vhnt, số 178
26 April 1996
Trong số này:
thư vhnt.................................................................PCL
T h ơ :
1 - Tình ma nữ .........................................Phạm Thế Ðịnh
2 - Không đề ...................................................Duy Ðạo
3 - Ðời em muôn nhánh giòng sông .....................Phạm Văn Tiên
4 - Cổ tích cho mùa thu ....................................Sung Nguyễn
5 - Tiếng hát trên phone ................................Vũ Tiến Khôi
S á n g T á c N h ạc P h ẩ m & L ời :
6 - Bóng dáng .........................................................K.H.
T á c G i ả & T á c P h ẩ m :
7 - Nguyễn Huy Thiệp: Kiếm sắc ......................................
T r u y ện N g ắn / S án g T ác :
8 - Tùy bút viết cho tuổi ngọc ............................Ðức Lưu
9 - Quán đêm ..............................................Phùng Nguyễn
Bạn đọc thân mến,
Ðể giới thiệu những giòng văn học mới lạ và có bản sắc đặc biệt, vhnt sẽ mở thêm một mục thường xuyên mới: mục "tác giả và tác phẩm" để giới thiệu mỗi lần một khuôn mặt văn học Việt Nam và thế giới. Số này ngoài những sáng tác của các bạn văn vhnt, xin gửi đến bạn đọc tiểu sử và sáng tác của một nhân vật văn học độc đáo của Việt Nam: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tương lạ với bút pháp sắc sảo và mạnh bạo như những vết chém vào một nền đá khô cứng văn học thời bao cấp. Văn phong và ý tưởng của họ Nguyễn tạo nên những tiếng vang chát chúa, như tiếng lưỡi dao chặt vào đá tóe lửa, như tiếng rít của móng tay nhọn sắc cào vào mặt bàn, khiến người đọc không tránh khỏi rùng mình nổi gái ốc. Sự tàn nhẫn và lạnh lùng của văn chương họ Nguyễn đã tạo được âm hưởng rất lớn trong giới cầm bút trong nước và hải ngoại, Có thể có người sẽ nghĩ: có lẽ nào sự tàn nhẫn phơi bạch trong văn chương có tác dụng cảm hoá một lối suy nghĩ ù lì mỏi mệt? Xin mời bạn đọc tự cảm nhận.
Xin chúc một cuối tuần thanh thản.
thân ái,
PCL/vhnt
Tình Ma Nữ
(Tặng những ma nữ của cuộc đời)
Ða đoan
ma nữ hớp hồn
Nhánh yêu xanh một,
rễ buồn tủa trăm
Cúi đầu
lòng trí ăn năn
Mắt Bao Tự
vẫn sầu đăm đăm nhìn
Cổ thư
ánh nến dõi tìm
Câu oan mệnh,
chữ nghiệp duyên kiếp nào?
Soi đường
tận cõi chiêm bao
Giấc nào em đã
bước vào đời anh?
Ðêm về
mộng, thực lung linh
Bướm hồn Trang Tử,
lụy tình Hồ Ly
Thơ về
nâng bước em đi
Bụi tà hương quỉ
chẳng vì dửng dưng
Phạm Thế Ðịnh
Không Đề
Ngẫu nhiên ngang bến hoa đào,
Nghiêng vai hớt bóng tiêu dao nhòa chìm.
Ngoảnh trông thăm thẳm căn nguyên.
Mây trôi lững thững về miền hư vô...
Khom lưng sửa vạt nghiệp đồ,
Lắng tai hứng những ngọc hồ chân như.
Kệ cao dằng dặc kinh thư,
Tha nhân lạc lối, tâm tư muộn màng,
Tóc sương phai nhạt mưa ngàn,
Âm nao vời vời, ngỡ ngàng lời ru...
Người về xóa dấu nghìn thu,
Gót hài đẫm vết phù du cỏ đùa...
Duy Ðạo
Ðời Em Muôn Nhánh Giòng Sông
Thưa em, có phải tình yêu
Là cô đơn rụng trong chiều nắng hanh
Là tôi ngồi, biết chung quanh
Lẻ loi kết nụ trên cành-buồn-vui
Vắng em, vắng phố đông người
Những đèn khuya hắt bóng bùi ngùi đưa
Này em, hạnh phúc qua chưa
Tôi nghe nỗi nhớ đong thừa bàn tay
Có đam mê giữa vơi đầy
Có tôi chiu chắt tháng ngày bâng khuâng
Ngọn hoang vu có đôi lần
Con chim uyên đỗ cánh gần trái mơ
Giọng đau tiếng hót mong chờ
Gọi trăm năm hẹn, gọi bờ bến trông
Từ yêu em, có giòng sông
Ðời, chia muôn nhánh. Em, trong cội nguồn
Phạm Văn Tiên
Cổ Tích Cho Mùa Thu
tặng tuổi 17
Có một chàng lá xanh
Lặng im ở trên cành
Bên hoa đào hồng thắm
Say đắm mắt long lanh
Một chàng gió lang thang
Dạo qua mời rủ lá
Chu du khắp thế gian
Ngắm tìm hoa đào lạ
Lá mỉm cười chào gió
- Tôi yêu nàng hoa đào
Ðẹp tuyệt trần! Nào có
cần chi cho thật nhiều
Có một sớm buổi sáng
Cuộc tình lá đứt đoạn
Ðâu rồi nàng hoa đào
Cô đã đi phương nào?
Mùa thu sang lạnh lẽo
Lũ lá đi từ lâu
Cô đơn một chiếc lá
Mòn mỏi đợi nàng về
Chàng gió buồn rủ rê
- Cậu ngồi đây làm gì
Bay đi mà tìm chứ
Gió đưa lá vàng đi
Em yêu có biết chăng
Xoay xoay cùng với gió
Chàng lá chung tình đó
Tìm hoa đào của mình
Mùa thu qua khung cửa
Gió trở lạnh từng cơn
Có chiếc lá vờn vờn
Theo gió cuối trời xa
Sung Nguyễn
Tiếng Hát Trên Phone
Bấm phone, gọi bé họ Hoàng
Tiếng em nhè nhẹ như làn gió thu.
Ðời anh ngưng giấc mưa mù,
Trái tim thôi chết giữa tù đơn côi.
Hai phương Nam Bắc xa xôi
Dây phone bịn rịn bao lời nhớ nhung,
Phút âu yếm, phút thẹn thùng,
Phút ngồi tư lự để cùng ngẩn ngơ...
Không gian đang lặng như tờ
Rồi như có tiếng vu vơ hát thầm
Khi lên bổng, lúc xuống trầm
Khi xa vời vợi, lúc gần bên tai.
Tiếng ca từ cõi thiên thai
sao như đượm vẻ u hoài, thở than!
Nhắm đôi mắt, khẽ mơ màng
Mùa xưa mộng ước về tràn trong tim...
Nhẩm theo khúc hát trữ tình
Bâng khuâng chợt nhớ hồn mình Việt Nam!
Cố-hương xa cách ngút ngàn
Nghĩ về chợt thấy tan hoang cõi lòng.
Một lời nguyện ước chưa xong
Một thời cam phận ngủ trong chập chờn
Nay nghe tiếng hát trên phone
Tưởng như chắp lại mảnh hồn tha phương...
8/94
VTK
(tặng cô bé họ Hoàng)
Bóng Dáng
Thấy đôi bồ câu trắng
Ðang bay về xứ xa
Nhớ một bài tình ca
Dâng cho đời hương hoa
Có tâm hồn ta đó
Chiều nay nhớ quê xa
Ta nghe hồn rã rời
Cho thân phận xứ người...
Nhớ đôi bờ môi ấm
Tìm lại giữa đêm khuya
Nhớ đôi bàn chân mỏi
Tìm hoài một vầng trăng
Ôi con đường xa lắc
Bóng dáng người yêu thương
Ôi thiên đường đánh mất
Bóng dáng của quê hương
Ơi nước mắt có vơi đầy
Cho loài chim bỏ xứ
Ơi trái tim nào héo gầy
Vì tình quá xa xăm
Ơi tiếng hát có ru hời
Cho mùa xuân mang tới
Ta vẫn mang hình bóng hoài
Một quê hương dấu yêu.
