vhnt, số 203
5 July 1996
Trong số này:
thư vhnt.................................................................PCL
T h ơ :
1 - Thơ trẻ SàiGòn ....................................Nguyen T. Dung p/t
- Ngày mai ...........................................Phạm Thanh Chương
- Sông Hàn .......................................Nguyễn Lương Hiệu
- Khoảng lặng ......................................Nguyễn Liên Châu
2 - Cybernext...............................................Trần Thái Vân
3 - Ðoản khúc 3 .....................................................Chinh
4 - Bé Cỏ May ....................................................Cỏ Nhớ
5 - Mùa gặt ...................................................Ðức Lưu
6 - Cành hoa lan ...........................................Trường Ðông
D i ễ n Ð à n V ă n H ọ c :
7 - P /RFI
T r u y ện N g ắn / S án g T ác :
8 - Ðất khách ..........................................Trần Hoài Thư
Bức thư vhnt này được viết ra khi những ngọn pháo bông mừng lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ trên nền trời mùa hạ nơi tôi. Những ngọn pháo bông thừa mứa ở Hoa Kỳ và những ngọn pháo bông hiếm hoi nơi quê hương xa mù! Trong bao nhiêu năm sống tại quê nhà, tôi không nhớ mình đã có bao nhiêu cơ hội được chứng kiến những cuộc đốt pháo bông, nhưng chắc chắn không nhiều hơn những ngón tay của mình. Một loại pháo bông khác, hỏa châu, thì tôi đã thấy rất nhiều, đã mong đợi rất nhiều - dưới giao thông hào, phía sau hàng rào phòng thủ, hay giữa rừng núi mịt mùng. Những ngọn đèn trời vàng vọt, ảm đạm bùng lên, soi sáng trong khoảnh khắc vùng chiến địa tối tăm, đem lại một vài phút yên lòng tạm bợ, rồi vụt tắt đi, vệt khói trắng chìm dần trong đêm sâu như một lời xin lỗi âm thầm...
Pháo bông, hoả châu, và vhnt? Vâng, đó chính là sự liên tưởng. Những bài thơ, những đoạn văn trong số vhnt này, và những số đã qua và sắp tới mang đến chúng ta điều đó - sự liên tưởng. Chính liên tưởng đã mang tâm tư tác giả đến với chúng ta, và ở lại nơi đó!
Chúc các bạn một cuối tuần rực rỡ như những ngọn pháo bông.
thân ái,
Phùng Nguyễn
(thay PCL kỳ này)
Ngày Mai
Chiều nay
Khi cánh cổng khu vườn khép lại
Anh đứng lơ ngơ nhìn vào khoảng trời xanh
Trời thì mênh mông
Tâm hồn anh thì nhỏ hẹp
Anh thấy lãng đãng trên tóc em
Nỗi buồn anh đọng lại
Dù gió trùng khơi
Cũng không thổi giạt nỗi đau này
Niềm vui thì nhỏ nhoi
Nỗi buồn thì rộng lớn
Khi cánh cổng khu vườn khép lại
Anh đứng lơ ngơ nhìn vào khoảng trời xa
Rồi ngày mai
Mỗi một người một cuộc đời riêng
Một nỗi buồn riêng
Làm sao chia sớt được?
Cánh cửa khu vườn đã khép
Anh nghe lòng
Còn biết bao điều
Muốn nói cùng em...
Phạm Thanh Chương
Sông Hàn
Sông Hàn nước biếc trong xanh
Nửa xuôi ra biển, nửa quanh trong lòng
Ðò ngang chở nặng nhớ mong
Con sóng bồng bềnh vỗ thẳng vào tim
Mắt em sao nói lặng im
Tim anh rạo rực nổi chìm ước ao
Môi khô chén rượu hồng đào
Mà cơn say ngấm ngọt ngào từ lâu
Ta chưa kịp bước đến cầu
Lời yêu anh cởi xôn xao tâm tình
Yêu nhau là chuyện chúng mình
Về nhà mẹ hỏi lặng thinh mỉm cườị
Nguyễn Lương Hiệu
Khoảng Lặng
Bến dừng lắng đọng bóng thâu
Ðêm yên ắng... Ðêm thở sâu giấc nhoài
Ði qua cơm áo một ngày
Ngả lưng nằm xuống ngực đầy tiếng khuya
Nẻo trăng lên, cõi trăng về
An nhiên như thể chưa hề long đong
Ngửa lòng đón nhận sắc không
Hiểu ra cát bụi cũng mong yên bình
Soi đêm nhận diện ra mình
Gối đầu lên những chuyện tình lơ mơ
Sông sâu níu lấy bến bờ
Riêng đêm lẳng lặng lộng thơ phiêu bồng.
Nguyễn Liên Châu
CyberNext
Nếu em làm ni cô
Anh sẽ thành chú tiểu
Vẽ trong trời hư vô
Một trái tim meo méo
Nếu em làm dì phước
Anh sẽ làm thiện nhân
Ði rao ngoài cổng trước
Tiếng tình rộn trong tâm
Nếu em là kỷ nữ
Anh sẽ là khách sang
Dập dìu không lưỡng lự
Xuân tình say rộn ràng
Nếu em là ca nhân
Anh sẽ là nhạc sĩ
Ðệm đàn lòng bâng khuâng
Ðèn màu gợi tình ý
Nếu em, và nếu em
Làm gì anh làm nấy
Thì hạnh phúc êm đềm
Thì tình yêu thú đấy
Nhưng em, cyberqueen
Còn anh con người thật
Nên một mối duyên tình
Không thành, cyberlove?
Ô, không, làm sao được?
Yêu không gian lạ lùng!
Làm sao cyberkiss?
Có mà cũng như không!
Xin đừng nói với anh
Hẹn nhau cyberpark
Cùng nắm cyberhand
Men tình yêu không khác
Em đừng viết thơ dài
Bảo tình dâng con sóng
Trôi qua cybereyes
Ðêm nhớ anh trông ngóng
Ðừng cười anh chưa biết
Trong sự thật ly ty (*)
Còn có cybersex...
Ôi, cyber-lâm-ly
Ôi, cyber-lụy-bi
Ôi, cyber-thi-sĩ
Ôi, cyber thế kỹ....
trần thái vân
(*) virtual reality
Ðoản Khúc 3
(gửi QTr)
Khoảng xanh sau cửa sổ.
