận ra thịt da nơi tay con mềm nhũn như bột, không giống chút nào da thịt rắn chắc của ba nó, định rút tay lại, nhưng thấy thằng bé mỉm cười, nàng lại để yên.
Lên xe, Ninh nói huyên thuyên. Mới ở Mỹ một năm mà tiếng Anh của nó bây giờ đã quá sõi. Hắn bảo người tài xế râu ria xồm xoàm là tư gia ông bộ trưởng ở McLean, hắn đang học lóp ba và là dân ghiền đội Orioles.
"Ðội Orioles tệ òm! Bà có nghĩ vậy không?"
Sương nhìn theo làn khói thuốc từ trên môi người tài xế bay qua cửa kính rồi tan loãng vào khoảng không bên ngoài dưới bầu trời cuối tháng mười. Nàng không biết nên trả lời sao cho đúng.
"Bà làm sao thế. Bộ không nói được tiếng Anh ạ"
Nàng lại bóp tay Ninh chặt hơn. Nàng đang học thêm tiếng Anh ở đại học cộng dồng-bằng cử nhân luật đại học Sàigòn bây giờ trở nên vô dụng, và hy vọng sau khi tiếng Anh khá hơn, sẽ theo học lấy bằng y tá. Nàng nhớ lại thằng con trai của bà Schuller có một tấm thảm của đội Orioles của Baltimore để trong phòng ngủ, nơi mà nàng phải hút bụi mỗi tuần ba lần, lại còn có cả vải trải giường và bao gối của đội Orioles. Nhưng chính nàng không hiểu Orioles có nghĩa gì, hay là họ "tệ" ở chỗ nào.
Không thấy trả lời, người tài xế nói tiếp, "Tiếng Anh không khó lắm đâu." Hắn quay người lại rồi nheo mắt, "Nhất là đối với một người đẹp như bà."
Nàng chú tâm quan sát phong cảnh vùng ngoại ô Virginia: những ngôi nhà nằm trên bãi cỏ rộng, các khung cửa sổ trang hoàng những chiếc đèn trái bí, lại có rải ít lá khô màu vàng cam. Ðây đó, một hộp thư màu xanh đứng lẻ loi nơi góc đường.
Sương bỗng nhớ đến chồng. Lá thư sau cùng Tuệ gởi cho nàng đã hai năm về trước, vào mùa thu 1978. Thư kết thúc bằng câu: "Em hãy đưa con đi thăm chú nó." Lúc đó em của Tuệ đang sống ở Colorado, nên nàng hiểu đây là cách nói bóng gió rằng nàng phải thoát ra khỏi Việt Nam, phải bóng gió như vậy vì thư từ trong trại cải tạo gởi ra ngoài đều bị kiểm duyệt. Sau khi chiến tranh kết thúc vào tháng năm 1975, Tuệ bị đưa đi cải tạo ở một vùng rừng núi Thanh hoá, cùng với nhiều viên chức cao cấp khác của chính quyền cũ, và trong suốt bốn năm liền Sương ở lại miền Nam chờ đợi. Ðầu năm 1979, thúc giục bởi lời thư của Tuệ, nàng cùng con vượt biển đến Mã Lai, và mùa thu năm đó đến định cư tại Mỹ.
Nàng phân vân không biết tại sao trong hai năm liền chẳng có thư từ gì của Tuệ, ngay cả thư gởi cho thân nhân hiện còn ở Sàigòn. Tháng tháng, nàng viết thư về nhà hỏi mẹ về tin tức của Tuệ nhưng chẳng khi nào có được tin gì chính xác. Nàng e ngại điều đáng sợ nhất sẽ xảy đến.
Dù thế nàng vẫn nuôi hy vọng. Tuần rồi, trên đuờng đến quét dọn nhà bà Schuller, nàng nhác thấy một cây sồi. Trên một cành sồi trụi gần hết lá nằm cao quá tầm tay, một vật gì đó bắt mắt nàng. Trong khi hầu hết những ngọn lá khác đã vàng uá rụng xuống sân cỏ bên dưới, trên cành vẫn còn một chiếc lá xanh tươi mơn mởn. Sương chớp mắt đôi lần mà vẫn thấy chiếc lá dính vào cành. Nàng nhìn chiếc lá một lần cuối rồi tiếp tục bước đi, hai tay ôm vòng trước ngực, mắt nhìn lên khoảng trời cao.