K.H
(1995)
Ðặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Ðây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa ...
Nguyễn Huy Thiệp
Ðôi dòng tiểu sử:
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán: Thanh Trì, Hà Nộị Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên... Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn..."
Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu nho học và mẹ, vốn là người sùng đạo Phật. Năm 1960, ông cù ng gia đình về quê quán và định cư ở xóm Cò, làng Khương Hà. Nguyễn Huy Thiệp là một bông hoa nở muộn trên văn đàn. Vài truyện ngắn của ông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi anh và cho rằng anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hiện nay ...''(Lời cuối sách của NXB Đa Nguyên)
Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, có thể tạm được phân loại như sau: về lịch sử và văn học: Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút Thoáng Xuân Hương... truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích": Những Ngọn Gió Hua Tát, Con Gái Thủy Thần, Giọt Máu, Muối Của Rừng, Chảy -Di Sông Ơi, Trương Chi... về xã hội VN đương đại: Không Có Vua, Tướng Về Hưu, Cún, Sang Sông, Tội Ác và Trừng Phạt... về đồng quê và những người dân lao động: Thương Nhớ Đồng Quê, Những Bài Học Nông Thôn, Những Người Thợ Xề... Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là Xuân Hồng, Còn Lại Tình Yêu, Gia Đình (hay Quỷ Ở Với Người , dựa theo truyện ngắn Không Có Vua , Nhà Tiên Tri, Hoa Sen Nở Ngày 29 Tháng 4... ; và nhiều thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, song thơ xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông). Năm 1994, Nguyễn Huy Thiệp có hùn vốn mở một tiệm ăn ở Hà Nội tên là Hoa Ban, rất ăn khách.
Tài liệu tham khảo:
Như Những Ngọn Gió, Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn Học,1995.
Những Ngọn Gió Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp, NXB Đa Nguyên,1990.
Nguyễn Huy Thiệp -- Tác Phẩm và Dư Luận, Nguyễn Huy Thiệp et al, NXB Hồng Lĩnh, 1991.
Truyện Ngắn Chọn Lọc, Nguyễn Huy Thiệp, NXB Hội Nhà Văn, 1995.
Con Gái Thủy Thần, Nguyễn Huy Thiệp, NXB Hội Nhà Văn,1992.
Tướng Về Hưu, nhiều tác giả, NXB Trẻ, 1988.
The General Retires and Other Stories, Nguyễn Huy Thiệp,English translation by Greg Lockhart.
Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, Nguyễn Hưng Quốc, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 28, July 16, 1995.
Các tập san Hợp Lưu.
oOo
Kiếm Sắc
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Nguyễn Du
Trong số người gần gũi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Ðặng Phú Lân.
Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Ðặng Phú Bình, trước là thuộc tướng của Trịnh Bồng. Bình tính ngang tàng, võ công thâm hậu, thấy chúa Trịnh hèn mà cách xử thế keo kiệt, không xứng đáng với bậc vương giả nên bỏ Trịnh Bồng vào Ðàng Trong. Khi Tây Sơn nổi lên, Bình theo Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc không tin Bình, cho Bình là dân Bắc Hà trí xảo, không trung tín. Nhạc chỉ cho Bình làm một chức quan võ nhỏ ở vùng sơn cước mãi tây Bình Thuận. Bình bất đắc chí, suốt ngày uống rượu, nhiều khi say quá, cứ trông về phía trời Bắc mà khóc hu hu. Lân can thế nào cũng không được. Về sau Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: "Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre. Nhưng ta thấy sức chơi của bọn người này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gÁnh vác giang sơn sao được? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Ðịnh có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem". Lân khóc, mắt chảy có máu. Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân lấy kiếm đào huyệt chôn cha; tìm đường vào Gia Ðịnh theo Nguyễn Phúc Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới hai mươi tám tuổi.
Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Ðịnh tìm cách lật đổ Tây Sơn, khi này thế đã mạnh. Ánh là người đa mưu túc kế, tính kiên trì, không tin ai, dùng người lấy chữ "hiệp", chữ "lễ" làm trọng, không coi "nhân", "nghĩa", "trí", "tín" ra gì. Thỉnh thoảng, Ánh vào trong đất Thuận Quảng, xuất quỷ nhập thần. Người Ðàng Trong sợ Ánh hơn là thích Ánh. Ánh đi đến đâu nghe nói cũng có mây đen cuồn cuộn bay đằng trước, dân cư thấy có mưa là biết Ánh vừa đi qua.
Lân gặp Ánh. Ánh thấy Lân khôi ngô, ăn nói khoan hòa mà thủ đoạn táo bạo thì thích lắm, cho ở luôn bên mình. Một lần thuyền Ánh qua cửa Tiền Giang, có bốn người đi theo, trong đó có Lân. Bấy giờ có con cá sấu rất to cứ bơi theo, đuổi thế nào cũng không được. Mọi người lo sợ, thấy phải có người nhảy xuống làm mồi cho cá sấu thì mới thoát.
Ánh hỏi: "Ai vì nước Việt mà chết?"
Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân:
"Trượng phu quý mạng sống thế à?"
Lân chắp tay: "Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người!"
Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: "Thế này thì nghiệp ta thế nào Trời cũng cho thành".
Ánh đi đâu cũng cho Lân đi theo, cũng nhiều khi Ánh xem ý Lân để liệu xử thế với người, lần nào cũng trúng. Có lần, lúc này thế Ánh như diều gặp gió, trước Tết Nguyên đán, các tướng lĩnh, các nhà hào phú quanh vùng, cả dân chúng Gia Ðịnh nữa cũng mang lễ vật đến mừng, Ánh cho Lân ra nhận lễ vật. Lân ra nhận, cho ráo vào cả một kho. Khách đến chúc mừng Ánh, chỉ đi chân tay không mà vào. Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ TÁnh thấy lễ vật của mình cũng bị xếp cùng với lễ vật những người khác thì căm tức. Bọn này phàn nàn với Ánh, ý trách Ánh để tả hữu coi thường mình. Ánh cười bảo rằng: "Lân là người có văn, có võ, lại cương trực, trung thành với chủ, cứ để hắn khu xử. Hắn có cách khu xử của hắn. Những người gần ta không phải kẻ tầm thường đâu".
Sáng mồng một, lập đàn tế thần, Ánh cho Lân đứng ra chia lộc thÁnh. Lân chia phần đều ai cũng như ai, mọi người rất hớn hở. Sau việc này, Ánh hỏi Lân, Lân đáp: "Nghiệp chúa công chưa thành, thế mà đã có kẻ dâng lễ vật nhiều, dâng lễ vật ít. Biết lễ vật của từng người, chúa công sau này dùng họ khó." Ánh bảo: "Phải!" Lân lại nói: "Việc chia phần đều nhau là để ai cũng thấy mình phải cố gắng". Ánh bảo: "Cũng phải". Ngồi một lúc Ánh nói: "Chỉ e ngươi căn cơ quá chăng?" Lân đáp: "Ðầy tớ không căn cơ có hại cho chủ". Ánh bảo: "Ngươi là dân Bắc Hà; Ngươi không hiểu dân Ðàng Trong như ta được. Ngươi tưởng làm thế là chu toàn, nhưng bậc vương giả thích sự tiện lợi hơn cả". Lân bảo: "Chúa công nói phải, căn cơ chỉ hợp với bần tiện, nhưng đất của Chúa công bây giờ nhiều hơn đất của Tây Sơn hay của Tây Sơn nhiều hơn?" Ánh cau mày đáp: "Ta chỉ vỏn vẹn có ba thước đất chôn thây thôi". Lân bảo: "Không phải thế. Chúa công được lòng trời đất, chỉ cần Chúa công thành tâm". Ánh ngồi im, lát sau lại hỏi: "Nhạc không nói làm gì. Lữ không nói làm gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế?" Lân đáp: "Huệ giỏi dùng người tài nhưng không giỏi dùng người thường. Chúa công khác Huệ". Ánh ngồi im không nói năng gì.