Mặt trời xa như chiếc đồng hồ.
Thời gian là ai?
Cỏ cây mùa xuân tóc em màu lá biếc.
Anh ngồi đây.
Như tĩnh vật.
Tĩnh vật im lìm sau cánh cửa đời.
Thời gian bay ngoài không gian cùng trăm nghìn nghĩ tưởng.
Những mặt đường im lời cảm thông.
Dòng sông dài cuốn hình hài em trôi vào chiêm bao vạn đại.
Ðể anh mãi không với tới.
Màu môi em.
Màu cánh sen.
Chinh
25 tháng 6/1996
Bé Cỏ May
(nhớ Trân)
Chiều dẫn em xuống phố
con lộ ở miền quê
hoa cau chừng mới nở
thơm con lộ ven đê.
Ven đê con lộ nhỏ
em than: đám cỏ may
rớt rơi đời trong gió
làm vướng cả chân tay!
Cười em như loài cỏ
vướng vào chị rất ngoan
hạnh phúc về đâu đó
chị chưa biết lo toan.
Thế rồi đời toan tính
chị khuất nẻo chân mây
nhớ em buồn ly xứ
đêm ôm mộng xa bay.
Bây giờ chị ra phố
bàng bạc bóng mây xưa
ngẩn ngơ hồn tìm trọ
lòng quê người bơ vơ.
Vướng vào tay hạt bụi
chừng bụi đỏ thời gian
tìm em lòng niên thiếu
hương cỏ nội hoa ngàn.
Cỏ Nhớ
Mùa Gặt
Quê hương tôi cứ mỗi mùa gặt tới,
Người gánh, kẻ gồng ơi ới gọi nhau
Gió nhẹ đưa hương lúa mới ngọt ngào
Thôn với xóm tưng bừng vào trẩy hội.
Quê hương tôi cứ mỗi mùa gặt tới
Ðồng lúa vàng, đồng lúa óng như tơ
Lũ trẻ con còn vương nét ngây thơ
Tay nhặt thóc, miệng vui cùng nắng mới.
Quê hương tôi cứ mỗi mùa gặt tới
Áo bà ba vui phơi phới khoe duyên
Miệng nhoẻn cười vành nón lá che nghiêng
Hồng đôi má, lúm đồng tiền cô gái
Quê hương tôi cứ mỗi mùa gặt tới
Trai thôn ngoài đi ghẹo gái làng trong
Nhịp hò khoan nghe thoang thoảng ven đồng
Hương lúa mới thêm nặng tình quê mới.
Quê hương tôi cứ mỗi mùa gặt tới,
Ðồng ngô vàng cha say dưới nắng hây
Bên bếp hồng mẹ thong thả luộc khoai
Ðêm lửa ấm bà nhai trầu kể chuyện
Quê tôi đó, ôi tình quê quyến luyến
Mùa gặt về nghe xao xuyến đất quê,
Giờ xa xôi, con nghe lắm ê chề
Con mong lắm, ngày về trên đất mẹ
Ðức Lưu
Cành Hoa Lan
Ðêm qua tôi đếm sao trời
Ước cùng trăng hẹn gặp người trong mơ
Bỗng đâu một phút tình cờ
Gió đưa nàng đến bất ngờ, rất xinh
Lả lơi tà áo tuyết trinh
Dung nhan sắc sảo nước thành cũng nghiêng
Mắt nàng lóng lánh sao đêm
Màu hoa phượng thắm môi mềm đắm say
Hương thơm ngào ngạt quanh đây
Say hương tôi bỗng ngất ngây trong lòng
Hỏi rằng nàng thực hay không?
Nàng cười duyên dáng, tôi lòng chơi vơi
Nhẹ nhàng nàng khẻ tim tôi
Giật mình tỉnh thức tiếc người trong... tranh
Nhìn quanh nào thấy mỹ nhân
Trong tim để lại một cành hoa Lan.
Trường Ðông
4/96
Phỏng Vấn Giáo sư Nguyễn Văn Trung và LỤC CHÂU HỌC
- Thụy Khuê / RFI -
Giáo Sư Nguyễn văn Trung, Tiến Sĩ Triết Học, cựu Khoa Trưởng Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 75 và là tác giả của nhiều sách biên khảo văn chương, triết học. Nhân dịp đến Pháp dự hội thảo đã dành cho RFI một buổi nói truyện về Lục Châu Học, một công trình biên khảo đồ sộ mang hai mục đích góp phần phục hồi một mảng văn học bị bỏ quên và tìm hiểu con người ở vùng đất mới.
Thụy Khuê (TK): Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho buổi nói chuyện hôm nay. Ðuợc biết trong nhiều năm nay anh đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu có tên là Lục Châu Học và xin anh vui lòng giải thích cho thính giả biết đại cương công trình nghiên cứu này. Thưa anh, trước hết Lục Châu Học là gì và tại sao lại có tên đó.
Nguyễn Văn Trung (NVT): Từ 10, 15 năm nay tôi đi vào công trình nghiên cứu này, tôi có đọc những sách báo miền Nam xuất bản cuối Thế Kỷ 19 nhất là lúc người Pháp mới sang cho đến đầu thế kỷ 20, thì tôi thấy trong sách báo đó người miền Nam, khi nói về cái đất của mình thì họ dùng danh từ Lục Tỉnh hay là Nam Kỳ, nhưng khi mà động viên nhau, kêu gọi nhau họ dùng Lục Châu: Lục Châu Quân Tử, Lục Châu Chư Vị, đại khái như thế. Tôi nghiên cứu về con người ở miền Nam vào thời kỳ đó nên tôi gọi công trình nghiên cứu của tôi là Lục Châu Học. Công trình này dựa trên những tài liệu mà tôi đã phát hiện trong những khuôn khổ về Sử, Văn, Tôn Giáo xuất bản hoặc bàn thảo trong những điều kiện này. Lối nhìn của tôi dựa vào những điều kiện điạ lý, chính trị để tìm hiểu những qui luật đã qui định lên một thái độ tâm tình, văn hóa của người miền Nam mà tôi gọi là ở vùng đất mới so sánh với miền Bắc mà tôi gọi là vùng đất cũ.
TK: Trong công trình này dường như anh có ý bác bỏ những thiên kiến về miền Nam từ trước đến giờ.
