vhnt, số 11
3 December 1995
Trong số này:
+ thư vhnt................................................PCL
+ 1 Đợi Chờ Và Mong Mỏi.....................thơ, Phan Lê Dũng
+2 Ô Sẻ...................................................thơ trẻ SG, Ðàm Hà Phú/Dung Nguyen
Quán Hồn Chiều...............................thơ, Ðàm Hà Phú/Dung Nguyen
+3 Qua St. Augustin..............................thơ, Dung Nguyen
+4 Hoài mong.........................................thơ, Trương Nguyễn Thi Thanh
+5 1.12.1995...........................................thơ, Vũ Lê Phan
+6 Một Tuần Ba Thành Phố...................tùy bút, Hoàng Hải Việt
+7 Trọn Vòng Tay...................................thơ, Nguyễn Tự Hào
+8 Bi-Ðông Hoang Đảo - p3/4.......... .....truyện, Thai Nguyen
+9 Hồ Sơ Nhân Văn Giai Phẩm.......... ...biên luận, Thụy Khuê phần 3
3 tháng 12, 1995
Nắng buổi sáng đẹp như là mặt ngọc, long lanh mầu hổ phách với những tia óng ánh sáng lòa, trong vắt. Buổi sáng là khoảnh khắc trong ngày tôi yêu nhất, nguyên vẹn và tinh mơ, đầy và trọn vẹn. Một ngày để tùy nghi, vì chủ nhật người ta không phải dậy sớm kéo nhau ra đường tất bật với trăm ý nghĩ và công việc, nên sáng chủ nhật có dậy sớm thì chỉ để hưởng trọn vẹn cái trong lành tươi sáng của một ngày cho riêng mình. Với một tách trà nóng tỏa hương, và một không gian êm tĩnh, tôi là người hạnh phúc nhất trần gian.
Sáng nay, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện văn chương. Nhà thơ Nobel Pablo Neruda một hôm được mời đọc thơ ông cho một số khán giả rất đông tại Ba-Tây, khi ông vừa dứt, khán giả yêu cầu ông đọc tiếp những bài thơ trong tập "20 bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng". Ông lúng túng cáo lỗi vì ông không thể nhớ một chữ nào trong tập thơ ấy. Vừa nói xong, 400 khán giả đứng lên đồng thanh đọc bài thơ đầu:
Tối nay tôi viết những lời thơ buồn nhất
Viết về một đêm sao và những tinh cầu run rẩy lạnh căm
Gió cuộn tròn và đêm hát...
Tôi viết cho nàng lời thơ buồn nhất
tôi yêu nàng, có khi nàng cũng yêu tôi...
Pablo Neruda ngạc nhiên xúc động, ông nào biết tập thơ xuất bản từ 1924 và đã bán được trên 2 triệu bản. Tập thơ dùng làm quà tặng cho những kẻ yêu nhau. Người ta trích những câu thơ của ông để tặng nhau, thay cho những đóa hoa biểu lộ tình yêu.
Chúc bạn một sáng chủ nhật trong lành.
thân ái,
PCL/vhnt
Ðợi Chờ Và Mong Mỏi
Ðợi chờ mãi và mong mỏi mãi
Có còn chăng ít nước Cam Lồ
Ðợi chờ mãi và mong mỏi mãi
Có hay không, huyễn hoặc, mơ hồ.
Ðợi chờ mãi và mong mỏi mãi
Có tan đi những khổ, những đau
Hay vẫn chỉ một màu
Xanh xanh, màu ảo vọng?
Có còn không những tiếng gào rung động
Hoặc những tiếng rú lạc thinh không
Hay chỉ có tiếng thở dài
Của người đợi chờ và vẫn còn mong mỏi?
Phan Lê Dũng
Ðàm Hà Phú là cây bút gần đây xuất hiện trên Tuổi Trẻ từ sau cuộc thi thơ Bút Trẻ. Thơ anh êm ả, đôi lúc có vẻ như cổ điển nhưng thuyết phục bởi không khí trữ tình. Ðấy cũng là tiếng thầm thì của thơ.
Ô Sẻ
Vầng trăng không còn huyền hoặc nữa
Chim sẻ trở về bên ô cửa tóc tiên
Nơi người con gái chống cằm nhìn buổi chiều vạn cổ
Loài phong rêu hát những khúc muộn phiền
Về đây, về ríu rít tuổi hoa niên
Dẫu không còn một cọng rơm làm tổ
Bên ô cửa có một người thiếu phụ
Hát romance và khâu vá hoàng hôn
Ơi dấu chân ri, mưa chập choạng trong hồn
Nhoà nhạt những gì chưa kịp nói
Có gì đâu mà lá cành chao vội
Diệp lục giấc mơ đầu
đành lỗi hẹn vàng thu
Hoa tóc tiên buông tuổi cũ chối từ
Màu vôi tường nhìn nhau hạnh ngộ
Chim sẻ giật mình bên buổi chiều vạn cổ
Khan khản giọng trầm
đau đổ bóng thời gian
Quán Hồn Chiều
Mắt lá nhìn anh qua liếp tranh
Thôi có bao lâu mà ngờ ngợ
Quán hồn chiều khói lan hình vân gỗ
Chếnh choáng nhụy ba năm xa xanh
Lất phất cỏ mùa lên mong gió
Vườn em như duyên chớm trổ dòng
Anh đến từ phương Nam
với những câu thơ hình lưỡi hái
Một mình hát bi ca
Một mình hát hoan ca
Những câu thơ rỉ hoen màu phuơng Bắc
Anh gặt hai vai một gánh Ngân Hà
Quán hồn chiều hiên mưa không tròn giọt
Không thấm duyên em một vuông khăn
Này người con gái thêu tình yêu lên đó
Có hay cỏ mùa vừa khuất một lối hằn
...
Quán hồn chiều anh chào từng mắt lá
Mà còn biết còn ai thưa khi lá gọi tên...