Khi Nguyễn Huệ chết, con trai là Nguyễn Quang Toản lên ngôi, Tây Sơn năm bè bảy mối. Ánh mừng lắm sai mở tiệc mừng. Lân đứng ra can: "Chúa công đừng làm thế, dân chúng nhìn vào không cho ta là người đại lượng". Ánh bảo: "Huệ coi ta là quốc thù, hịch truyền khắp nơi, lời lẽ bẩn thỉu lắm. Ta với Huệ không đội trời chung. Nó chết ta cười cũng không được ư?" Lân đáp: "Huệ không có tội gì, chỉ là một người tài, bị trời hành, cũng như Chúa công vậy. Nhưng lực lượng của Huệ không được hưởng phúc lâu dài, thế là Huệ dăm bảy đường thiệt. Ta lấy lộc của kẻ được hưởng phúc trời mà cư xử, trời thấy ta phải, người cũng thấy ta phải". Ánh nghe Lân nhưng nghiến răng nói: "Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó". Lân bảo: "Chẳng lâu đâu, Chúa công cứ nhịn cười, lúc ấy cười một thể". Quả nhiên sau này khi Ánh chiếm Thăng Long, thống nhất giang sơn, Ánh trả thù Tây Sơn rất thảm khốc.
Khi Ánh chiếm Phú Xuân, cướp được một ca nữ xinh đẹp lạ lùng, tên là Ngô Thị Vinh Hoa, vừa tròn mười tám tuổi. Vinh Hoa hát hay, đàn giỏi, điệu bộ rất duyên dáng. Một đêm, Ánh hứng khởi, sai Lân đưa Vinh Hoa vào bày tiệc, ngồi nghe hát. Lân bảo: "Hát bài Triều Thiên Tử". Vinh Hoa ôm đàn hát:
Kìa xanh xanh
Mấy nụ non
Mấy lá non
Nhờ mưa xuân mang sữa cho
Nhờ gió xuân mang khí thổ cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Càng lớn, nhan sắc càng mỹ miều
Càng lớn, phẩm hạnh càng thanh sạch
Càng lớn, càng cả thẹn
Thơ nào tả được vẻ đẹp này
Bút nào vẽ được ý tứ này
Ai tương tư mà chau mày
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời cho
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim.
Ánh vỗ tay reo: "Hát hay quá". Lân lại bảo:" Hát bài Tình Sông Núi". Vinh Hoa ôm đàn hát:
Kìa núi cao cao
Kìa sông xanh xanh
Núi do đâu mà ra
Sông do đâu mà ra
Tráng sĩ xa nhà
Lặn lội trên đường
Nơi cố hương
Mẹ già bạc đầu
Gái quý đêm nằm trằn trọc
Lấy gì trả nghĩa tình
Uống chén rượu sầu
Mời núi cao một chén
Lạy thiên tử ba lạy
Chẳng quên tình sông núi
Chỉ thương tình mẹ già với người đẹp phương xa.
Ánh cau mày: "Hát hay nhưng buồn quá". Vinh Hoa quì xuống lạy: "Tiện thiếp làm rầu lòng người trời". Lân đỡ dậy, bảo rằng: "Người chớ lo, Chúa công lòng rộng, những thứ tình cảm sướt mướt của bọn người thường không hợp với Chúa công đâu". Nói xong, Lân sụp xuống lạy Ánh: "Ngày mai Chúa công ra trận vui thú ít thôi, cần nghỉ ngơi". Ánh thở dài đứng lên: "Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa kia ta đâu phải vậy?" Lân đáp: "Chúa công chịu mệnh trời, gÁnh nặng hơn người". Ánh bảo: "Ta chỉ thích như người thường thôi!" Tuy nói thế nhưng cũng rũ áo vào trướng. Vinh Hoa ôm đàn lui ra. Hôm sau, Ánh bảo Lân: "Ta đi mà cứ văng vẳng tiếng hát ca nữ bên tai, tiếng gió thổi, tiếng gươm dao không át được". Lân bảo: "Chúa công còn nhiều cơ hội nghe hát, nhưng cơ hội diệt Tây Sơn chỉ có một".
Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long. Lê Văn Duyệt tâu: "Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi". Ánh bảo: "Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai? Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được". Quan tướng ai cũng thấy phải, ngồi yên lặng cả.
Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Lân đến bảo múa kiếm cho xem. Lân cầm thanh kiếm gia truyền, múa loang loáng, nghe như có gió thổi bốn bề. Ánh nhìn toát cả mồ hôi, đoạn bảo đưa kiếm cho xem. Ánh cầm thanh kiếm hai tay, phát đứt một cây hoa dại vòng gốc như cột nhà mà chỉ bằng một nhát. Nhựa cây phun ra như máu trắng. Ánh hỏi: "Kiếm của ngươi sao sắc bén vậy?" Lân bảo: "Ðây là kiếm thần, không rõ xuất xứ, tổ phụ truyền lại". Ánh hỏi: "Sao bây giờ ta mới thấy nó?" Lân bảo: "Trước Chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó". Ánh cầm thanh kiếm không muốn rời tay.
Ánh hỏi: "Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt?" Lân tâu: "Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình sợ cho mình". Ánh bảo: "Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả". Lân bảo: "Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm". Lân bảo: "Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân còn gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng? Chúng không chịu hiểu là lỗi ở chúng. Ðã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Ða Lộc, dùng người ngoại quốc? Chúc công còn phải mang tiếng ba trăm năm". Ánh lo sợ nói: "Phải làm sao?" Lân bảo: "Chẳng làm sao được, nhưng bên cạnh chúa công có vài người như Ngô Thì Nhậm thì không sao cả".
Ánh bảo: "Ta muốn cho ngươi đi trước, chiêu mộ đôi ba người, thế là công to lắm". Lân sụp lạy: "Ðược thế còn gì bằng, Lân cũng không thẹn mặt với nơi sinh ra mình". Ánh bảo: "Ta giữ thanh kiếm này để khi ngươi quay về, có tin hay, ta có cớ mà khen thêm. Còn không được việc, ta có linh khí mà trừng phạt". Lân tái mặt nhưng đành phải chịu.
ít bữa sau, Lân cãi trang, giắt theo ít vàng bạc, tìm đường ra Bắc Hà. Lúc này Bắc Hà nhốn nháo lắm, triều đình Tây Sơn như trứng để đầu đẳng. Bọn tướng của Tây Sơn tranh giành nhau, chẳng còn biết giữ gìn tiếng tăm nữa. Lân thân cô, thế cô, lang thang đây đó, đi khắp nơi tìm người tài giỏi nhưng không thấy ai ưng ý.
Một hôm, Lân vào nghỉ ở một quán trọ ven đường, thấy có một người cốt cách hiền lành, dáng điệu bồn chồn đang ngồi uống nước chè suông. Hai người nói chuyện. Lân ngạc nhiên thấy người này trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra. Lân cố mời rượu, người này chỉ uống một tí đã đỏ mặt. Con gái chủ quán rất xinh đứng ra hầu rượu. Người trẻ tuổi bảo: "Khách ở nơi xa đến, mệt mỏi vì công danh không đâu, chưa biết thế nào là đường đi lối lại, cô Cầm hát một bài cho nghe đi". Lân thoáng ngạc nhiên, rồi bình tâm lại, vật nài mãi, cô con gái chủ quán bèn ôm đàn ra đưa cho người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi gảy đàn, cốt cách rất ư thanh lịch. Cô con gái chủ quán hát:
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Nhờ mưa mang sữa cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Ai hái cũng phí
Nhan sắc mỹ miều cũng qua thôi
Phẩm hạnh thanh sạch cũng nhạt thôi
Càng lớn càng cả thẹn
Cố tả được vẻ đẹp này
Gắng vẽ được ý tứ này
Ai tương tư cho rầu lòng
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời buộc
Cô quạnh vì nàng
Ta đi săn, đi câu
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim
Bao giờ bốc mộ
Nhỏ cho một giọt nước mắt
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Lân nghe xong, thở dài trào máu ra từ ngũ khiếu. Lân kêu to: "Trời hỡi trời, sao giống bài Triều Thiên Tử vậy?" Cô con gái chủ quán cười cười chỉ tay vào người trẻ tuổi: "Bài này không có tên, do người này làm ra, chỉ để riêng cho Cầm hát". Lân thở dài nói: "Bài hát hay quá, thật Lân này chưa biết thế nào là đường đi lối lại". Nói rồi Lân cáo từ vào trong nằm nghỉ. Hôm sau Lân dậy sớm, bỏ đi không chào chủ quán, cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm, con gái chủ quán.