NVT: Nếu nói là bác bỏ thì bác bỏ ngay chính thiên kiến của tôi. Chị biết tôi nói giọng Bắc và sống ở miền Nam từ năm một chín năm nhăm đến bảy mươi nhăm, trong thời gian đó tôi làm văn hóa cũng như một số anh em ở miền Bắc vào, với cung cách của người miền Bắc; và đối với sinh hoạt văn hoá, văn học của miền Nam, tôi cũng coi thường hay là coi như không có. Thế thì dĩ nhiên sau bảy nhăm có một số nguyên nhân nó làm tôi khám phá ra cái sự khinh thường hay bỏ quên bỏ qua cái mảng văn hóa, văn học của miền Nam thời kỳ thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ thứ 20. Sự khám phá này đối với tôi là một sự kích thích ghê gớm, nhất là trong đời sống nghiên cứu của tôi, bởi vì nó bắt buộc tôi phải duyệt lại những thiên kiến không phải của tôi và của những người miền Bắc đối với mạng Văn HoáVăn Học miền Nam thời kỳ này.
TK: Thưa anh, trước khi đi sâu vào vấn đề xin anh cho biết các nguồn tư liệu của anh do đâu mà có.
NVT: Cái khó nhất là vấn đề tư liệu, khó có thể tìm thấy nói chung ở các Thư Viện công ở VN cũng như ở ngoại quốc. Sau này tôi có kiểm tra thư mục ở Pháp thì cũng không có các tài liệu này. Mà nếu có thì chỉ nằm trong các Thư Viện tư, mà phải có sự tin cậy sự quí mến mới có thể vào được. Một trong những người bước đầu cung cấp cho tôi tất cả những gì họ có là cụ Vương Hồng Sển và một số người khác. Chính những tài liệu đó đã bắt tôi cũng như những người khác phải thay đổi thái độ thôi. Bởi vì đây không phải lý luận, đây là tư liệu, nó đập vào mắt mình những cái mà mình nhìn thấy không phải là những gì mình suy nghĩ.
TK: Xin anh một vài thí dụ cụ thể
NVT: Ðại khái như thế này, những thiên kiến lớn như miền Nam không có văn hoá hoặc là văn hoá kém không thể so sánh với ngoài Bắc được. Hoặc là người miền Nam ảnh hưởng Nho Học rất it' hay là không đáng kể, bởi vì thực sự có mỗi ông Phan Thanh Giản là Tiến Sĩ thôi, so với miền Bắc thì sĩ phu Bắc Hà đầy rẫy. Hoặc là người miền Nam chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp thì bị mất gốc, nhất là nhũng bài ký của Phạm Quỳnh lúc đó đã phàn nàn về cái mất gốc của của người miền Nam bởi vì chỉ thích nói tiếng Tây hoặc là viết văn một cách thô sơ, quê mùa không có mạch lạc; viết lung tung như là cụ Vương Hồng Sển, Sơn Nam hay Bẩy Chấn, người Bắc thấy cái đó không vào logic của mình. Những thiên kiến đó tôi nghĩ tôi có thể duyệt lại hết; tôi tìm được những ý nghĩa của nó, giá trị của nó mà không phải vấn đề so sánh cái này hơn cái kia mà là sự khác nhau, sự khác biệt có nguyên nhân của nó, nguyên nhân đi sâu vào cái điều kiện chính trị nó qui định sự khác biệt đó không phải là chỉ cho người miền Nam từ miền Bắc đã vào định cư ở đồng bằng sông Cửu Long này mà kể cả người Pháp ở lâu ỏ miền Bắc, ở lâu ở miền Nam đều có một thái độ như vậy. Ðiều đó chứng tỏ có những qui luật về địa lý chính trị có quyết định thái độ văn hóa và bất cứ người nào sống lâu ở vùng nào thì sẽ có chịu ảnh hưởng và có một thái độ như thế.
TK: Ði vào thực tế văn học, trong địa hạt văn học những thiên kiến ấy xuất hiện với hình thức như thế nào?
NVT: Ngay bản thân tôi đã từng giảng dạy văn học từ năm 55 đến 75 và những người viết, dạy về văn học, sử như Thanh Lãng, Phạm thế Ngữ, ngược lên một chút những người miền Bắc như Vũ ngọc Phan, Dương Quảng Hàm, Hoài Chân tất cả những tác phẩm đều không nói gì đến miền Nam cả, coi như là một lỗ trống để đó, mà không ai thấy thắc mắc cả, người ta cho rằng không đáng nói. Nói cho rõ thì cũng nói đến tác giả miền Nam là Trương vĩnh Ký, Hồ biểu Chánh. Ngay như Hồ biểu Chánh họ cũng không nói được những quan điểm đặc biệt của các tác phẩm, chỉ nói là bình dân thôi. Mà cái trầm trọng hơn nữa là hai nhân vật miền Nam được miền Bắc nói nhiều nhất, những người đó đã phủ nhận văn học miền Nam; những người ông Vương Hồng Sển coi là mất gốc: đó là thi sĩ Ðông Hồ và Nguyễn Thiết. Hai người đó được nói ở miền Bắc bởi vì họ đã phủ nhận Văn Học miền Nam, bởi vì họ cho rằng nó không có gì văn vẻ cả, nhưng về sau Ðông Hồ đã hối hận về cái truyện đó nhưng với miền Nam thì coi như phản bội mất gốc. Chính vì thế tôi nghĩ có sự bỏ quên một điều rất đáng tiếc mà bây giờ phaỉ phục hồi lại. Những điều tôi thấy rất là sai lầm, ví dụ bây giờ không thể nói Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết theo Tây Phương được hay là Phạm duy Tốn viết chuyện ngắn đầu tiên được.
TK: Thưa anh, vậy chương trình quốc ngữ xuất hiện ở miền Nam bao lâu trước miền Bắc?