Đàm Hà Phú
TT 10/10/95
Dung Nguyen sưu tầm
Qua St.Augustine
thành phố cổ nhất nước Mỹ
Con ngựa già lững thững
Chở viễn khách nhàn du
Qua từng con phố nhỏ
Thấm rêu phong ngàn thu
Kìa ngôi nhà trăm năm
Với từng thanh gỗ mục
Người đi qua âm thầm
Còn lời nào hỏi thăm
Ghé qua ngôi thành cổ
Hồn người lính căm căm
Bờ đá nằm loang lở
Súng thần công trơ nằm
Dung Nguyen
11/30/1995
Hoài Mong
trời mây xám
em lạc lõng lang thang
vương mang gót giầy
mong từng phút giây
phút giây ngắn ngủi
ôi ngọt ngào
ôi xốn xao
ôi bỡ ngỡ
... bên anh
em đành
gác mộng phù du
một lần chân đất
một lần dại khờ
đi góp lá khô
một chiếc
một chiếc
mỗi ngày một chiếc
rồi dệt những tơ
những tơ hy vọng
rồi đan phím thơ
phím thơ thổn thức
lên chiếc lá vàng
một sáng nào ngỡ ngàng
em ra bờ biển vắng
thả lá trôi giòng
... ước mong
ước mong...
những buổi hoàng hôn
tương tư lòng anh ngóng
về phía đại dương
dạt dào biển sóng
anh sẽ thấy em
qua từng hơi thở nhẹ
anh sẽ bắt được
từng chiếc lá bỏ rơi
chứa tình em chơi vơi
trong từng mùi của đất
trong tế bào cỏ cây
anh sẽ hiểu rằng...
có còn sự sống?
trong những lúc hoài mong?
Trương-Nguyễn Thi Thanh
1.12.1995
Trên vườn đời mật ngọt
Ngọn nến đã là hoa
Ước mơ là hơi thở
Nên ngày sau, ngày xưa...
Ngày xưa con nước cuốn
Em về cõi lạ nào
Hạnh phúc xa, nguồn cội
Thương nhớ gần, chiêm bao
Tuổi trời không xanh mãi
Mưa hiểu buồn phố quen
Nắng ngậm ngùi úa nhạt
Biết em buồn tên quên
Nên tôi hát vì em
Xin một sớm chuyển mùa
Mùa Đông đan hoa trắng
Suốt đường Xuân em đi
Ngày sau trong áo mới
Em hãy ủ hương xưa
Những niềm vui rất lạ
Sẽ đến tự bao giờ...
lephan
Một Tuần, Ba Thành Phố
San Jose, tôi đến vào buổi trưạ Vẫn không có ai đón. Lấy xe, đi kiếm phòng trọ. Mới hơn một năm không đến mà ngỡ như lâu lắm. Những con đường vẫn đông xe, đông người, lưu thông chậm chạp như muốn thử thách tính kiên nhẫn khách phương xa.
Buổi chiều đi đón bạn dự đám cưới, những con đường quen thuộc ngày nào giờ như xa lạ, phải đảo mấy vòng mới tìm được nhà. T vẫn vậy, gặp nhau không vồn vã, không ân cần, nói chuyện như mới gặp nhau mấy hôm trước. Đám cưới trong một tiệm Tàu như bao nhiêu đám cưới khác, không đông, thủ tục đơn sơ. Chú rễ hớn hở trong bộ đồ cứng nhắc, cô dâu trông xa lạ dưới lớp trang điểm và đầu tóc cao. Người điều khiển chương trình vụng về, lúng túng vì mới làm lần đầu. Tôi đó, không quen với cái micro, nhưng chiều bạn nên cứ làm. Không còn được mấy người bạn độc thân nữa. Cuộc tình bắt đầu bằng những email, rồi đến những cú điện thoại viễn liên, những giận hờn, cãi vả như để tăng hương vị tình yêu. Những chuyến bay và những lần gặp nhau vội vã, chưa thoải mái gần nhau lại phải chia tay. Ôi những cuộc tình xa cách! Chứng kiến từ đầu cuộc tình của hai người, tôi cảm thấy thật vui cho C, dù rằng sẽ mất đi những lần C và tôi lang thang đi uống cà phê, những lần đi xi nê và những lần không biết đi đâu ngôi nhà tán dóc. Sau đám cưới rũ T đi uống cà phê, Starbucks, một thú tiêu khiển cuả mình từ lâu mà bây giờ bỗng trở thành thời thượng. Cũng không sao, càng nhiều nơi đi, chỉ cần có bạn tốt là được. Nói T mất bạn và tôi cũng mất bạn. T nói đã mất từ lâụ Tôi tưởng tình yêu đến rồi đi nhưng bạn lúc nào cũng vẫn là bạn. Ngồi uống cà phê, nhìn T, thấy mình vẫn thích T, và vẫn xa T.
Chiều hôm sau, kéo nhau lên San Francisco. T ở vùng này đã bao năm mà vẫ không rành đường. Đi lẩn quẩn ở Union Square, ghé lại một vài tiệm, chẳng ai mua gì cầ Những vĩa hè đầy người, xen lẫn già trẻ lớn bé, giàu nghèo sang hèn. Một hàng người xếp hàng chờ bữa ăn thí, kế bên một hí viện cho dân đi chơi đêm. Một bà lão đi lượm lon gần một đôi trai thanh gái lịch. Một vài người chơi nhạc kiếm tiền lẻ. Một ông Mỹ đen trong bộ tuxedo, vừa đi vừa hát Unforgetable. T mĩm cười, tay vẫn cầm áo khoác. T không lạnh sao? Không. Cho mượn áo đị No waỵ Ghé xem một màn biểu diễn vũ điệu Tango, Forever Tango, Tango muôn năm. Đẹp, hấp dẫn, sống động, khêu gợi, than với bạn VN đã làm hỏng điệu vũ rồi. T bảo cũng chẳng sao. Hỏi T có biết nhảy Tango không. Cô Thật vậy à, giỏi!
Ngày cuối ở Cali, buổi sáng lang thang ở Palo Alto, ngồi uống cà phê bên đường nhìn người qua lại. Cali có điểm mà tôi vừa ghét vừa thích, đông ngườị Làm mình như ngột ngạt nhưng lại thích nhìn ngắm đủ hạng người qua lại, có vẻ gì đặc biệt mà những nơi khác không thấy. Trời buổi sáng lành lạnh, có ly cà phê đậm, điếu thuốc và một chỗ ngồi nhìn cảnh, nhìn người, có lẽ đây là cái thú hưởng nhàn chăng. Rồi chờ đợi như trước đã bao lần chờ đợi. Gặp thêm một lần để rôì lại xa, không hẹn ngày gặp lại, có thể một tháng, cũng có thể một năm, hay lâu hơn nữa. Ai biết!