Khi Lân đến được Thăng Long thì Nguyễn Ánh đã vào thành rồi. Quân Ánh đi như nước lụt, Lân như cÁnh bèo bị sóng cuốn trôi. Thâm tâm Lân cũng chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động.
Lân gặp Ánh xin chịu tội vì không làm được việc. Ánh ngồi trên ngai vàng, tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên. Lân tự trói mình, quì xuống sân rồng. Ánh bảo: "Ngươi theo hầu ta thế là chín năm một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng tội chết". Lân không nói năng gì, vươn cổ ra chịu chém. Nghe nói Nguyễn Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại.
ĐOẠN KẾT:
Tôi, người viết truyện này, gần đây lên Đà Bắc, đến Tu Lý ở trong nhà một người Mường. Chủ nhà tên là Quách Ngọc Minh có cho xem bài vị thờ tổ tiên. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông Quách Ngọc Minh cho biết tổ tiên ông là người Kinh. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông tên là Đặng Phú Lân, có vợ tên là Ngô Thị Vinh Hoa vốn là một ca nhi. Lân và Hoa trốn vua lên Đà Bắc, giả làm người Mường, về sau lập trại, sinh con đẻ cái ở đây. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông sinh thời từng gặp Nguyễn Du, tác giả cuốn Đoạn Trường Tân Thanh nổi tiếng. Tôi còn được con gái ông Quách Ngọc Minh tên là Quách Thị Trinh hát cho nghe một bài hát xưa, lời lẽ rất thanh tao về những chồi cây xanh.
Viết truyện ngắn này, tôi muốn để tặng gia đình ông Quách Ngọc Minh để cám ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi. Tôi cũng xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen biết đã giúp tôi sưu tầm những tài liệu cần thiết cho công việc viết văn, vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa của tôi.
Nguyễn Huy Thiệp
Viết Cho Tuổi Ngọc
Thư U. M.
University Of Maryland, College Park - Ngày... Tháng... Năm 19...
Nhỏ dấu ái!
Cả tuần nay, hôm nào cũng mưa. Mưa không nặng hạt. Mưa dai dẳng, lây lất cùng những cơn gió lạnh, chốc chốc, lại khẽ rít lên qua từng khẽ lá, càng tăng thêm vẻ âm thầm, buồn tẻ của cái Ðại Học U. M. đồ sộ này mỗi khi chiều xuống. Nó thường làm lòng ta chùn xuống vào những cơn mưa dầm lây lất như vầy, nhất là vào những chiều cuối tuần, khi sách vở được tạm gác sang bên, khi tâm hồn ta thoải mái, và tư tưởng, được tự do thả lỏng trong dăm phút.
Nhỏ thương!
Trời bên ngoài vẫn mưa. Những hạt mưa phùn bé tí ti cứ thay phiên nhau gõ đều trên từng nẻo đường nhẵn bóng chạy đan nhau khắp khuôn viên trường. Ta đang ngồi ở đây; âm thầm, lặng lẽ thu mình qua khung cửa sổ mốc màu rêu nhạt, dán mắt vào những giọt mưa gõ đều trên mái ngói. Bài Anh ngữ chưa nghĩ ra chủ đề, một mớ Hoá học còn chằng chịt những phương trình viết dở, và một chồng bài tập chưa màn xem quẳ, tất cả, tất cả tạm thời chưa là việc phải giải quyết ngay trong buổi chiều cuốt tuần này. Tư tưởng ta đang được thả lỏng, bâng quơ tìm về những hình ảnh thân thuộc của từng khuôn viên trường, từng lớp học. Ta đang nghĩ đến thầy, đến bạn, và cả gương mặt dễ thương của nhỏ nữa.
Nhỏ thương!
Ta sắp xa nhỏ đây. Chuỗi ngày còn lại của niên khoá sau cùng tại đây nó buồn làm sao ấy. Cô đọng quá, nhưng cũng ngắn ngủi quá Ta cả thấy đột ngột, bàng hoàng như kẻ vừa tỉnh cơn say. Men cay chếnh choáng làm ta càng áo não, nuối tiếc vì chợt nhận ra rằng ta sắp phải rời bỏ những gì ta vẫn hằng vỗ về, ôm ấp. Xa tất cả! Xa trường, xa lớp, xa những ngày học thi bận rộn, xa bầu không khí vui nhộn của lũ sinh viên ngày nào, xa tiếng nói cười râm ran của lũ bạn, và dĩ nhiên, xa cả nụ cười bẽn lẽn của nhỏ nữa. Mơ mộng quá phải không nhỏ? Ðó là điều nhỏ vẫn hằng thỏ thẻ bên ta. Nhưng mơ mộng thì đã sao? Xung quanh ta một thế giới hỗn tạp của những ích kỷ, lợi lộc, những hố sâu lọc lừa dối trá vẫ hằng chực chờ. Nó mở rộng đôi tay, vồn vã rào đón ta trong những lúc cực thịnh nhất, rồi cũng chính đôi tay ấy, nó lại thẳng thừng khoác mạnh, xua đuổi ta vào những khi túng cùng nhất. Nó dễ dàng khiến lòng ta chai đá, gan lì, khiến thể xác ta rã rời, kiệt quệ, và hồn ta, nặng trĩu những chán chường, mệt mỏi. Mệt mỏi vì phải tranh đấu không ngừng hầu sống còn với một nếp sống "mới", hầu không bị thoái hoá, lạc hậu, nói khác đi, dễ bị cô lập với một nếp sống nguỵ tạo, nguỵ tạo với mọi người xung quanh, với bạn hữu, và tiếc lắm thay, đôi khi với chính ta nữa nhỏ ạ! Chính vì lẽ ấy, một vài phút mơ mộng, lắng đọng, ta im lặng tìm về cõi thật của lòng mình, duy trì và trưởng dưỡng đời sống nột tâm, cái thiên phú trong sáng, cái thật trong tận cùng tâm thức của chính ta, tưởng cũng là điều đáng làm và đáng tự hào phải không nhỏ?
Chúng ta đã bao lần vật lộn thời gian hầu duy trì một khía cạnh nhỏ, dù chỉ rất nhỏ, nào đó trong đời sống nội tâm ấy. Một đời sống vô tư, hồn nhiên của thuở còn cấp sách. Nhỏ nhớ chăng, ngày cuối cùng của năm lớp Nhất, cả hai thấy buồn làm sao ấy. Cái buồn vu vơ của một thằng bé sắp đánh mất những cuộc vui cút bắt, tạc lon; cái buồn ngớ ngẩn của một con bé tiểu học sắp phải xa lìa những hôm nhảy lò cò, những lúc chơi bún thun, năm mười... Nhưng rồi cả hai cũng lại vui ngay, lại tự an ủi bằng hy vọng sẽ gặp nhau trong những năm Trung học. Cùng vào Ðệ Thất đã trở thành niềm vui mới xoá tan cái buồn vớ vẩn, trẻ con dạo nào, vì ta sẽ lại tiếp tục kể nhỏ nghe những chuyện quỷ nhập tràng, những chuyện vui buồn của dân xứ Xì Trum, hoặc những cuộc phiêu lưu mạo hiể, ly kỳ của Phan Tân, Sĩ Phú... từ những mẫu chuyện tranh nho nhỏ mà lũ bạn vẫn thường chuyền tay nhau mỗi khi tan lớp. Phần nhỏ, nhỏ lại kể ta nghe những lúc ăn vụn trong lớp, những khi kí đầu, giựt tóc lũ bạn...
Ðó là lần đầu tiên, ta và nhỏ đã có cùng một khái niệm vu vơ thế nào là cái đẹp của tuổi học trò.