Ở trước cửa nhà ông bộ trưởng là chủ nhân, một người đàn ông thân hình to lớn, nhưng lại có khuôn mặt rất đàn bà. Ông lịch sự cúi đầu chào Sương rồi lên tiếng. "Ðây là Tuệ nhỏ phải không? Con mạnh khoẻ không?"
"Thưa bác con khoẻ," đứa bé trả lời. "Con cám ơn bác."
Quay về phía người mẹ, ông bộ trưởng nói. "Ðó là đôi mắt của Tuệ chị à. Càng nghĩ thế tôi lại càng nhớ Tuệ." Người đàn ông lắc đầu, và khi thấy đôi mắt ông rũ xuống, Sương nhớ lại là mười ba năm trước, vào năm 1967, nàng cũng đã nhìn thấy đôi mắt u sầu đó khi nàng từ chối lời cầu hôn của ông.
"Chị Sương đến rồi này, mình mời chị vào trong nhà đi cưng." Bà bộ trưởng trong chiếc áo màu đỏ tươi hiện ra trước cửa, trên tay đang bưng đĩa tôm luộc khai vị. Bà cười chào Sương, và sau khi quan sát nàng từ đầu đến chân, bà đặt đĩa tôm lên bàn rồi luồn tay mình vào tay chồng.
"Chị Sương hôm nay đẹp quá," bà vợ ông bộ trưởng nức nở khen, chiếc cằm của bà ngẩng lên cao.
"Cám ơn chị," Sương đáp.
"Chị đến được tôi mừng lắm. Ninh, đến đây ăn tôm và trứng cút nhồi thịt đi cháu."
Ninh ngước nhìn mẹ, được mẹ gật đầu cho phép. Thằng bé bước theo bà bộ trưởng. Bà lấy một ít thức ăn để lên chiếc đĩa nhựa, rồi dẫn nó xuống hầm nhà, nơi trẻ con đang chơi đùa. Sau đó bà trở lại, dẫn Sương vào thư phòng, chỗ có mấy bà cụ đang ngồi nói chuyện.
"Ðể tôi lấy nước cho chị. Ði làm chắc cực lắm hả chị?"
Sương lấy tay vuốt mấy sợi tóc ra sau trong lúc chủ nhà đi vào bếp.
"Cám ơn chị," Sương nói, khi chủ nhà mang cho nàng ly Coca.
"Tôi định lấy diet coke cho chị, nhưng nghĩ lại chị đâu cần. Chị gầy quá, nhưng thế mà lại đẹp chị Sương à. Chị xem tôi có phải là một người nội trợ lười biếng không nào?"
"Chị cũng đẹp chứ thua gì ai đâu."
"Chị cho thằng Ninh đi theo là tốt đấy. Con nít thỉnh thoảng cần được ăn ngon để có sức mà lớn."
Sương rùn vai. Nàng bậm môi, hóp má rồi đưa mắt nhìn quanh. Ở một góc phòng, nằm giữa hai chậu sứ đời Minh là một cây cao gần đến trần nhà bằng ngọc, lá được trau chuốt như những móng tay nhọn màu xanh lục. Ở góc kia có ba con voi bằng sứ để bên cạnh một cỗ tượng Phật.
Khoảng cuối thập niên 1960, Sương đã chọn Tuệ trong số những người theo đuổi Sương hồi đó, bởi vì Tuệ là người hiền nhất. Giống như Sương, Tuệ thuộc gia đình dòng giõi. Còn ông cựu bộ trưởng là con của một chủ tiệm máy thu thanh ở Sàigòn mới giàu sau này, trong khi gia đình bên vợ giàu có nhờ xuất cảng gạo sang các nước ở Ðông Nam Á.
"Chị Sương, áo mua ở đâu mà đẹp thế. Giá bao nhiêu vậy?"
"Con trai chị ra sao," Sương lảng tránh.
Trong suốt buổi tiệc, Sương gặp lại nhiều người bạn đồng liêu cũ của Tuệ. Có người là bạn học ở Quốc Gia Hành chánh, có người quen từ thời tiểu học, có người là bạn thuở ấu thơ. Không như Tuệ, những người này đã thoát ra khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, trước khi Cộng sản tràn vào thành phố. Có Ngô Ðạt, bạn từ thời thơ ấu, hồi còn chiến tranh làm việc trong ngành tình báo. Ðạt có khuôn măt chữ điền, đôi mắt nhanh nhẩu nhưng hơi thấp hơn Sương.