Về lại Dallas tối thứ Hai, thành phố hiền hoà, không bon chen. Trở về căn phòng thân thuộc, mình với mình. Căn phòng với một cái ban công nhìn ra đường có 2 hàng cây. Chọn nơi này cũng vì cái ban công. Hôm sau, trả nợ vài cú điện thoại, một vài email cần thiết. Tối nay, chưa kịp dọn đồ ra đã phải dọn đồ cho 1 chuyến đi mớị Gọi điện thoại hỏi thăm L về bệnh tình người me, chuyện báo chí. Nghĩ cũng lạ, L mở miệng thành thơ, cầm bút thành văn làm báo là phải, còn mình chẳng sáng tạo gì cả. Vậy mà cộng tác làm báo. Có lẽ để tưởng nhớ, nuối tiếc ngày xưa, làm luận được cao điểm cứ mộng một ngày sẽ thành văn sĩ... Cũng chẳng phải lần đầu làm báo, làm được gì thì làm thôi, nếu không làm được gì thì đứng ngoài vỗ tay vậy.
Dallas hiền hoà nhưng có những tâm hồn sôi nổi, muốn vùng lên ra đi, và đi thật xa. Phố xá VN không nhiều, cảnh không đẹp, muà hè thật nóng và muà đông khá lạnh. Có gì lôi cuốn nhỉ? Chỉ có những người thân thương, đời sống bình thường, êm đềm, không phải lo lắng nhiều. Đến Dallas tình cờ vì công việc, rồi cũng chẳng cảm thấy thôi thúc để phải rời Dallas. Vậy mà đã 8, 9 năm rồi, không nhớ rõ. Một vài người bạn thân sơ, một vài cuộc tình lở dở, mình vẫn làm người lang thang. Có lẽ tại mình thích lang thang, không thích ngôì yên một chỗ. Ai biết!
Lại lên đường, làm một chuyến du hành quen thuộc về Denver, vùng núi đá, vùng tuyết phủ, vùng cao nguyên. Phi trường mới, kiến trúc theo hình rặng núi, trông khá ngộ. Anh chị em, một năm gặp được 1, 2 lần, thôi thì nhân tiện tổ chức đi đánh bài, hay đi trượt tuyết luôn. Hôm sau, cả nhà chất lên xe van lên núi. Đầu muà, tuyết không nhiều, những cũng đủ làm trắng những ngọn núi cao ngất. Lâu ngày không thể dục, thể thao gì cả, nhìn mấy người em, mấy đứa cháu nhởn nhơ trên tuyết, còn mình té lên té xuống, hơi thở nặng nề sau mỗi khúc dốc ngắn. Bảo mấy người thôi cứ xuống trước, mình từ từ theo sau. Trợt một mình cũng thú, không bắt ai phải chờ, khi nào mệt dừng lại trên sườn núi, móc thuốc hút và ngắm cảnh núi muà đông, tuyết che phủ những ngọn núi trùng điệp. Rồi ghé vô tiệm nước trên núi, uống cà phê nhìn thiên hạ trợt tuyết.
Bà chị mướn một căn phòng nhìn ra dốc núi. Tối về, bà chị và cô em nấu ăn, ông anh rễ mở một chai rượu ngon, để dành từ lâu. Mình không biết uống rượu nhưng cũng thử vài ly. Choáng váng, ra đốt lò sưởi, ngồi mãi mê nhìn nhóm lửa bừng bừng trong lò, thả tư tưởng đi hoang. Rồi cô em bày trò chơi đố chữ, đố hình, đố đủ thứ, mấy chị em la hò, thật vui.
Trợt tuyết hai ngày chán chê, chúng tôi kéo nhau đi outlet shopping, rồi đi đánh bài ở Central City. Ông anh rễ trúng jackpot. Buổi tối cả nhà đi ăn mừng. Về nhà xúm lại xem phim mướn Eat Drink Man Woman, Ăn, Uống, Đàn Ông, Đàn Bà, ăn phải có uống, cũng như đàn ông phải có đàn bà, đúng không nhỉ. Ba chị em, mỗi người một cuộc đời, không ai hiểu ai được. Thấy Tàu bây giờ tân tiến quá, yêu cuồng sống vội như Tây phương, hơi ngỡ ngàng. Sao tình yêu trên xi nê mau đến thế. Chắc tại mình bảo thủ, chậm chạp.
Xum họp gia đình tôi là thế, lần này không có ông bà cụ. Sáng thứ hai, mọi người đi làm lạị Máy bay chiều mới đi. Mượn xe ông anh, chạy ra phố 16, đi lang thang dưới trời tuyết, lạnh, cho những hạt tuyết bay thẳng vào mặt, tê buốt, cảm thấy thú hơn lúc đi dưới những cơn mưa lất phất. Ghé mua mấy món quà nhỏ. Rồi về.
Cô cháu đón ở phi trường. Hỏi đi chơi vui không? Ừ vui lắm. Bây giờ về nhà chắc là cô đơn. Ừ, cô đơn lắm chứ, nhưng đã quen cô đơn rồi.
Viet Hoang
Trọn Vòng Tay
Có những lúc mưa về sao rũ rượi
Anh ngại ngùng không dám ngỏ lời thăm!
Thả suy tư theo nhớ nhung dịu vợi
Lòng chơi vơi nghiền ngẩm chuyện trần gian.
Mười ngón tay trăm năm chia đủ chục
Một kiếp người đếm đủ mười ngón không?
Ðôi bàn tay vẫn bốn mùa trần trục
Một lối về, tay phủi, tròn giấc hoang.
Vậy tìm gì cho nhau trong hư và thực?
Một tình yêu giữa thế hệ lạc loài,
Em mệt lả níu thời gian thao thức
Anh bơ phờ hiểu nhịp sống trầm xoay!
Tìm gì cho nhau, mãnh đất gọi mờỉ
Nơi tình ái uyên ương hứa mong đợi:
Chỉ sống cho nhau xa lánh cuộc đời.
Nhưng đất hứa lối vào là thần thoại!
Thôi tìm chi những miền đất ảo vọng
Em và anh hiện sinh giữa đời này!
Ðã nghe mòn bao giấc mơ ngày tháng
Hãy cho nhau tình yêu trọn vòng tay!