Bốn năm sau, chúng ta lại một phen tương tự, cái buồn của kẻ sắp rời bỏ Trung học Ðệ Nhất Cấp. Ta lại tiếc những hôm đánh đáo, nhảy gù cùng lũ bạn, phần nhỏ, cũng vẫn cái buồn của cô bé trung học một lần nữa, lại phải xa lũ bạn, xa những ngày quay dây, đánh đũa...Và rồi cũng như lần trước, cả hai cũng lại vui lây vì chúng ta đồng hiểu quãnd đời học sinh sẽ không chỉ dừng lại đấy. Chúng ta sẽ tiếp tục vào Ðệ Tam, sẽ cùng trừờng? biết đâu cùng lớp nữẳ Ta sẽ cùng chia xẻ những buổi sinh hoạt cuối tuần chiều thứ Bảy, những đêm cắm trại, lửa hè, rồi lũ bạn lại vẩn vơ nắn nót cung đàn, cố nhại cho thật mùi những lời trần tình mà ca sĩ Chế Linh vẫn hằng là thần tượng của chúng trong những khúc nhạc boléro... Thơ dại quá, thuở ấy ta và nhỏ, chẳng một tình ý nào ngoài những cái đẹp học sinh hai đứa hằng mơ tưởng vu vơ, cũng như lời thơ da diết của một thi sĩ mà ta vô tình ngâm nga dạo nào:
Họ sống bình yên bước lặng thinh,
Chẳng nghe hoa bướm gọi bên mình
Hững hờ đi giữa hương yêu mến
Chân bước khi chưa rộn ái tình...
Những ước mơ, hy vọng ấy, dù rất trẻ con, bình thường, nhưng một lần nữa, nó đã vô tình nói khẽ với ta cái đẹp hồn nhiên của thời cấp sách.
Thời gian vẫn trôi, việc gì đến đã đến. Trong ngày tốt nghiệp, cả hai vui buồn lẫn lộn. Vui, cái bằng Tú Tài vừa đậu, mười hai năm bút ngiêng, món nợ không vay cũng tạm thời trả đủ; buồn, cái buồn vĩnh viễn xa thầy, xa cô, xa hàng phượng đỏ ối sau trường, xa những hôm cúp cua dạo rong vườn Tao Ðàn, Sở Thú, những hôm vắng tiết học, vác xe thơ thẩn quanh tháp Rùa, hoặc những đêm thả dàn, lạc chân vào khu giải trí số 4 Duy Tân... Sao cảm thấy thương quá lũ bạn, những thằng đã cùng ta ba năm cuối cấp, tụm năm tụm ba khắng khít. Ngày mai đây, tất cả như bầy chim vỡ tổ. Ðứa nào may mắn thì tiếp tục đời sống Ðại Học, kẻ rủi hơn thì lăn vào đời kiếm miếng sinh nhai, những thằng xấu số hơn nữa thì bàng hoàng theo lệnh đôn quân mà trong mười mấy năm trời, ngoài mùi mực, nó chưa hề biết thế nào là mùi thuốc súng; chúng chảy nước mắt vì phải nằm dưới những lằn roi mây phạt vạ của ông giám-thị già, chứ chưa hề chảy nước mắt vì khói của lựu đạn cay hay vì khói pháo. Trong phút chốc, ta bàng hoàng như vừa bị tướt đoạt một cái gì đó hồn nhiên quá, cao đẹp quá, trẻ trung, ngây ngô quá. Cả hai im lặng nhìn nhau, ta thoáng buồn ra mặt, còn nhỏ, nhỏ rưng rưng muốn khóc. Ðó là lần thứ ba, ta cảm thấy vô cùng thấm thiá sự mất mát to tát của quãng đời áo trắng. Và Ðại học, đời sinh viên, chỉ là một chặng cuối, ta và nhỏ đã nghĩ tới để hầu đền bù lại một phần nào cái mất mát ấy. Và Thượng Ðế cũng đã ban cho hai đứa cái diễm phút ấy. Vì duyên hay nợ, ta lại gần nhau, tâm sự nhau những vui buồn của tuổi sinh viên. Nó không còn là những cuộc vui cút bắt, những lúc kể chuyện tranh hóm hỉnh, ví von, những lúc nhặt dép chọi phượng vĩ đá gà, hoặc những khi cặm cụi, gò nắn viết cho xong từng trang lưu bút của các cô bạn nữ sinh trong dịp hè về của những năm trung học nữa. Tuy nó không còn ngây dại như ngày nào, ta và nhỏ, lúc ấy đã bất chợt rung động trước vị ngọt ái tình:
Ừ thế, đột nhiên rồi họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại,
Ðứng ngẩn trông vời áo tiểu thư
Nhưng đó cũng là những vị ngọt chớm nở giữa khung trời áo trắng, khi cả hai chưa vẩ chút bụi đời.
Và tất cả, nhỏ hãy nhìn đi, hãy xem lại quãng đường ta và nhỏ đã đi qua, từ thuở bập bẹ đánh vần ê, a, cho đến lúc trưởng thành trong đại học. Thời gian, không gian, tất cả chỉ là một cuộn phim được tuần tự chiếu lại trong nhiều xuất - permanent - Bối cảnh trong phim không khác mảy may. Thời gian trong phim không lệch đi mô,t khắc, và nhân vật trong phim, lại tuần tự, ngoan ngoãn trình diễn vai tuồng mình từ tư tưởng, ngôn ngữ, đến cử chỉ, hành động, không sai biệt một ly.
Nhưng lần này, cuốn phim đã khác rồi nhỏ ạ! Bối cảnh đã thay đổi. Thời gian sẽ không còn lập lại nữa. Nó sẽ không nhắc nhở nhỏ những kỳ thi bán niên trong suốt mười mấy năm trời. Không gian cũng vĩnh viễn thay đổi. Nó sẽ không còn là những ngày cuối thu bàng bạc, mặc cho từng cơn gió chiều bâng quơ khua xào xạc những tàng lá bàng úa để làm nhỏ nao nao những kỷ niệm của buổi tựu trường như Thanh Tịnh vẫn thường cảm xúc trong những ngày cuối thu. Thời gian sẽ không cho phép nhỏ ngắm những hàng phượng vĩ đỏ ối sau trường, nằm bất động dưới những buổi trưa hè đứng gió, nằm chết lặng giữa tiếng ve sầu rền rỉ không dứt. Và dĩ nhiên, nhân vật trong phim cũng phải thay đổi cách diễn. Họ không còn có quyền vô tư, hồn nhiên, đơn thuần như suốt mười mấy năm cắp sách đến trường. Họ phải tự diễn một vai tuồng khó hơn, cực hơn, trách nhiệm nặng nề hơn. Nó đòi hỏi ở nhỏ một sức dẻo dai, chịu đựng. Nó cần nơi nhỏ một tầm nhìn rộng hơn, sâu hơn, dày dạn, và thực tế hơn; cái nhìn của một kẻ sắp đưa chân vào trường đời, làm quen với đủ hạng người trong xã hội. Nhỏ vẫn than phiền cùng ta những ông giáo già hóc búa. Nhưng nhỏ sẽ cảm thấy thương người giáo già ngày nào khi gặp phải những kẻ hóc búa hơn nữa trong trường đời. Nhỏ vẫn buồn phiền cùng ta về những cô bạn ích kỷ, khó chơi vì không cho xem vở. Nhưng nhỏ ơi, ở ngoài kia, cào vạn kẻ khó chơi, ích kỷ hơn những cô bạn vô tư đáng thương kia nữa mà ta e rồi nhỏ vẫn phải đương đầu khi bập bẹ bước vào trường đời. Này nhỏ, nếu nhỏ mất ngủ vì một bài vi-tính chạy chưa ra, hoặc một luận án thiếu chất lượng vẫn còn bỏ dở, thì đó chỉ là cái mất ngủ của cô bé sinh viên khi ngại phải đánh mất con "A", hoặc ngại phải ăn một con "F", thế thì nhỏ ơi, nhỏ còn phải mất ngủ nhiều hơn nữa nếu việc của người chủ giao cho chưa hoàn tất, đó là cái mất ngủ của kẻ đang vật lộn với đời sống thực tại đấy nhỏ ạ!