"Chị mạnh khoẻ không?" Một cách vô tình, Ðạt cầm tay Sương định ôm choàng lấy nàng, nhưng Sương dãn ra. Ông ta hỏi thêm
"Chị sinh sống ra sao?" Không thấy nàng trả lời, Ðạt rút bóp, lôi ra tờ giấy $100 rồi đưa cho Sương. "Xin chị đừng từ chối," Ðạt nói nhỏ.
"Không, không, tôi không nhận đâu," nàng vừa nói vừa lắc đầu. "Nếu có lòng giúp, anh hãy mua gì cho cháu. Một chiếc xe đạp, chẳng hạn. Tôi không thể nhận số tiền này."
Nàng tránh không nhìn ông ta, trả tấm giấy bạc vào lòng bàn tay đẫm mồ hôi đến lạnh ngắt của ông.
Vì Ðạt muốn gặp Ninh nên cả hai cùng bước xuống hầm nhà. Mấy đứa trẻ đang chơi bóng bàn hoặc chơi trò chơi điện tử Atari, mấy đứa khác lấy dây thun bắn vào đám con gái đang nhảy dây. Tiếng cười của trẻ con làm Sương vui lây và khiến cho nàng bớt thấy bối rối về chuyện vừa mới xảy ra. Nàng đảo mắt tìm con, rồi thấy trong khi bọn nhỏ chỉ cởi giày, Ninh lại cởi luôn cả tất. Hắn nằm ẹp xuống sàn chơi với thằng Hoàng, con trai của ông bà bộ trưởng.
Khi Sương và Ðạt lại gần bọn trẻ, Hoàng nói: "Thôi mình chơi Stratego đi. Có bao giờ mầy chơi cái đó chưa?"
Hai mắt Ninh mở lớn quan sát. Hoàng mở chiếc hộp đựng rồi phân chia mấy con bài bằng nhưạ thành hai màu xanh đỏ.
"Chưa," Ninh trả lời, "Tôi chưa bao giờ chơi cái này."
"Chưa à. Trời đất, nhà mày là thứ nhà gì mà không có Stratego?"
Ninh cúi mặt xuống sàn. Sưong nhìn thấy đôi chân trần của con và muốn bồng thằng bé lên để che cho nó. Nàng hắng giọng rồi nói, "Con, bác đây là bạn của ba con, bạn thân của ba đó."
Thằng bé ngẩng lên nhìn, một mắt nheo lại. Hắn đứng dậy, sửa người cho ngay ngắn rồi đưa bắt tay người đàn ông thật chặt.
Ðạt nhìn chăm vào mặt thằng bé trong một đôi giây rồi nói,"Chị Sương, nó đã đẹp trai giống Tuệ rồi đó."
Rồi đột nhiên, Ðạt choàng tay qua ôm lấy Ninh trong khi hai tay thằng bé để lửng bên hông. Ôm xong, Ðạt hỏi "Con nhớ ba con nhiều không?"
"Thưa bác, con nhớ chớ."
Sương biết là con đang nói dối, có lẽ để khỏi mất mặt hay để chấm dứt cuộc nói chuyện. Khi cả hai người bước lui để cho bọn trẻ tiếp tục chơi đùa, Ðạt nói thầm với Sương. "Chị Sương, tôi biết điều tôi sắp nói sẽ chẳng giúp chị. Nhưng tôi vẫn hy vọng là Tuệ còn sống. Nếu bọn Cộng sản giết Tuệ, ít ra họ cũng gởi gấy báo cho bà cụ biết ch Chị Sương, Tuệ vẫn là người bạn thân nhất của tôi."
Mắt Ðạt long lanh, cằm bạnh ra, mặt Ðạt đanh lại.
"Cám ơn anh," Sương nói. Trong một lúc, cả hai đều im lặng. "
"Chị Sương, Tuệ có viết thư cho chị thường không?"
Thay vì trả lời, nàng dán mắt nhìn con. Ðạt hiểu ra. Ông đưa tay trái lên che miệng rồi thở dài ảo nảo khiến Ninh và Hoàng phải quay đầu lại nhìn.
Nghe có tiếng giày cao gót ở phía trái, Sương và Ðạt cùng quay lại nhìn, và sau đó có giọng một người đàn bà, "Kìa anh. Ði tiệc mà bỏ vợ một mình là thiếu lịch sự đó nghe." Thân hình mập mạp và ăn mặc tầm thường, vợ Ðạt ôm chầm lấy Sương một cách máy móc.