Em là nguồn hạnh phúc của cuộc sống
Cười bình yên đời gởi mắt em trong
Khi vô tội tình về từ hoang vắng
Anh gọi tên em cạnh những ngày dài...
Tầm Nguyên
Tháng 11, 1995
~ ~ ~ .
\,|./ . . ~ . ~
-{, .}- . ~
/ | \ ~ ~ . ~ B I D O N G
_ _ _ _
~ /%\/%\ ~ /%\/%\ H O A N G Đ Ả O
__.<%%%#%%\,_ <%%#%%%\,__
~ <%#%%%%%%%#%%%\ /^%#%%%%%%%#%\ Thai Nguyen
""/%/""\ \""\@| |/""'/ /\""""'
~ L/ ` \ \ ` " / / ```
` \ \ ~ / / ~ (Phần 3/4)
~ ~ \ \ / / .
. \ \ ,,, / / ~
~ . ':;\ \iii/ /|k/ ~ .
Hôm nay tôi đến thăm nhà Hạ, tôi rũ Quỳnh cùng đi thăm họ luôn. Sẵn tiện cô Hà nhờ Quỳnh mượn cái nồi của chị Hương, chị dâu của Hạ, về nấu canh. Ra khỏi nhà chúng tôi tung tăng nắm tay nhau bước qua dốc đá như đôi sóc nâu buổi sáng. Cảnh vật bên tôi không còn buồn bã nữa khi có cô bé bên cạnh. Mỗi đêm khi mọi người đã ngũ, Quỳnh đã ngũ, tôi hay ra ngồi ngắm biển để nhớ gia đình bạn bè. Nhưng mỗi ngày được bên Quỳnh tôi quên đi phiền muộn đơn độc. Khi chúng tôi đến, Hạ đang nằm trên võng nghêu ngao những bài hát không ra lời. Hắn trông thật vô tư trong một tâm hồn trầm cảm. Nhìn chúng tôi hắn nhoẻng miệng cười:
- Ði đâu vậy tụi bây, nhóc con quỷ!
- Nhóc con cái "cùi bắp". "Văn bắp" (biệt danh của Hạ) đang tụng kinh thần chú gì vậy?
- Anh Hạ cho em nằm võng cái được không ? Quỳnh hỏi.
Hạ bước xuống võng đi qua chiếc bàn rót ly nước trà cho chúng tôi.
- Hạ định qua rủ Thái chiều nay đi chùa chơi, Quỳnh đi không?
- Ðể em về hỏi mẹ đã anh Hạ.
Tôi ngồi trên chiếc giường ván đong đưa Quỳnh trên chiếc võng. Nghe ngón tay hơi nong nóng nhói đau. Tôi nhìn tay mình đang bị Quỳnh cắn.
- Sau cắn tay anh, đau qúa hà.
- Ðau cho anh nhớ mãi...
- Ðồ nhóc quỷ! Qua đây có chuyện gì vậy bây. Hạ đến đưa hai ly nước trà.
Quỳnh cười:
- Mẹ em muốn mượn cái nồi để nấu canh.
Hạ vào nhà bếp lấy cái nồi cho chúng tôị Chúng tôi ra về, Hạ nói với theo:
- Chiều Hạ qua rủ đi chùa với nhà thờ chơi, hì... hì.
Chiều ấy không biết gia đình Quỳnh đi chơi đâu không có nhà. Hạ rủ tôi đi chùa chơi kịp lúc anh Tâm từ khu F mới về nên chúng tôi cùng rủ ảnh đi. Ðến chùa thoang thoảng trầm hương làm chúng tôi nhớ lại lời hứa với Cang sẽ cùng hắn đi chùa ngày lễ Phật Ðản. Có lẽ giờ này hắn đã xuống tóc đi tụ Chùa đông lắm, hôm nay là rằm tháng năm rồi. Người người lũ lượt đi xem lễ như ba ngày tết quê nhà. Chúng tôi dạo một vòng trong chùa rồi bước ra sân. Trong đám đông chúng tôi nghe mấy giọng nói ngọt ngào của hai cô gái Huế. Bất chợt ba chúng tôi đổi giọng Huế nhại theo:
- Em đi mô tê, có về cho anh theo với.
- Anh này dê ghê, ghét hết chỗ chê.
- Hổng có dê, anh chỉ biết mê...
Một trong hai cô gái Huế, cười cười hỏi:
- Trong ba anh có một người Huế nề.
Tôi chỉ Hạ chạy tội:
- Chính hiệu con nai vàng ngơ ngác.
- Tao đâu phải người Huế, tao người Ðà Nẵng mà.
- Cũng là miền Trung. Anh Tâm cười.
- Xin lỗi hai cô nhé, chúng tôi chỉ nói cho vui thôi, đừng giận nhé.
- Em tên Hoàng, chị kia tên Thu. Mới đến đảo một tháng. Còn mấy anh?
- Anh Tâm, Hạ và Thái, chúng tôi mới đến chỉ có hai tuần.
Một lát sau cô bé Hoàng xin địa chỉ chúng tôi, rồi cho chúng tôi địa chỉ và nhắc:
- Khi nào mấy anh rảnh đến nhà em chơi. Ba má em háo khách lắm.
Hạ vỗ vào vai tôi:
- Thôi chết mày, tao về tao mét.
Anh Tâm ngơ ngác không biết Hạ bảo mét ai. Thế rồi chúng tôi tưởng cũng quên cô bé Hoàng và Thu. Anh Tâm hay đi lên khu F chơi và ở đêm luôn ở đó. Có lần tôi không có ở nhà khi về nghe nói có cô bé Hoàng đến kiếm làm tôi hoảng sợ. Cô bé Hoàng còn dặn một lát trở lại làm tôi sợ quá khi nhìn ánh mắt kỳ lạ của Quỳnh. Tôi chuồn khỏi nhà ngay tức khắc để tránh mặt Hoàng.