Nhỏ thương! Chính vì lẽ ấy, khi rời khỏi học đường, buông viết, gấp sách lại, nhỏ đã vĩnh viễn từ bỏ tuổi ngọc hồn nhiên của mình trong những năm khoác áo học trò và ghép mình vào một trật tự bánh xe đang lăn của xã hội, mà gia tốc luôn có chiều tăng. Thế thì nhỏ hãy vui đi, hãy tận hưởng những giây phút thần tiên còn sót lại mà Thượng Ðế đang dành cho nhỏ. Hãy vui với tuổi ngọc của mình để sau này, khi bước vào trường đời, nhỏ sẽ không còn nuối tiếc những chuỗi ngày thơ dại, bé bỏng, tung tăng cắp sách đến trường, tay vói gấu áo mẹ vòi vĩnh một dăm xu mua quà, những chuỗi ngày vô tư mà tâm hồn nhỏ còn trắng trong như trang giấy học trò của nhỏ, chưa hoen ố một điểm mực nào, những chuỗi ngày ngọc mà nhỏ được tự do sống thật với chính nhỏ...
Biết đâu, Thượng Ðế lại chẳng phụ lòng ta, và sẽ cho ta ngày tái ngộ cùng nhỏ. Chúng ta lại thêm một lần nữa, chia xẻ nhau những vui, nuồn, thăng trầm, những kinh nghiệm sống không ở trường học mà ở trường đời... Ðó, đó chỉ là hy vọng duy nhất, một hy vọng đẹp, mộc mạc, bình thường ta vẫn cưu mang khi miễn cưỡng quay lưng, vẫy tay vĩnh biệt nhỏ, vĩnh biệt tuổi học trò, lứa tuổi vô tư nhất, hồn nhiên, và dễ thương nhất mà bất cứ ai cũng đã để lại không ít những kỷ niệm đẹp; những kỷ niệm vĩnh viễn không thể nào quên được.
Chúc nhỏ nhiều may mắn,
Thương và nhớ nhỏ nhiều.
Ðức Lưu
Quán Ðêm
Quán vắng. Rất vắng là đằng khác. Gã đàn ông chọn chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ dọc bức tường đối diện quầy thu tiền, kéo ghế ngồi xuống. Chủ quán, một thiếu phụ trên ba mươi có khuôn mặt dễ coi, mang đến tâm thực đơn, mỉm cười chào hắn một cách nghề nghiệp. Hắn cười đáp lễ rồi nheo nheo cặp mắt cúi xuống nhìn vào tờ thực đơn.
"Anh uống gì gọi trước đi rồi chọn món ăn sau cũng được," chủ quán đề nghị.
"Chị cho tôi một chai Michelob."
"Ở đây hỏng có mi-kà-lốp, anh dùng đỡ bớt đi."
Gã đàn ông ngần ngừ một chút rồi trả lời:
"Bớt thì bớt. Chị cho tôi cái bud cũng được."
Gã đàn ông ngồi nhâm nhi chai Budweiser, ngó mông ra đường. Ðường phố vắng vẻ một cách lạ lùng. Ngắm một hồi chán ngấy, hắn quay lại nhìn vào chỗ quầy tính tiền. Bắt gặp nét bẽn lẽn trên khuôn mặt người chủ quán, tự nãy giờ có lẽ đang tò mò quan sát ông khách lạ, hắn mỉm cười bắt chuyện:
"Cũng may mà quán chị còn mở cửa. Tưởng đâu hôm nay ai cũng đóng cửa để sửa soạn ăn Tết."
"Tết nhứt nhằm ngày thường chán lắm anh ơi. Tui cũng tính nghỉ sớm bữa nay để về nhà đón Giao Thừa, rồi lại tiêng tiếc."
Chị chép miệng nói tiếp:
"Biết vắng như vầy thì đã đóng cửa hồi chiều cho rồi."
Một người đàn ông bước ra từ phía nhà bếp, hai tay bưng khay đựng thức ăn hướng về phía bàn của hắn. Ông ta lặng lẽ đặt mấy đĩa thức ăn lên bàn rồi lặng lẽ quay đi, không thèm trả lời câu cám ơn của gã thực khách. Người thiếu phụ chủ quán nhìn theo, lắc đầu chán nản.
"Ông xã chị coi bộ ít nói," gã đàn ông nhận xét.
"Ông xã nào đâu? Ðó là anh Năm. Anh cứ vậy hoài từ hồi thằng con của ảnh bị tụi nó bắn chết."
Gã đàn ông nhìn chị, chờ đợi một lời giải thích.
"Thì cũng mấy cái vụ băng đảng đó. Vô quán cà phê dành gái rồi bắn nhau tùm lum. Vậy mà cũng được cả năm rồi đó. Tội nghiệp ảnh, có mỗi thằng con!"
"Vậy còn ông xã chị đâu? Chắc đang lo dọn dẹp nhà cửa ăn Tết hả?"
Chị chủ quán bỗng dưng lựng khựng. Rồi chị cũng trả lời, giọng cao và sắc cạnh hẵn lên:
"Thằng chả theo con đĩ ngựa đó qua tiểu bang khác cả năm nay rồi."
Nhất định là "thằng chả" và "con đĩ ngựa đó" đang làm chị tức giận ghê gớm lắm, hắn nghĩ.
"Anh nghĩ coi," chị chủ quán nói tiếp, giọng đã hòa hoãn hơn một chút, "thằng chả đành đoạn bỏ vợ bỏ con đi theo người ta như vậy đó! Trước sau gì cũng bị nó lột hết rồi đá ra cửa cho mà coi."
Gã đàn ông nâng ly bia lên ngắm nghía, quan sát khuôn mặt biến dạng của người thiếu phụ phía sau màn thủy tinh ẩm ướt của chiếc ly, lên tiếng:
"Nếu quả thực như vậy thì chị tính sao?"
"Tính sao là tính sao?" Chị chủ quán cao giọng, vẻ khiêu khích.
Hắn cũng chỉ chờ có vậy, đang buồn quá, có dịp cãi lộn cũng vui.
"Nếu anh ấy về năn nỉ chị xin ở lại thì chị tính sao?"
"Còn lâu à! Tui vác chổi quét ra liền."
"Tôi ngờ lắm. Còn con cái, mấy đứa nhỏ thế nào lại không nhắc đến bố của chúng. Rồi những lúc chúng bệnh hoạn, không có ai bên cạnh để phụ giúp một tay. Rồi lễ lạc, Tết nhất lủi thủi một mình..."
Giọng gã đàn ông càng về cuối càng thấp xuống, gần như thầm thì. Hắn chấm dứt câu nói với tiếng thở dài. Khuôn mặt người chủ quán dịu xuống. Chị nhìn gã đàn ông, vẻ dọ dẫm. Cuối cùng, chị lên tiếng:
"Bộ anh với bà xã cũng ..."
Gã đàn ông lặng lẽ gật đầu, rồi cúi xuống ly bia sủi bọt của mình. Hắn chợt lên tiếng, không nhìn chị chủ quán:
"Ðã hơn năm năm. Sống một mình hoài rồi cũng quen đi."
Hắn không chắc lắm về câu nói của mình. Năm năm, ba thành phố, bốn công việc khác nhau, và vẫn còn lúng túng với nỗi cô đơn muộn màng.
"Vậy anh chưa có bà xã mới sao? "
Gã đàn ông cảm thấy buồn cười vì lối nói chuyệncủa chị chủ quán. Bà xã mới, xe mới, nhà mới, quần áo mới.
"Chưa có ai hết," hắn trả lời.
"Tui nghi lắm. Làm gì mà anh không có người khác. Năm năm chớ bộ ít ỏi gì sao! Tui rành đàn ông mấy người lắm mà!"
Giọng chị chủ quán có vẻ thân mật, suồng sã hẳn lên. Có lẽ cái cảm giác "đồng hội đồng thuyền" làm chị cảm thấy tự tin hơn thì phải.