NVT: Miền Nam có cái đó từ 50 năm trước và cái nền văn học miền Nam lúc đó đi sớm hơn và còn phong phú, đa dạng hơn miền Bắc phải đợi 50 năm mới có. Dĩ nhiên đến 1940 tình hình có khác đi một chút, và sau này năm 55 bị chèn lấn đi và nền văn học miền Nam càng ngày càng bị lu mờ đi, quên hẳn đi sau khi có đợt người miền Bắc vào say năm 1955. Cho nên khi tôi tranh luận với anh em ở Mỹ về nền văn học hải ngoại, các anh có nêu lên vấn đề văn học hải ngoại tiếp nối nền văn học miền Nam. Tôi không đồng ý; đó là tiếp nối Văn học miền Bắc, ở bên Bắc Mỹ chứ không phải ở văn học miền Nam, bởi vì truyền thống văn học miền Nam đã bị lu mờ, cắt đứt, bị người Bắc bỏ quên đi.
TK: Trở về những điều anh khám phá ra những gì anh có thể công bố ngay được?
NVT: Có một số tài liệu hiện giờ tôi đang có trong tay 50 số đầu tiên Lục Tỉnh Tân Văn năm 1908, 1909 trong vòng một năm trời thời kỳ ông Trần chính Chiếu (?) đã làm phong trào Duy Tân ở miền Nam chống Pháp thời đó. Ở miền Bắc phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục cũng có nói tới đó nhưng có rất ít tài liệu để nói tới truyện này. Trong khi miền Nam nội dung 52 số này... thì ngoài những thông tin sinh hoạt của nhóm Duy Tân miền Nam về khách sạn, buôn bán thì có cuộc tranh luận nhóm này đề ra có tính cách ý thức hệ dựa trên những khẩu hiệu là "Chống Chệt, chống Chà (Chà Và), trả Quan Công về Tầu, trả Thích Ca về Thiên Trúc và sau đócó một số người đề nghị trả Thiên Chúa về La Mẩ Cuộc tranh luận này rất sôi nổi để chứng tỏ nhóm Duy Tân miền Nam muốn tìm một nền tảng ý thức hệ cho nhóm của mình dựa trên Nho học.
TK: Chúng ta có thể hiểu như thế nào về cái sự chống đối người ngoại quốc ấy?
NVT: Nó cho thấy tâm tính của người Việt Nam nói chung trên bình diện chính trị chống người ngoại quốc thì dễ đồng tình với nhau lắm, nhưng về văn hóa và kinh tế thì không phải như thế. Tức là sau khi tẩy chay phê phán người Tàu, Ấn Ðộ nhưng khi mua bán thì lại mua của những người đó, chứ không vào tiệm VN và còn phá những người VN cố gắng làm được những truyện đó. Ðây là một tài liệu chứng tỏ đặc điểm của người miền Nam. Người ta có thể ngồi lại với nhau, thống nhất với nhau để chống ngoại bang về phương diện chính trị nhưng về phương diện văn hoá, kinh tế thì có sự cảm phục ngoại quốc, chỉ tin người ngoại quốc chứ không tin người miền Nam và người miền Nam thì không những không ủng hộ mà lại phá. Nhưng mà cái tài liệu ở đây không phải là tài liệu về chữ viết mà tôi chú ý đến mà tôi chú ý đến cái tài liệu có tính cách như ký hiệu. Thí dụ như quảng cáo, rao vặt, cáo phó. Ðó là một tài liệu rất sống thực và giúp cho chúng ta tìm hiểu sự phát triển kinh tế của miền Nam. Qua những quảng cáo đó chỉ thấy những hãng buôn của người Pháp thôi, đến một thời kỳ nào có những xuất hiện những hàng buôn, xuất bản của người VN và dần dần chúng ta có một sự hiểu biết về diễn tiến phát triển của kinh tế miền Nam.
TK: Xin anh nói về ảnh hưởng Nho học ở miền Nam.
NVT: Dĩ nhiên nói đến Nho học ở đây không thể hiểu như Tống Nho hay nền Nho học chính thống ở miền Bắc. Và sau này đến thời Nguyễn Văn Vĩnh đã chống lại Nho học đó, gạt cả ra ngoài để mà tiếp thu cái văn hóa Tây Phương. Ðiều đó trong Nam không có bởi vìNho học miền Nam không phải là Nho học chính thống mà là Nho học của truyện Tàu, của người di dân lưu vong Tàu mang sang. Từ người Minh Hương mang sang đã hoà đống ảnh hưởng rất lớn qua truyện Tàu nơi quần chúng. Tôi đã sưu tầm được hai tài liệu một của Trương Vĩnh Ký, một của Ðặng Ðức Tuấn đăng ở báo của Trương Vĩnh Ký nói về câu chữ Nho thường dùng trong đời sống hàng ngày gần 250 câu. Những câu chữ Nho ở trong Tam Quốc Chí bởi vì Tam Quốc Chí là một tác phẩm đầu tiên được dịch từ chữ Nho năm 1920 ở trong Nông Cổ Mín Ðàm. Tôi là người biết chữ Nho nhưng đọc các danh sách đó tôi chỉ hiểu độ hai ba chục câu thôi; hai ba trăm câu kinh điển đã phổ biến thì chứng tỏ cái ảnh hưởng Nho học ở miền Nam như thế nào.
TK: Tại sao trí thức miền Nam phần lớn là những người Tây học lại dùng Nho học làm nền tảng để Duy Tân đất nước?
NVT: Trí thức miền Nam là những người có Tây học ít nhất phải có bằng Diplome (bằng Thành Chung) hay Certifica d'Etude và cũng có thể làm thơ được rồi, tại sao những người đó trong khi làm Duy Tân hay làm phong trào văn hóa thì lại không nói đến văn hóa Pháp? Tôi có làm thống kê cả trăm số báo Nông Cổ Mín Ðàm hay Lục Tỉnh Tân Văn, hay toàn bộ số sách của Trương Vĩnh Ký thì cái điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là tôi thấy Trương Vĩnh Kýlà người được Pháp công nhận là rất hiểu vềvăn hóa Pháp, về Ki Tô giáo mà trong những số báo từ ông không hề đề cập đến văn hóa Tây Phương hay Ki Tô giáo, mà ngay cả những thông tin về Tây Phương cũng không nói. Cái đó làm tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao như thế? Theo tôi những người chủ trương ở miền Nam lúc đó là người có Tây học, họ cũng đọc thẳng từ tiếng Pháp như Mạnh Ðức Tư Kiu (Montesquieux), Voltaire chứ không phải đọc Tâm Thư như người Bắc. Tại sao họ không sử dụng văn hóa Pháp vốn rất cao và lý tưởng? Nhưng mà nếu phổ biến văn hóa Pháp thì sẽ rơi vào đường lối đồng hóa của Pháp. Miền Nam là miền rất ít di tích lịch sử, người dân dễ quên cái gốc của mình lắm cho nên phổ biến văn hoá Pháp thì thực hiện chủ trương của Pháp biến miền Nam thành một departement của họ ( Pháp rất dễ dãi cho cái truyện vào quốc tịch). Vì thế trí thức miền Nam chủ trương dùng Nho học để làm nền tảng ý thức hệ của mình mà không nói tới chứ không phải phê bình hay giới thiệu văn hóa Pháp. Khuynh hướng đó kéo dài suốt từ thời Trương Vĩnh Ký cho tới những năm 1930.