Có lẽ bởi những đêm thức khuya ngồi ngoài bãi biển nên tôi cảm thấy nhức đầu mệt mõi và cuối cùng ngã bệnh. Cô Hà đã cạo gió nhưng vẫn chưa khỏi, có lẽ cơn bệnh càng hành hạ tôi hơn. Người hốc hác, đôi mắt thất thần, giọng nói thì thào không ra hơi. Cô bé Quỳnh nhìn tôi xót xa, nhất định dẫn tôi đi "sick bay" để chữa bệnh. Tôi đã đi một lần nhưng chờ đợi lâu qúa nên nản lòng ra về. Hôm nay Quỳnh dậy thật sớm đi xếp hàng lấy số thứ tự cho tôi. Thế mà số cũng hơn 30. Chắc ngày hôm nay cũng chưa gặp được bác sĩ. Tôi định bỏ về nhà nhưng sau khi Quỳnh đi đâu đó quay lại bảo tôi sắp được gặp bác sĩ làm tôi hơi ngạc nhiên. Thì ra Quỳnh và gia đình cô Hà quen một anh làm trong "sick bay" nên nhờ anh ta cho "lấn chỗ chui". Tôi thấy Quỳnh nhờ một người con trai khác tự nhiên lòng mình còn đau xót hơn cơn bệnh. Tôi từ chối không chịu theo anh Trụ đi gặp bác sĩ. Nhưng nhìn ánh mắt ứa lệ cầu khẩn của cô bé tôi cảm thấy tội nghiệp khó chịu. Quỳnh bảo đã dậy từ sáng sớm vì tôi thế mà tôi nỡ phụ lòng săn sóc hay sao. Cuối cùng tôi đành chịu phủ phục lòng tự ái của mình trước ánh mắt đẫm lệ ấy.
Hôm nay Quỳnh học lớp Anh văn khu E, tôi đi qua lại ngoài lớp chờ đợi sốt ruột. Mấy bữa nay không có người mới vào nên tôi không phải "đi làm". Khi mới vào nhập trại tôi điền đơn lý lịch thế nào mà họ cho rằng chữ "cua bò" của tôi đẹp nên cho tôi làm nhân viên cấp thẻ tị nạn, lo điền tên người tị nạn vào thẻ sau khi họ được chụp hình. Mỗi ngày tôi lên làm vài tiếng cho hộ chúng tôi được miễn "lao động vệ sinh". Có "đi làm" cho qua ngày tháng, chứ ở nhà "một mình" như hôm nay, chờ đợi... buồn quay quắc. Tôi nhớ có một lần sau khi bửa xong một mớ củi ở nhà tôi chưa kịp dọn xong đã đi làm. Rũi ngay hôm ấy ban vệ sinh đến ngay hộ chúng tôi xét. Thế là họ đưa chúng tôi lên ban kỷ luật và hăm doạ rằng sẽ cúp thẻ thực phẩm chúng tôi một kỳ. May mà tôi đi làm nên quen ông cấp thẻ tị nạn, nhờ ông ấy qua nói vài lời với ông trưởng ban kỷ luật tha cho chúng tôi. Nhưng mà vẫn bị phạt phải đi lượm rác và xác chuột một ngày. Hôm đó chỉ có Quỳnh và tôi đi làm thay cho hộ. Rác thì Quỳnh lượm, nhưng nhìn xác con chuột to gần bằng con mèo con cô bé tái mét muốn xỉu. May mà tôi không sợ chuột bằng gián. Ðợi mãi lớp học Quỳnh mới tan, chúng tôi dự định về nhà, may thay phòng thông tin báo có thơ đến. Chúng tôi chạy đến nơi phát thư chờ họ đọc từng tên người. Dẫu biết không có thơ thì buồn lắm nhưng còn được bên nhau tự do tâm tình hơn ở nhà. Chúng tôi đã thân nhau lắm nhưng vẫn còn mắc cỡ. Chúng tôi đứng bên gốc dừa nắm tay nhau nhưng thân dừa làm trung gian giữa khoảng cách chúng tôi. Tình cờ chúng tôi gặp Hoàng đi chờ thư, cô ta đến nói chuyện với chúng tôi, có lẽ cô ta đã quen Quỳnh vì đã vài lần đến nhà. Tôi cảm thấy mắc cở vì nghĩ Hoàng biết được tâm sự giữa tôi với Quỳnh. Nhưng Hoàng vẫn thản nhiên nói:
- Tối nay Hoàng đến nhà anh chơi, hy vọng anh không đi vắng chứ?
- Không biết nữa, để Thái rũ Hạ xem.
Quỳnh trẻ thơ về nhà bảo tối Hoàng sẽ đến thăm tôi, để mọi người nhìn tôi cười như chế nhạo. Khi chiều đến tôi bỏ đi lên nhà Hạ tránh mặt Hoàng. Khi tôi và Hạ đi ngang nhà không thấy có người lạ chúng tôi mới vào. Nhìn mọi người cười cười tôi cảm thấy hoang mang. Bỗng đâu Hoàng từ trong buồn tắm bước ra:
- Anh "hết trốn" Hoàng được rồi nhé. Hoàng sắp đi Mỹ, đến từ giã anh, anh có cần gởi thơ gì cho ba anh không? Ðịa chỉ Hoàng đây, khi qua Mỹ nhớ liên lạc nhé.
- Khi qua Mỹ đâu có ai còn nhớ những người ở đây. Anh Tuyển cười nói.
- Anh Tuyển nói vậy chớ, khi qua bên ấy em mời anh đến nhà em chơi.
Anh Tuyển gải đầu cười:
- Ai mà tin mấy cô Huế. Mời người ta đến nhà rồi xua con chó chạy ra, nó nhe răng chơm chởm mà cứ bảo: - Anh giả giọng Huế -"Chó không có răng đâu, hổng răng đâu." Ba tui có mù cũng hổng tin là chó mà không có răng.
Cả nhà ôm bụng cười ngất câu nói diễu của anh. Không khí trở nên vui vẽ tự nhiên hơn. Ðêm hôm ấy anh Tuyển rủ tôi ra ngoài bãi biển ngồi tâm sự. Anh nói: không biết mai mốt anh đi đâu, cuộc đời anh thật vô định hướng vì anh không có một thân nhân nào nước ngoài cả. Anh bảo anh coi tôi như em, dẫu mai sau xa nhau ngàn dậm vẫn là anh em. Tôi thật cảm động với những lời nói của anh Tuyển. Anh còn nhìn rõ tâm sự của tôi, anh cho biết, anh hiểu tại sao tôi hay tránh mặt Hoàng. Chính vì tôi đã yêu Quỳnh! Nhưng Quỳnh còn bé quá, liệu rồi mẹ Quỳnh có chấp nhận không? Và ngày mai gia đình Quỳnh sẽ định cư nơi đâu tôi có còn cơ hội hay không? Anh Tuyển như mở được chiếc nắp che dấu nỗi lòng tôi...