"Chưa có thực mà," hắn trả lời với giọng trêu chọc," chị biết cô nào cũng ... lỡ làng như tôi giới thiệu dùm đi."
Chị chủ quán hơi lựng khựng, rồi trả lời một cách bẽn lẽn:
"Anh này quỉ lắm! Mà thiệt anh chưa có ai sao?"
"Kể ra thì cũng có, nhưng..."
Gã đàn ông chợt ngưng bặt, chộp lấy ly bia tu ừng ực làm như để chận ngang những lời nói sắp thoát ra từ cổ họng. Hắn nghe tiếng mình lùng bùng trong đầu, "Thôi nhé, chú mầy liệu mà giữ mồm giữ miệng!" Người đàn bà dường như mất hết kiên nhẫn, lên tiếng hỏi sau một lúc chờ đợi:
"Nhưng sao? Lại bỏ nhau rồi hả?"
"Chưa lấy nhau mà bỏ nhau nỗi gì!" gã đàn ông trả lời, giọng chua chát.
"Mà anh với người ấy quen nhau lâu chưa?"
Hắn đến thành phố này chưa đầy tám tiếng đồng hồ nhân một chuyến công tác vội vã, và sẽ rời đi ngày mai. Chắc hắn và chị chủ quán sẽ không còn dịp nào gặp nhau nữa. Có tâm sự vụn với chị ấy thì cũng chẳng hại gì, hắn tự bào chữa.
"Khoảng sáu bảy tháng nay. Tôi quen cô ấy trên Net."
"Nét là ở đâu vậy. Cách đây có xa không?'"
Gã đàn ông cười nhăn nhó:
"Cũng không xa lắm, nhưng phải có computer thì mới vào được."
"Còm-bí-tơ hả? Ông xã tui... ờ .... thằng chả hồi đó cũng học còm-bí-tơ rồi đi làm tếch đó. Từ hồi theo... con nhỏ đó tới giờ hỏng biết làm gì..."
Chị chủ quán có vẻ bâng khuâng. Chắc chị ta đang tự hỏi "Hỏng biết thằng chả đang làm gì giờ này? " gã đàn ông nghĩ. Chợt chị chủ quán lên tiếng:
"Mà anh với cô ấy có nói chuyện thường không?"
"Có chứ. Tụi này liên lạc với nhau bằng email thường xuyên, có khi mỗi tuần vài ba lần."
"I-meo?"
"À, thì cũng như gởi thư vậy nhưng nhanh lắm, có khi năm mười phút sau là nhận được rồi."
"Vậy là phắc rồi. Tui mới phắc về cho chị dâu tui ở Việt Nam. Họ nói chỉ có mấy tiếng là tới rồi. "
Gã đàn ông định mở miệng cải chính, nghĩ sao lại thôi. Hắn nói xuội lơ:
"Thì cũng đại khái như vậy. Tụi này... phắc qua phắc lại mấy tháng trời, nói đủ thứ chuyện nhưng chẳng ai biết mặt ai hết."
"Ngộ hén? Tại sao anh hỏng xin hình cổ?"
Ừ nhỉ, tại sao mình đã không xin ảnh nàng? Ðiều gì đã ngăn cản mình? Có phải vì mình lo sợ phải đối diện với nhan sắc xinh đẹp và trẻ trung của nàng? Phải đối diện với cái khoảng cách choáng ngợp giữa mộng và thực?
"Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ tại tôi sợ cô ấy sẽ đòi ảnh của tôi."
Hắn có cảm giác chị chủ quán đang nhìn hắn với ánh mắt của một bà nội trợ giỏi đang quan sát con vịt quay treo lủng lẳng trên móc ở một cửa tiệm bán thực phẩm. Một lát sau, chị nói:
"Tui thấy anh đâu có sao đâu. Anh coi cũng ra vẻ... đàn ông lắm chớ!"
Hắn đâm ra thích bà chủ quán có lối ăn nói ... độc đáo này. Hắn trả lời, vẻ đùa cợt:
"Cám ơn chị. Tôi đã lo rằng chị cho tôi có vẻ... đàn bà."
Chị chủ quán cười ngất, tiếp tục cuộc phỏng vấn:
"Rồi anh và cô ấy có gặp nhau không?"
"Có một lần..."
Hắn ngưng lại, thở dài. Hắn sẽ không bao giờ quên lần đó. Hắn sẽ không bao giờ tha thứ mình vì đã đến đó. Ðiểm hẹn là một quán ăn nhỏ có cái tên rất gợi cảm, Bắc Hương. Hắn nhất định đòi gặp nàng ở đó vì một lý do đơn giản: nàng đã nhắc đến tên quán ăn này nhiều lần trong những bức điện thư gởi cho hắn. Chuyến đi khá vất vả. Chiếc máy bay nhỏ nhồi lắc, chao đảo như chiếc lá trong giông gió, trời mưa tầm tã lúc đáp xuống phi trường, và cảnh xe cộ ứ đọng của thành phố lớn vào giờ tan sở. Tuy vậy, hắn vẫn đến được Bắc Hương sớm hơn giờ hẹn khoảng hai mươi phút. Hắn gọi một ly cà phê nóng, bảo người phục vụ là hắn đang chờ một người bạn và sẽ gọi thức ăn sau. Quán nhỏ và sạch sẽ. Vách tường được trang trí bằng những bức tranh sơn mài, đúng như nàng đã tả trong thư. Hắn tò mò quan sát bà cụ đang ngồi ở quầy. Có lẽ đây là bà cụ người Bắc với giọng nói "trầm ấm, dễ mến" và đã niềm nở khen chiếc áo len trang nhã, "đan khéo quá" của nàng...
Chị chủ quán, lẵng lặng bỏ đi trong khi hắn chìm vào suy tưởng, vừa trở lại với một chai bia mới. Chị mở nắp, nghiêng người xuống rót đầy ly cho hắn, hỏi tiếp:
"Quen nhau sáu bảy tháng mà mới gặp có một lần thôi à?"
"Chỉ có một lần thôi. Sau đó chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa."
"Sao kỳ vậy? Bộ anh ... chê cổ hả?"
"Ồ không, tôi có dám chê cô ấy hồi nào đâu! Cô ấy thông minh, trẻ đẹp. Rất đẹp là đằng khác"
Chị chủ quán gục gặc đầu ra vẻ hiểu biết:
"Vậy cổ... chê anh lớn tuổi chớ gi?"
"Tôi không nghĩ vậy đâu. Trước đó tôi đã cho cô ấy biết về khoảng cách tuổi tác giữa chúng tôi rồi mà!"
"Cái gì mà rắc rối quá vậy?" chị chủ quán kêu lên, "cổ hỏng chê anh, mà anh cũng thích cổ, vậy sao hai người không gặp nhau nữa?"
Ðiều này thì hắn nghĩ là mình có thể trả lời được. Hắn chọn lời giải thích ngắn gọn nhất để trả lời chị chủ quán:
"Bởi vì hôm ấy tôi đã đánh vỡ một vật rất quí giá của cô ấy."
"Cái gì mà quí dữ vậy? Lỡ làm bể thì mua cái khác cho cổ. Cô này vậy là khó lắm đó!"
"Vật này không thể mua được. Không phải tại cô ấy khó, chỉ tại tôi vụng về..."
Gã đàn ông đưa mắt nhìn chị chủ quán, cười buồn rầu. Hắn nâng ly bia lên uống một hớp, quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, bắt gặp ở một góc mắt thấp thoáng bóng chị chủ quán đang nhẹ nhàng trở về chỗ quầy thu tiền. Ðường phố lúc này càng vắng hơn. Một chút gió đêm làm lay động tàng lá của cây du ven đường.