TK: Còn vềphương diện văn học thì thế nào thưa anh?
NVT: Về phương diện văn học cũng vậy, tôi có nói tác phẩm đầu tiên viết theo lối văn Tây Phương xuất bản năm 1887, thì đó là truyện ngắn viết hoàn toàn theo kỹ thuật Tây Phương và viết rất đạt chứ không phải như Tố Tâm. Nhưng xu hướng đó không phát triển được. Xu hướng lớn của văn học miền Nam qua tiểu thuyết thì vẫn làxu hướng dựa vào kỹ thuật Tây Phương nhưng nền tảng ý thức hệ vẫn là Nho học và cái đó chiếm số lượng lớn nhất trong nền văn học miền Nam.
TK: Còn trường hợp Hồ Biểu Chánh anh nghĩ sao?
NVT: Tôi có làm nghiên cứu riêng những tác phẩm tôi gọi là cảm hứng của Hồ Biểu Chánh, chính ông nói rõ chịu ảnh hưởng của Les Miserables của Victor Hugo và Sans Famille của Hector Malot. Khi đọc Hồ Biểu Chánh người nào không biết thì không hiểu được ông chịu ảnh hưởng về kỹ thuật và cốt truyện thôi, còn toàn bộ nhân vật, và cả tư tưởng thì không chịu ảnh hưởng gì cầ Ví dụ ảnh hưởng cách mạng Pháp thì không có mà lại ảnh hưởng truyền thống trung quân của Nho học. Người miền Nam lúc đó có một tiếp thu văn hóa Pháp nhưng chỉ là kỹ thuật mà thôi, không bị ảnh hưởng về ý thức hệ, không có giới thiệu văn hoá Pháp.
TK: So sánh với miền Bắc thì sao, thưa anh?
NVT: Miền Bắc khi ảnh hưởng Nho học đã lùi rồi thì miền Bắc lại ôm hết văn hóa Pháp vào và ta thấy qua các sinh hoạt văn hóa Bắc, bên Tây Phương có cái gì thì miền Bắc có hết: phong trào tả chân, tả thực, lãng mạn, tượng trưng. Trong khi đó ở miền Nam chúng ta không thấy có những điều đó. Lý do ở miền Nam là miền đất mới, ngay từ sau khi phong trào Duy Tân thất bại về kinh tế thì các nhà trí thức miền Nam chuyển sang tranh đấu về Văn hóa và năm 1910 thành lập một tủ sách gọi là Chứng Thư Viện (?) viết về sử, về văn rất sớm, cho nên lịch sử tiểu thuyết đã bắt đầu từ miền Nam năm 1910. Những sách này không những giới thiệu những tác giả có công với nhà Nguyễn xây dựng miền Nam mà còn kể các tác giả, các vua xa xưa ở miền Bắc như Lý thái Tổ, Lê thái Tổ v.v... để người miền Nam khỏi quên nguồn gốc của mình, không phải chỉ là từ đời Nguyễn của mình mà còn từ miền Bắc mà họ nói rất rõ chuyện đó. Thế nên tiểu thuyết lịch sử có rất sớm, rất phong phú, như có một kế hoạch chia nhau để mà viết. Gần như là hầu hết những nhân vật, nhà vua hay là những người có ý nghĩa trong lịch sử đều nói đến hết và khi nói đến thì có qui định, lý luận và chỉ được phép hư cấu câu chuyện liên quan đến đời sống tình cảm nhưng các chi tiết về lic.h sử phải tôn trọng mà cái đó nó thành qui luật các ông đó đều giữ cả, trong những lời nói đầu cuả những cuốn sử viết trong thời đó.
TK: Tóm lại vai trò trí thức miền Nam khác với trí thức miền Bắc như thế nào?
NVT: Hai cái khác nhau ở miền Bắc là đất Bảo Hộ nên người Pháp tôn trọng phong trào của miền Bắc như phong trào canh tân cuả Phan chu Trinh; Nguyễn Văn Vĩnh thì đi vào đòi hỏi phải canh tân áp dụng dân chủ Tây Phương. Trong khi ở miền Nam thì ngược lại, họ dù là Tây học còn có ý thức thấy là ngoài ý thức Ðộc Lập còn có một cái quan trọng hơn là tính dân tộc. Khi đấu tranh về văn học phải làm sao cho người miền Nam còn có ý thức về dân tộc vì không có tính dân tộc thì không nói đến độc lập được nữạ Ở miền Nam chỉ có hai ngày lễ lớn lại là hai ngày của Pháp như lễ -Dộc lập (14-7) ngoài ra không có gì cả, không có chùa chiền gì cả. Miền Bắc thì chẳng cần nói lịch sử thanh niên cũng không thể quên được vì đi đâu cũng thấy chùa chiền, di tích lịch sử đầy cả ra. Do đó ý thức miền Nam có nhiệm vụ là duy trì ý thức dân tộc quan trọng hơn ý thức độc lập vì nếu còn dân tộc thì có thể tranh đấu độc lập được. Vì thế cái trào lưu viết Sử ở miền Nam nó đi sớm và rất là phong phú. Trước khi miền Bắc miền Trung rơi vào tay Pháp thì trong Saigon có toà lãnh sự của triều đình Huế và người miền Nam nếu có tranh tụng, xin phong thần thì họ đến các toà lãnh sự đó chứ không đi đến người Pháp. Ông Trương Vĩnh Ký có làm một tuyên ngôn chính trị khi ông viết trong cours d'histoire của ông là chúng tôi ở miền Nam mặc dù chúng tôi là sujets francais nhưng chúng tôi vẫn thuộc về người Việt Nam thống nhất mà chúng tôi cảm thấy không bao giờ ai có thể lấy mấy được. Ðiều đó ông nói hết sức cảm động, ông chê trách tại sao triều đình nhà Nguyễn lại để mất miền Nam, miền Bắc. Ông nói rất xúc động vì ông nói mình viết Sử bị mất cái sự thanh bình xin độc giả hiểu cho là rất xúc động. Ðiều này chứng tỏ người miền Nam họ gắn bó với đất nước như thế nào.