Những cái gì đến phải đến. Không ngờ anh Tuyển sợ không ai nhận anh thế mà anh đi nhanh nhất, chỉ đúng một tháng ở đảo phái đoàn Úc đã cho anh rời đảo. Ngày anh đi tôi buồn lắm, không có gì để tặng anh tôi cởi chiếc áo "đẹp" duy nhất của mình cho anh mặc "tươm tất" một chút khi rời đảo.
Thế rồi tình cảm thầm kín của chúng tôi không thể dấu mãi gia đình Quỳnh. Những bức thư chúng tôi trao nhau đã lọt vào mắt cô Hà. Cô Hà không một lời trách móc tôi càng làm tôi khó chịu. Hình như mắt Quỳnh lúc nào cũng vấng lệ, nhìn bé Quỳnh đau khổ lắm, lòng tôi càng quặng đau. Chúng tôi không dám nhìn nhau nữa, không dám nói chuyện với nhau một lời. Ở chung nhà mà thế thật khổ! Có một lần khi tôi đi lang thang về nhà mệt lắm nhưng muốn tránh Quỳnh, tôi leo lên gác nằm. Quỳnh cùng gia đình đi chùa về. Tôi nghe cô Hà nói với Quỳnh:
- Con đâu biết thằng Thái nó ra sao? Chỉ gặp nhau có hơn một tháng, biết đâu ở Việt Nam nó đã có biết bao là bồ rồi. Như anh Linh của con đó thấy không? Vã lại còn nghe con Hồng Hoa cũng ở Vũng Tàu học chung trường với nó bảo rằng nó cặp con Mai gì đó ở Vũng Tàu.
Tôi không biết anh Linh ra sao, tôi cũng chẳng hiểu nhỏ Hồng Hoa tại sao lại bày điều nói bậy cho mình. Uổng công mình giúp thuyền của nó vớt lương thực nơi tàu Anh. Không cám ơn còn nói xấu mình nữa. Tôi nằm yên bất động trên gác đến khi nhà Quỳnh ra bãi biển. Tôi Quyết định lên nhà anh Hùng trên khu F để lánh mặt Quỳnh một thời gian. Tôi viết để lại vài hàng cho cô Hà đỡ lo. Nói là tôi sẽ về sau vài ngày hay một tuần gì đó khi mình đã suy nghĩ chính chắng phải làm điều gì cho chính mình và bé Lệ Quỳnh.
Tuy thân thôi ở trên khu F mà hồn tôi đâu đâu. Những đêm mưa tôi đi vô định, lạc hướng lại về ngang nhà nhìn mọi người đã yên ngủ lòng thêm nặng trĩu. Cho đến một ngày tôi nhận được tin gia đình cô Hà đã được phái đoàn Canada nhận lòng tôi buồn lắm, tại sao không chờ đi Mỹ với tôi! Nhưng dẫu sao tôi mong Quỳnh và gia đình rời đảo trước tôi. Tôi không muốn ra đi bỏ lại Quỳnh với bao kỷ niệm chồng chất. Tôi quyết định trở về nhà vì chỉ còn vài tuần nữa có thể gia đình cô Hà rời trại. Tôi muốn tạo cho mọi người một niềm vui trước khi chia tay, cho dù tôi phải cắn răng giả tạo mĩm cười. Tôi chấp nhận lời hứa với cô Hà sẽ coi Quỳnh, My như hai em gái tôi trong thời gian còn lại. Còn chuyện tương lai sẽ tính sau: Nếu 2 năm sau chúng tôi không quên nhau cô Hà sẽ không cấm chúng tôi nữa. Còn chúng tôi không nhớ đến nhau thì chỉ là một mối tình bồng bột thiếu thời. Nói thì dễ nhưng dối lòng không dễ như mình tưởng. Mỗi lần Quỳnh đi Phật tử, ca hát chung với các bạn tôi cũng buồn, người con trai nào nắm tay nhảy múa tôi cũng xót xa. Có lẽ cô Hà cũng biết chúng tôi sắp xa nhau nên cô cũng dễ dãi với chúng tôi hơn. Có vài lần chúng tôi có thể đi chơi riêng với nhau như anh em...
(còn tiếp phần 4)
Hồ Sơ "Nhân Văn Giai Phẩm"
theo đài RFI, Pháp, Thụy Khuê soạn & đọc
(phần 3)
Hôm nay, trong chương trình cuối về NVGP, chúng tôi xin giới thiệu với quí vị vài nét phác hoạ về 3 nhà thơ: Trần Dần, Hoàng Cầm và Lê Đạt, 3 người trong nhóm tiên phong cuả phong trào hoạt động từ thời kỳ trong bộ đội và cũng là 3 tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất trong tập tài liệu lên án của nhà Sự Thật.