Hôm đó hắn cũng ngồi ở chiếc bàn gần cửa sổ của quán Bắc Hương. Hắn nhận ra nàng ngay cả trước khi nàng bước vào quán. Tóc dài thướt tha và chiếc áo len xanh nhạt có điểm những bông hoa trắng nhỏ ở thân dưới. Ðó là tất cả những gì hắn có thể hình dung về nàng. Hắn chưa bao giờ hình dung ra được khuôn mặt nàng một cách rõ nét. Trong tưởng tượng của hắn, có khi nàng giống một cô gái nào đó mà hắn quen biết, có khi nàng không giống bất cứ cô gái nào hết. Hắn ngạc nhiên về óc tưởng tượng nghèo nàn của mình, và trong cùng một lúc, cảm thấy bình yên với hình ảnh mà hắn có được về nàng, mái tóc dài, chiếc áo len xanh nhạt có điểm những bông hoa màu trắng, và khuôn mặt không rõ nét. Bây giờ thì nỗi bình yên rụng xuống từng mảng theo mỗi bước chân của nàng. Bởi vì trong giây lát nữa, khuôn mặt nàng sẽ trở nên đậm nét trong ký ức của hắn. Nàng bước vào quán ăn, và có vẻ đã nhận ra hắn ngay lập tức. Một phút sau đó, khi nhìn sâu vào mắt nàng lúc hai người ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn ăn nhỏ, hắn biết rõ là hắn đã có lỗi với nàng rất nhiều. Lẽ ra hắn phải biết điều đó sớm hơn. Lẽ ra cuộc hội ngộ không bao giờ nên xảy ra.
Hắn có một vẻ ngoài tầm thường, một khuôn mặt của kẻ vô danh, rất nhanh chóng chìm lấp vào những đám đông vô danh người ta vẫn thường bắt gặp - và quên lãng một cách dễ dàng - trên một góc phố nào đó. Hắn lại lớn tuổi hơn nàng khá nhiều. Nhưng cho dù hắn trẻ lại mười năm và rất bảnh trai đi nữa, hắn cũng không nên gặp nàng. Bởi vì không ai có thể thay thế được người nàng thực sự muốn gặp. Và người ấy thì không có thực! Hoặc giả có một người như vậy, thì người đó nhất định không phải là hắn. Trong suốt thời gian "trò chuyện" với nhau qua phương tiện thư tín điện tử, hắn đã gởi cho nàng những dữ kiện đã được chọn lọc, mài dũa cẩn thận về hắn, nói cho đúng hơn, về một nhân vật mà hắn muốn trở thành. Một người đàn ông dày dạn phong trần, được trui rèn trong khói lửa chiến tranh với một quá khứ tình ái đầy giông bão, một kiến thức phong phú, và một trái tim sôi nổi. Một mẫu người lý tưởng cho những tâm hồn lãng mạn. Không phải là hắn hoàn toàn bịa đặt ra mẫu người này. Hắn chỉ hoặc là không nói hết, hoặc là thêm thắt chỗ này một chút, bớt đi chỗ kia một chút về hắn mà thôi. Một thứ "memoirs" cường điệu. Và vô hại, hắn đã từng nghĩ như vậy. Nhưng nàng thì đủ thông minh để dựng nên một hình ảnh bằng khối dữ kiện do hắn cung cấp và thừa mơ mộng để tin vào sự hiện hữu của hình ảnh đô Lẽ ra hắn phải hiểu điều đó từ lâu. Lẽ ra hắn không nên có mặt trên chiếc máy bay mỏng mảnh trong cơn giông bão ngày hôm đó.
Hai người chia tay ở trước quán Bắc Hương. Lòng hắn xót xa khi nhìn thấy nét cười gượng gạo trên khuôn mặt thanh tú của nàng. Và cặp mắt rưng rưng. Và nụ hôn mềm ướt trên gò má hắn với lời vĩnh biệt nhẹ như hơi thở. Adieu! Tại sao lại phải nói lời từ tạ bằng tiếng Pháp nhỉ? Có phải như vậy thì sẽ quên nhau nhanh hơn không?
Có tiếng chân người bước vào quán. Gã đàn ông ngẩng lên nhìn người thực khách muộn màng một cách lơ đãng rồi lại quay đầu nhìn ra phía cửa sổ. Có tiếng người khách vọng lên từ phía quầy thu tiền:
"Em!"
Rồi tiếng chị chủ quán bật lên, thảng thốt:
"Anh... ông còn về đây làm gì. Sao không ở lại bển ăn Tết với nỏ"
Gã đàn ông tò mò quay lại. Hắn chưa bao giờ được nghe những lời đối thoại kiểu này giữa chủ quán và thực khách. Người khách, vai mang chiếc túi xách nhỏ, quay lưng lại phía hắn, đầu hơi cúi xuống, trả lời chị chủ quán với giọng nhỏ nhẹ:
"Anh về đến nhà hồi chập tối, bấm chuông hoài không thấy ai. Gọi diện thoại bên nhà má thì má cho hay thằng Bổn đang ở bên đó còn em thì ở ngoài tiệm."
Ðây nhất định phải là "thằng chả" rồi, gã đàn ông nghĩ thầm.
"Thằng chả" lắp bắp nói tiếp:
"Mấy hôm nay anh nhớ em và thằng Bổn quá, chịu không nổi. Anh biết mình có lỗi..."
Giọng chị chủ quán cất lên, ướt sũng nước mắt:
"Vậy chớ cái hồi anh bỏ mẹ con tui đi theo con đĩ ngựa đó..."
Gã đàn ông móc túi lấy mấy tờ giấy bạc đặt trên bàn. Ðã đến lúc phải đi thôi. Hắn rón rén đứng dậy, khẽ khàng bước ra cửa. Có tiếng dép lẹp kẹp rồi tiếng chị chủ quán đuổi theo sau lưng:
"Anh ơi!"
Hắn quay lại, chỉ tay lên chiếc bàn ở gần cửa sổ, nói nhanh:
"Tôi gởi tiền ăn ở đàng kia. Tôi không muốn làm phiền hai người..."
Chị chủ quán đưa tay dụi cặp mắt nhòe nhoẹt nước mắt, cắt lời:
"Hỏng phải đâu anh ơi. Tui hỏng muốn lấy tiền của anh đâu. Tui đãi anh bửa nay đó. Anh lấy tiền lại đi."
"Cám ơn chị. Thôi để lì xì cho cháu nhỏ vậy."
Hắn đổi giọng vui vẻ, nói tiếp:
"Cho tui chúc chị năm mới gia đình đoàn tụ, hỏng còn cô đơn... giống như tui nữa nghe!"
Chị chủ quán cười thẹn thùng, trả lời:
"Cái anh này! Mà anh có làm ăn gì không vậy? Tui có cô bạn hiền lắm, bữa nào anh ghé đây tui giới thiệu cho. Mà nhớ đừng làm bể đồ của người ta nữa nghe!"
"Tôi hả? Tôi làm nghề cắt cỏ. Liệu cô bạn của chị có thích nghề cắt cỏ hay không?"
Chị chủ quán có vẻ lựng khựng rồi phát biểu, vẻ sành sõi:
"Nghề đó có tiền lắm đó nghe. Ông Hoành kế tui cũng làm nghề cắt cỏ mà mua được căn nhà bảnh lắm đó!"
Gã đàn ông chào chị chủ quán và "thằng chả" rồi bước ra khỏi quán. Ðêm trừ tịch ở thành phố lạ lạnh và ướt. Hắn bước đến chỗ đậu xe, lúi húi mở cửa. Hắn chợt mỉm cười nghĩ đến giọng điệu sành sõi của chị chủ quán về nghề "cắt cỏ". Trong cái tranh tối tranh sáng của bãi đậu xe, nụ cười của hắn trông thực ảm đạm. Chị chủ quán làm sao hiểu được chuyện "cắt cỏ" của hắn. Chẳng có ai hiểu được, ngoài nàng. Nàng đã nhiều lần trêu chọc hắn về cái nghề bịa đặt này. "Em ghét hết những người cắt cỏ. Em sẽ để cỏ nhà em mọc ngập lối, cao đến vai người, cho mấy người cắt cỏ... thất nghiệp luôn, phải bỏ nghề mà đi... làm thơ hết trơn!" Bây giờ thì chắc nàng còn nhớ những điều nàng đã viết cho hắn. Nhưng rồi nàng cũng sẽ quên đi. Mà hắn cũng thực lòng muốn nàng quên đi, cho dù điều này có làm hắn đau lòng. Rất đau lòng...
Phùng Nguyễn
01.28.96