TK: Ðến đây câu chuyện đã khá dài trước khi từ giã xin hỏi anh một câu hỏi chót: Dưới mạng văn học mà anh muốn phục hồi dường như còn ẩn dấu những cái khác mà anh còn muốn phục hồi ?
NVT: Mảng văn học mà tôi muốn phục hồi tôi thấy là cái mảng trống trong Văn học sử hay lịch sử thời kỳ đô Và sau 75 tôi còn thấy rõ hơn nữa. Ðiều đó dễ hiểu thôi, diễn tiến về văn hóa càng ngày càng trở nên sâu sắc, tế nhị tinh vi. Càng sâu sắc tinh vi thì càng dễ mất sự chân chất, sống thực của con người đi. Thí dụ văn học miền Bắc nó đi đến cái chỗ tôi nói là câu nói nào cũng là câu văn. Câu nói hàng ngày của người ta cũng nói theo lối văn chương. Ngay cả người nhà quê đứng lên cám ơn cũng dùng câu văn thì tôi thấy rất là giả tạo. Trong khi người miền Nam thì người ta trở về cái chân thực, người ta nói những ngôn ngữ của người ta mà chính ông Trương Vĩnh Ký đã khai mào ra cái đó. Ông hết sức tránh dùng chữ Hán Việt, không có nói là nhà xuất bản mà in ở nhà hàng này nhà hàng kia. Cái đó nó tạo nên một xu hướng mà rất nhiều người đệ tử của ông đã viết như thế. Cái đó không phải ông không biết dùng chữ Hán Việt, nhưng ông muốn tìm từ ngữ Việt Nam rất it' chịu tính Hán Việt, đi tìm tính Việt Nam trong từ ngữ. Dần dần nhu cầu nó đòi hỏi thì vẫn phải thêm những chữ Hán Việt Pháp Anh. Và có một sự mới xảy ra đánh dấu một bước ngoặc trong văn học là sự di dân lần thứ ba, không phải trong khuôn khổ nước Việt Nam nữa mà là ở nước ngoài, ở Bắc Mỹ. Bắc Mỹ cũng là vùng đất mới. Và nếu người Việt ở vùng Bắc Mỹ giữ được bản sắc dân tộc mình, giữ được, phát triển được nền văn hóa Việt Nam thì tiếng Việt sẽ đi vào nguồn cảm hứng trở về những cái tinh túy VN nó sẽ trở nên cái gì đó mà bây giờ chúng ta chưa nói được nhưng mà đó sẽ là tương lai Văn Hoá Việt Nam.
TK: Xin cảm ơn giáo sư NVT.
Ðất Khách
Mùa Giáng Sinh đầu tiên đã đến với Ðịnh nơi đất khách. Có một chút gì thê thiết dấy lên từ phía trời xa. Ở đó, có con đường xưa, có phố cũ, có buổi tối đèn hoa và máng cỏ. Có một chút gì khiến chàng phải chạnh lòng, khi dứng bên khung cửa sổ, nhìn những trận bông tuyết đang tiếp tục rơi xuống dập dìu. Màu trắng xóa phủ ngập đường, mái ngói, hàng cây. Màu trắng xóa từ một mùa Ðông trở về đúng hẹn trên một đất nước chưa hề biết gì về chiến tranh. Và chàng vẫn đứng yên. Ðứng yên như thế, trong bóng tối của căn phòng trọ nghèo nàn, để nhận ra cõi lòng mình thấm thêm những giòng nước mắt.
Ðã hai ngày, phòng có hơi sưởi. Hàn thử biểu đã xuống khũng khiếp. Dễ chừng 15 độ F, có nghĩa là ở độ âm C. Có nghĩa là nước đông lại. Hơi thở cũng đông lại. Nước miếng, nước bọt, cũng phải đông lại. Chàng đã phải mở lò gaz, vòi nước nóng, để nước ngập cả bồn tắm, để may ra hơi nóng có thể làm bớt đi cái giá rét kinh hồn từ ngoài trời xâm nhập vào trong phòng. Vợ chàng vừa từ bệnh viện trở về hôm qua, và vì không có xe, nên chàng phải dìu vợ trên con đường ngập tuyết giữa đêm khuya. Bây giờ nàng đang trùm trong tấm chăn dày cộm. Còn chàng thì bất lực để nhìn từng trận bông tuyết mỗi lúc một ồ ạt tấn công xuống đường. Những cụm tuyết như những bông trắng xóa, xiên xiên theo gió, hất lên cao, rồi chụp xuống đất. Bây giờ chàng mới thấm thía thế nào là cơn mơ và thực tế. Ngày xưa, hồi còn ở quê nhà, chàng đã nhìn qua phim ảnh để tưởng tượng đến vẽ đẹp của những vùng tuyết trắng, với mái nhà thờ, với những ánh đèn ấm cúng từ trong nhà, với những em bé ném những quả banh tuyết, hay những người quay quần trước lò sưởi, bên cây giáng sinh óng ánh giây kim tuyến, trong khi ngoài cửa sổ là những trận bông tuyết trắng mượt in đậm... Bây giờ, chàng mới hiểu thế nào là thực tế.. Lò sưởi, cây thông, banh tuyết... Thành phố vô tâm. Mà chàng thì bất lực. Chàng phải làm gì? Ừ, mày phải làm gì, hở thằng đàn ông, chủ gia đình? Hôm nay là ngày chủ nhật. Ngày mai tên chủ nhà mới đến văn phòng địa ốc của hắn, và ngày mai mọi sự sẽ được dàn xếp... Ðến lúc này chàng mới thấm thía thế nào là một người không đất nước, không ngôn ngữ, mất chữ nghĩa... Chàng lọng ngọng. Chàng quá khổ tâm. Và cuối cùng, chàng liều lỉnh quay số 911. Chàng nghe giọng nói ở đầu dây, nhưng chàng không thể hiểu. Và chàng cũng không thể biết nói với họ làm sao nữa. Cuối cùng, chàng bỏ máy, đứng thật yên... yên và tủi thân, yên và đau khổ. Tuyết vẫn ào ạt rơi. Dưới ánh đèn đường, màu tuyết càng trắng hơn, thi nhau xiên xiên in bên khung kính. Thỉnh thoảng vài chiếc xe lướt qua, đèn pha càng chọc thũng cả một vùng trời tuyết trắng, như trong ấy triệu triệu sinh vật li ti quay cuồng...