Trần Dần là 1 trường hợp đặc biệt quả cảm, bất phục tòng và đã chịu sự trù dập nặng nề nhất. Hăng say theo kháng chiến thời kỳ Điện Biên, Trần Dần viết: "người người lớp lớp". Năm 54 yêu một người con gái thuộc thành phần tiểu tư sản ở phố Sinh Từ, gia đình đã di cư vào Nam. Bất chấp sự ngăn cấm của đảng, Trần Dần vẫn kết hôn với người yêu. Đầu năm 1955 cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, Từ Phát chủ trương việc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và phản đối chính sách cai trị văn nghệ trong quân đội. Trần Dần bị kiểm thảo và bị bắt giam. Giai phẩm Mùa Xuân ra đời vào tháng 3 năm 1956 in bài Ông Bình Vôi của Lê Đạt, "Cái chổi quét rác rưởi" của Phùng Quán và bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần. Đây là bài trường ca tha thiết và u uẩn về số phận của đất nước và con người, nói lên cái hận chia đôi đất nước:
Trời vẫn quần muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ, khổ nhiều rồi
Nói đến cảnh đói rét thê thảm của quê hương, Trần Dần viết:
Trời mưa to lụt cả gian nhà,
Ôm tất cả che mưa cản gió,
Con chó mực nghe mưa là nó rú,
Tiếng nó lâu nay như khản em a
Và sự hoài nghi của con người trước tương lai:
Ôi xưa nay người vẫn thiếu tin người
Người vẫn thường kinh hoảng trước tương lai
Giai phẩm muà Xuân bị tịch thu, Trần Dần bị kiểm thảo nặng nề và bị bắt giam vào hoả lò Hà Nội. Trần Dần lấy dao cưá cổ tự vận nhưng không chết. Mấy tháng sau, đảng phát động phong trào sửa sai, Giai phẩm muà Thu và Nhân Văn số 1 ra đời, Phan Khôi viết bài Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ, binh vực Trần Dần. Trong Nhân Văn số 1, ngoài bức chân dung của Trần Dần do Nguyễn Sáng vẽ, với vết sẹo ở cổ, còn có bài viết tha thiết của Hoàng Cầm về con người Trần Dần. Đảng xét lại trường hợp của Trần Dần, Trần Dần được thả và hội Văn nghệ phải viết bài tự kiểm thảo đăng trên các báo. Đến cuối năm 57, báo Văn in bài Hãy Đi Mãi của Trần Dần, tính cách tranh đấu quyết liệt hơn:
Tôi có thể mặc thay ngàn tiếng chữi tục tằn
Trừ tiếng chữi sống không sáng tạo
Trong bài tự kiểm thảo, Trần Dần viết về hoạt động của mình: "những sáng tác của tôi đều là cái loại đả kích vào các chính sách của đảng cả. Nếu đọc cả một đống như thế, người ta sẽ cảm thấy sự lãnh đạo của đảng là một sự ngột ngạt không thể nào sống nổi. Người sáng tác phải có quyền và có gan như nhà viết sử thời xưa, vua chém đi 6 người đến người thứ 7 vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành chịu vậy. Riết, bây giơ lỡ nên làm xô đổ thôi tức là đả kích xen ca ngợi thì lãnh đạo cũng phải bằng lòng, tôi hay nói với anh em, vó phải kín mới được trước hở quá rồi, đấu tranh bộ đội, Giai phẩm muà Xuân, Nhân văn đều manh động cả, chỉ có chui vào sáng tác, tức là cái xác chủ dẫn nhất đánh cũng không chết."
Hoàng Cầm sinh năm 1921 tại làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hải Dương. Trước kháng chiến, Hoàng Cầm nổi tiếng trong văn đàn với 3 vở kịch thơ Viễn Khách, Kiều Loan và Lên Đường. Thời kỳ NVGP, cùng với Trần Dần và Lê Đạt, Hoàng Cầm là những cột trụ của tờ Nhân văn và Giai Phẩm, những sáng tác của ông trong thời kỳ này được in lại trong tài liệu của hội Báo chí có 2 bài là bài thơ "Em bé lên 6 tuổi" nói về hoàn cảnh đau thương của một em bé con điạ chủ, bố bị đấu tố, mẹ bỏ đi Nam: "Chị Đội bỗng lùi lại nhìn đưá bé mồ côi cố tìm vết thù địch, chỉ thấy một con người" và kịch thơ Tiếng Hát Trương Chi mươn hình ảnh tiếng hát để nói về nghệ thuật và khẳng định "không thể cưỡng bức được nghệ thuật". Bài Con Người của Trần Dần được George Boudarein dịch ra tiếng Pháp tập Trăm Hoa Đua Nở của ông.
Lê Đạt là người chủ trương đổi mới tư duy văn học, đổi mới thơ ngay từ thời kỳ NVGP. Chủ trương này được Tố Hữu gán cho biệt hiệu "cái thùng sắt Tây Lê Đạt" và Xuân Diệu viết bài "Những biến hoá của chủ nghiã cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt". Qua bài tự kiểm thảo, Lê Đạt xác nhận: "Tôi tham gia Nhân Văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm có 4 người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôị Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài Mậu Dịch, tôi góp ý, vẽ tranh 1 người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch. Nhân Văn bị đóng cưả nhưng tư tưởng Nhân văn, tư tưởng chống đối vẫn chưa hết. Sau một thời gian các báo ngớt đánh, tình hình trở lại bình thường, chúng tôi lại vẫn gặp nhau đả kích đảng, cho là độc đoán". Thơ Lê Đạt có những lời lẽ rất tiên tri:
Lịch sử muôn đời duyệt lại,
Không ai lừa được cuộc đời.
Khuôn mặt văn học tiêu biểu sau cùng mà chúng tôi gợi lại và tưởng niệm là Phan Khôi. Phan Khôi, bút hiệu Trương Dân, nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà báo, nhà biên khảo là một trong những cây bút tiên phong sắc và dạn nhất của văn học VN cùng thời với Bùi Kỳ, Trần Trọng Kim, Nguyễn văn Ngọc, Nguyễn văn Tố, Đào Duy Anh. Phan Khôi sinh năm 1887, tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1959. Phan Khôi là cháu ngoại Hoàng Diệu. Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghiã Thục và viết cho tạp chí Nam Cỗ Tùng Báo. Ít lâu sau, phong trào bị khủng bố, Phan Khôi trở lại Quảng Nam, hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với Huỳnh Thúc Kháng. Bị Pháp bắt, ông học tiếng Pháp trong tù. Năm 1914, ra tù, ông làm nghề viết báo.
Trong nửa thế kỷ từ Bắc chí Nam, ngọn bút sắc bén của Phan Khôi tung hoành trên các báo Nam Phong, rồi Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời báo, Thần Chung, Phụ Nữ Tân văn, Trung Lập, Thực nghiệp Dân báo, Hữu Thanh, Phụ Nữ Thời Đàm, Tràng An, Sông Hương. Tác phẩm đầu tiên của Phan Khôi là tập Nam Âm thi thoại, ra đời năm 1920 ở Hà Nộị Đến năm 1936, tái bản tại Huế và đổi tên là Trương Dân Thi Thoại. Bài thơ Tình Già của Phan Khôi đăng lần đầu tiên trên báo Phụ Nữ Tân Văn tháng 3 năm 32 được coi như bài thơ mở đường cho phong trào thơ mớị Là nhà Hán học, lý luận khúc chiết và đanh thép theo phương pháp Tây phương, những bài bút chiến của Phan Khôi với Hải Triều gây không khí sôi nổi trên văn đàn những năm 30. Khó có người nào xứng đáng hơn Phan Khôi về kiến thức cũng như về tài năng trong vai trò ngự sử văn đàn.