"Cưng ơi, em tự lo cho mình thì được rồi." Ðạt trả lời. "Ở đây đâu có Cộng sản rình rập mà sợ."
"Nhưng em đang đau," người vợ trả lời, miệng chu lại.
"Anh có nhớ là em bị phong thấp không?" Người đàn bà đưa cao bàn tay lên ngang mặt chồng, vừa bóp mấy khớp xương vừa nghiêng tay đủ cho Sương thấy hai chiếc nhẫn hột xoàn lấp lánh."Úi chà, đau quá."
"Mong chị chóng lành," Sương vừa nói vừa nhìn Ðạt, trong khi Ðạt lẩn tránh không dám nhìn thẳng mắt Sương.
Gần cuối buổi tiệc, Sương ngồi cạnh bà cụ Ngàn thuộc dòng hoàng tộc ở Huế. Bà cụ hỏi thăm Sương về Ninh. "Dạ cháu nó cũng thường," Sương trả lời. "Thế nhưng thỉnh thoảng..." nàng ngừng nói, hai tay đan vào nhau, "Cháu nó vẫn không có bạn đá banh."
Bà cụ vói tay qua cầm lấy tay Sương. "Này cô, cô đừng quên nhé."
"Thưa cụ quên gì ạ?"
"Chuyện Trương Sinh và Vũ Thị đó mà," bà cụ bóp chặt tay Sương.
Người đàn bà trẻ nhíu trán ra chiều bối rối. Chuyện kể Trương Sinh phải giã từ thê nhi lên đưòng chinh chiến.
"Cô còn nhớ kết thúc câu chuyện ra sao không? Không phải lúc người vợ tự tử đâuùtrước nữa kia. Cô còn nhớ không?" Bà cụ vuốt ve cánh tay Sương. "Trương Sinh trở về. Ba năm sau trở về với vợ và đứa ấu nhi."
Sương chớp mắt bốn lần rồi chậm chạp đưa tay lên vuốt tóc.
"Cô nên kể chuyện này cho cháu Ninh nghe," bà cụ nói tiếp. "Kể cho nó nghe trước khi ngủ."
Sương nghiêng người qua hôn nhẹ lên hai má bà cụ.
"Cám ơn cụ," nàng nói nhồ "Cháu sẽ không quên đâu." Lúc đó, nàng như bị hương phấn trên má bà cụ làm cho nàng quên mất lớp học Anh ngữ, quên bà Schuller, quên hết cả chuyện tất con bị lủng, quên hết những lá thư nhà ngày ngày trông ngóng. Nàng lấy ngón tay đeo nhẫn vuốt lên sống tay, nghĩ đến chiếc nhẫn hột xoàn của nàng đã bị cách mạng tịch thu.
"Cám ơn cụ," Sương lập lại.
Ðến giờ ăn tráng miệng, một người hầu gái mắt lé cằm nhọn bưng một khay chè đậu đỏ mời khách. Khi đi ngang qua chỗ Sương và bà cụ ngồi, cô vấp chân làm chè đỗ xuống sát giày nàng.
Sương ngần ngại. Trong tích tắc, nàng giả vờ như không thấy cô ta, lúc đó đang quỳ gối, đôi lông mày nhíu lại. Bà vợ ông bộ trưởng chạy vội đến, tay cầm một cuộn giấy lau, rồi chùi thảm. Nghe tiếng la người hầu, Sương vội quỳ xuống sàn chùi giúp. Bà bộ trưởng nhìn Sương cười hể hả, nhưng người hầu cản lại: "Cô cứ để em chùi."
Nàng vói qua lấy giấy chấm khô vết chè trên giày cô hầu rồi nói "Không sao, để tôi giúp cô."
Tiệc tàn, Sương lấy áo khoác lên người, hai tay thọc sâu vào túi, cám ơn bà bộ trưởng và chào từ giã - nhưng nàng biết người mời nàng là ông bộ trưởng chứ không phải bà ấy - và nàng bảo với ông ta là nàng rất vui được mời đến dự tiệc. Ông gật đầu, rồi cúi xuống nhìn Ninh với đôi mắt trìu mến.
(Còn tiếp phần 2)
Lưu Trường Khôi
Thạch Hãn chuyển ngữ