Phải. Yên như người thua cuộc và tủi như người không có quê hương. Bóng chàng in đậm trên vách tường. Gió hú nghe lọt vào phòng. Lạnh đến tê điếng khiến chàng muốn chạy, nhảy. Ừ, chàng nhớ ra rồi. Ngày xưa, chàng đã từng học những bài học về mưu sinh thoát hiểm. Ðừng nương cậy bất cứ ai. Nhưng hãy nương cậy vào sức lực của mình. Trong những đêm ngày lặn lội trong mật khu, dưới bóng mát rờn rợn của những rừng cây cổ thụ, cùng với con suối hiểm độc mà sau khi vượt qua, người lính phải run lên cầm cập vì vi trùng sốt rét, hay những ngày trong vòng tù tội của các trại tập trung, lúc mà đói khát, bệnh hoạn hành hạ cực độ, cái ý thức sinh tồn đã vùng dậy mãnh liệt hơn bao giờ. Và hôm nay cũng vậy. Không thể đứng yên mà chịu trận. Phải chiến đấu. Chàng xuống cầu thang, lao mình ra giữa đêm tuyết bão. Tuyết đánh mạnh vào mặt mày, cắt rát. Chàng đi tìm những cây cũi khô, những thùng ván tạp bõ không. Sau đó, chàng mang về căn lầu thuê, và chụm cũi, đốt. Vợ con chàng tung mền. Thằng nhỏ ngồi bên cạnh bố, tiếp tục bỏ những khúc cũi hay miếng ván vào bếp. Lửa kêu vui, lách tách, và khói bốc mù mịt. Bóng ba người in trên vách, chập chờn vì ngọn lữa, khi nhỏ, khi lớn... Phải chiến đấu. Chàng nói với mình, dỗ dành với mình, trong cái bất hạnh của một người không đất nước quê hương. Chiến đấu bởi vì chàng đã từng là một người lính. Hôm qua, người lính ấy cầm súng, hôm nay, người lính ấy cầm viết. Có nghĩa là phải học, phải đến trường, phải chứng tỏ cùng người bản xứ này, người lính thất trận này, vẫn tiếp tục chiến đấu. Bởi vậy, chàng đã đến trường, khi tuổi đã vào bốn mươi. Ồ bốn mươi. Chiếc cầu thang tối om, và vĩa hè dơ bẫn, rác rến, những bờ vách chất chồng lớp sơn vẽ bậy, những chuyến trolley thỉnh thoảng chạy qua, tiếng rít két két của bánh sắt trên đường rầy, cùng những tia lữa xẹt như pháo bông trên không từ hai hàng dây diện trời. Làm sao mà thoát thân đây. Hả? Thôi em, thôi con, ráng lên, anh đi học, ba đi học, rồi có ngày tươi đẹp hơn. Phải không hở em, hở con? Ráng lên, chàng tự bảo mình khi theo xe bus đến ngôi trường cộng đồng để ghi danh. Ngờ nghệch như một cậu học trò bé nhỏ. Làm gì để chiều nay trở lại cái khu lò gan để khỏi phải nhìn thằng con trở về từ một ngôi trường trong khu tội ác. Làm gì để chiều nay khỏi ôm tim ôm ngực khi bước lên khỏi cưả hầm metro. Học. Cặp mắt khinh bỉ của tên quản giáo. Ðĩ điếm. Bọn đĩ điếm. Những lời miệt thị rập khuôn dành cho những kẻ sa cơ. Ðưọc tao sẽ học cho mày coi. Dù đêm nay tao kiệt sức. Dù đêm nay tao phải chui vào cầu tiêu phụ nữ để nhặt lượm những băng vệ sinh. Cái ám khí kia đâu bằng cái nhục nhã của người mất đất nước, mất chữ nghĩa, ngôn ngHọc. Chữ nào cũng học. Nghĩa nào cũng học. Học trong xe điện ngầm, hay khi cầm cây chổi quét bụi cao ốc, hay xếp từng chồng báo cao quá đầu. Vừa học vừa tra tự điển. Vừa tra tự điển vừa học. Ðêm vợ con ngủ yên trong phòng, chỉ còn một mình chàng cùng ngọn đèn leo lét cùng đám chuột tung hoành như vào một chỗ không người.
Từ buổi đầu tiên với a,b,c bây giờ chàng có thể ngồi vững tin trong phòng lớp giữa những người sinh viên bản xứ. Nhưng có ai có thể hiểu được bề sâu thẩm của một người đàn ông trung niên? Như những lần chàng gọi điện thoại về thăm chừng thằng con bảy tuổi của chàng nhưng không ai trả lời, để ngồi trong lớp mà chàng phải cuống cuồng lo lắng, tim phải đập thình thịch. Như lần vợ chàng gọi điện thoại vào trường cho biết bọn khốn nạn say mèm đang đập cữa... Trời ơi, học, học để làm gì? Chiến đấu để làm gì? Nhiều lúc chàng muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, vợ chàng luôn luôn ở bên cạnh trong những lúc chồng yếu mềm, khuyến khích và an ủi chàng. "Phải học, để con nó hãnh diện..." Vâng, vợ yêu dấu của anh, anh nghe lời em, một tay anh cầm chổi, một tay anh cầm sách, anh nghe lời em đây... Năm thứ hai, chàng phải chạm trán một mặt trận khác nữa. Khi chàng lấy môn English 102 mà giáo sư nguyên là một lãnh tụ phong trào phản chiến Mỹ. Ông mang cặp kính tròn vo kiểu Beatles, mang cả sợi dây chuyền có vòng bạc tượng trưng biểu tượng phản chiến lũng lẵng trước ngực. Ông luôn luôn kể lại phong trào chống chiến tranh trong những năm 60, với khói cay, dùi cui của cảnh sát, với những người sinh viên đổ máu trên sân trường. Ông tự hào về lần xuống đường tại thủ đô để thách đố Tổng thống Nixon. Ông chửi rủa hàng ngũ chàng. Ông kết tội một đất nước đã mang đến gánh nặng cho dân tộc Mỹ, cả cái mà ông gọi là Vietnam syndrome. Ðịnh đã nghe, bừng bừng với cơn giận dữ. Có lần Ðịnh xuống văn phòng để xin một mẫu drop. Nhưng có một động lực nào đó bắt chàng phải đứng yên trước người thư ký già. Lời réo gọi vô hình như dục dã: "Tại sao lại chịu thua? Hãy tham dự, hãy chiến đấu, hãy cho ông ta biết..." Và chàng tiếp tục ngồi lại, tiếp tục nghe những điệp khúc của người cựu lãnh tụ một thời. Chàng quyết định chọn đề tài cho bài khảo luận cuối khóa: "Phong trào phản chiến Mỹ và sự ngây thơ của nó trong chiến tranh Việt Nam". Rõ ràng là một trận thách đố mà chàng biết là quá khó khăn. Chàng đã ngồi hàng giờ trong thư viện. Việt Nam đầy dẫy trên ngăn bục, trên các tạp chí cũ, trong các microfilm, và sách vỡ. Việt Nam như một ác mộng, một vết thương không bao giờ lành của xứ sở này. Việt Nam được nhắc nhỡ khắp nơi, tệ hại như "Quái vật", "Baby killer", "Monster", "ađict". Vụ Mỹ Lai thì tràn ngập như một đề tài về tội ác chiến tranh Việt Nam. Còn quân đội, hàng ngũ của chàng thì được gán cho một thứ quân vô tổ chức, chưa đánh đã chạy, tàn bạo, đánh thuê... Chàng cảm thấy tủi nhục. Người ta rũa xả hàng ngũ chàng bởi vì người ta là chủ, người ta ban ơn mưa móc... Chàng khổ tâm và cảm thấy cô đơn. Chàng đã không thể tìm một tài liệu nào để giúp cho bài khảo luận của mình. Cho dù khi chính chàng là một pho tài liệu quí giá nhất, và cụ thể nhất!
Phải. Chàng đành chịu thua. Cặp kính trắng tròn vo chưa bao giờ ám ảnh chàng như thế. Việt Nam của chàng. Một Việt Nam sa cơ tức tủị Một Việt Nam không có cả một tiếng nói. Một Việt Nam mà những người từ đất nước ấy, trở về để nghe những lời chửi bới của đồng bào họ, hay như những người cựu chiến binh cô độc trong các đại học để nghe những lời đay nghiến trách móc của giáo sư và bạn đồng lớp. Chẳng ai kể lại vụ chôn người tập thể năm Mậu Thân hay những vụ mỗ bụng trôi sông giật mìn xe đò hằng ngày hằng bửa. Chẳng ai nói về một cuộc exodus vĩ đại, về lòng biển cả. Chẳng ai tìm hiểu súng AK, B40, hoã tiến tầm nhiệt ở đâu mà có, và xe tăng đại pháo rầm rập trên các ngã đường của Sài Gòn xuất phát từ đâu... Bây giờ rõ ràng cuộc chiến đấu đã trở thành cuộc thách đố. Thách đố như đôi kính tròn vo và mái tóc Beatles của vị giáo sư. Thách đố như cuốn sách đại phản chiến của Ron Kovic: "Born on the fourth of july" mà ông ta đã bắt chàng phải đọc. Chàng đã thức bao đêm trong căn phòng nghèo khó, để lắng nghe tiếng nổ trái phá từ một mặt trận mà chàng quyết định thử lửa. Ðể sáng hôm sau lại lao vào trận chiến như tên lính không biết mõi mệt. Ðể rồi, vẫn là những John Waye thất chí. Vẫn là những "Vets Heroes as Orphans\(Newsweek, 5 march 1973), hay "Postwar Shock" \(New York Times, August 1972), hay khi Johnnie về lại quê hương\(America, tháng3, 1973). Nhưng cuối cùng chàng cũng tìm ra một vị cứu tinh. Ðó là cuốn sách của Guenter Bewy. "Vietnam: New Light on the Question of American Guilt" và liên tiếp những số báo Times trong năm 1981 và nhất là những lá thư của những cựu chiến binh gởi về tòa soạn. Lần đầu tiên, một học giả, một người không ở trong guồng máy, đã dám nói lên sự thật. Ông đã tố cáo TV và báo chí. Ông đã bênh vực tận tình hàng ngũ của chàng. Ông đã phơi bày sự thật về Sơn Mỹ, Mỹ Lai và Mậu Thân. Hay những hình ảnh trên tuần báo Paris Match về trường hợp một người phi công Mỹ bị bắt làm tù binh và cuối cùng bị giết. Hay những người trong ủy ban xây đài chiến sĩ trận vong tại Hoa Thịnh Ðốn. Chàng đã cố gắng, thật cô độc để xin được gặp họ, phõng vấn họ. Họ nói một câu như thế này: Dĩ nhiên trong một trận chiến đều có kẻ bại và kẻ thắng. Vấn đề là có thắng được lòng của người dân Việt Nam hay không? Ðó mới là chính. Và họ nghĩ, họ rất tự hào khi họ chiến đấu ở Việt Nam...
Lại một mùa Giáng Sinh nữa lại về. Vẫn căn lầu cũ nhìn xuống đường Old York. Vẫn một vùng tuyết trắng xóa ngoài cửa sổ. Tuyết long lanh dưới ánh nắng mõng. Chàng đứng yên nhìn xuống đường. Ðợi chờ gì ở ngoài đấy. Chàng cũng không biết nữa. Người đưa thư đã qua đường. Vợ chàng thầm thì: "Lạy Trời cho con có thư Việt Nam". Người đưa thư vào cỗng. Chàng xuống vội thang lầụ Có một phong bì mà chàng nghĩ là chàng không thể ngờ nỗi. Ðó là tấm cạc chúc mừng Giáng Sinh của ông thầy phản chiến.
Trần Hoài Thư