Trong thời kỳ NVGP, ông đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Nhân văn để bao che cho các cây bút trẻ. Trong bài Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ trong Giai Phẩm Mùa Thu tập 1 với tác phong Ngự sử Văn đàn, ông chỉ trích Trường Chinh ăn nói bừa bãi, chất vấn gắt gao Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi. Những người chủ chốt trong việc kết tội Trần Dần. Sau khi tách bạch 2 giai cấp Lãnh đạo văn nghệ và Quần chúng văn nghệ, Phan Khôi nhắm 3 tiêu đề:
Thứ nhất vấn đề tự do của văn nghệ sĩ, sau những dẫn chứng những trường hợp cụ thể về việc lãnh đạo nghiệt ngã bắt bẻ người viết phải theo đúng đường lối, Phan Khôi hỏi lãnh đạo: chính trị muốn đạt đến cái mục đích của nó thì cứ dùng khẩu hiệu, biểu ngữ thông tri chỉ thị không được hay sao mà phải cần dùng đến văn nghệ rồi ông cảnh cáo: "Lãnh đạo đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ.
Điểm thứ hai, về vụ Giai phẩm muà Xuân, Phan Khôi chất vấn ban chủ toạ hội Văn nghệ: "hỏi độc tội một Trần Dần thôi là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hoá những người trong Giai Phẩm, cái ngón ấy đã thành công. Tôi còn nhớ có vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ Người viết hoa, lấy lẽ rằng chữ Người viết hoa chỉ để xưng Hồ chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ Người không phải để xưng Hồ chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như ở trong chiêm bao, chiêm bao thấy mình đứng ở 1 sân rộng nọ, ông Lê Ngỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng: trong phép viết chỉ có chữ nào thuộc về Hoàng thượng mới phải đai, thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn dám xài những chữ không phải thuộc về Hoàng thượng. Nhân may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình đang ngồi trong phòng họp hội Văn nghệ"
Về vụ giải thưởng văn học năm 1954, 55, ba tác phẩm Mưa Sao của Xuân Diệu, Truyện Anh Lộc của Nguyễn Huy Tưởng và Nam bộ Mến Yêu của Hoài Thanh đều chiếm giảị Phan Khôi phê rằng đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu, và 3 ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong ban trung khảo. Nếu ở trong ban trung khảo mà thôi còn khá, thử điều tra lại hồ sơ, thì 3 ông còn ở trong ban sơ khảo nữa, sao lại có thể như thễ Trường thi phong kiến xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn sạch tiếng. Một người nào có con em đi thi thì người ấy có được cắt cử cũng phải hồi tị, không được chấm trường. Bây giờ, đến cả chính mình đi thi mà cũng không hồi tị, một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã liêm chính cả rồi, một lẽ là trắng trợn vì thấy mọi cái miệng đã bị vú lấp.
Chuyện Ông bình Vôi của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm Mùa Thu tập 1 ngẫu hứng từ bài thơ Ông Bình Vôi của Lê Đạt. Phan Khôi viết để bênh vực Lê Đạt, đồng thời nhạo báng lãnh tụ, gọi lãnh tụ là Ông Cọp, Ông Trưởng, Ông Đầu Rau, Ông Tre và Ông Bình Vôi và chế giễu 3 bài vị mà người dân thường phải để chân dung trong nhấ Trong bài Ông Năm Chuột, Phan Khôi gián tiếp đòi hỏi trả văn nghệ cho văn nghệ, chuyên môn cho chuyên môn, ông nhắn lãnh đạo qua lời của người thợ bạc rằng: "người ta cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dậy nghề làm thợ bạc cho tôi."
Theo bài viết của Đoàn Giỏi, đăng trên báo Văn nghệ số 15-8-58 thì tháng 12 năm 1957, Phan Khôi đưa đến nhà xuất bản hội Nhà văn 1 tập bản thảo dầy, bên ngoài đề 2 chữ Nắng chiều gồm nhiều bài bút ký, tạp văn, viết từ đầu kháng chiến Việt Bắc đến 1957. Đoàn Giỏi trích đoạn những bài viết của Phan Khôi cố ý đả phá, đồng thời cho độc giả biết những nét đại cương của tác phẩm. Ngay trong 2 bài đầu tựa đề Cầm Vịt và Tiếng Chim, Phan Khôi đã khẳng định: "xã hội không có đấu tranh giai cấp, của ai người nấy ăn. Vấn đề tranh đấu giai cấp chỉ là kiểu rình phần của kẻ khác. Về bài viết Cây Cộng Sản, Đoàn Giỏi tự hỏi, tại sao Phan Khôi lại đem cây cứt lợn cũng gọi là cây chó đẻ và bọ xít toàn những tên không nhã tí nào hết để gọi nó là cây Cộng sản và cỏ cụ Hồ. Đến bài giới thiệu Nguyễn Trường Tộ, Phan Khôi viết: "Vua thì như thế, còn đám quan liêu từ triều đình đến các tỉnh phần nhiều là hủ nho, đám sĩ phu ở dân gian càng đông hơn, cũng đều là hủ nho, dưới vua, hai hạng người này nắm quyền lợi một nước trong tay họ, họ cấu kết với nhau để giữ lấy quyền lợi thì còn ai mà làm gì được. Đoàn Giỏi bị kiểm thảo về tội "vờ đả kích Phan Khôi để công bố những nét đại cương của 1 tác phẩm bị cấm. Bản thảo tập Nắng chiều hiện nay ở đâu, còn hay mất, đó là công việc của những nhà sưu tầm và nghiên cứu văn bản học, trách nhiệm trước hết với Phan Khôi và sau nữa với văn học VN.
oOo
Phong trào NVGP là một cuộc tranh đấu lớn lao của trí thức và văn nghệ sĩ nhằm mục đích dân chủ hoá và canh tân đất nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, pháp luật, xã hội, văn hoá và tư tưởng. Chính quyền miền Bắc đã dập tắt phong trào, chính quyền miền Nam đã lợi dụng phong trào để làm vũ khí tuyên truyền chống cộng, và đất nước đã rơi vào hoàn cảnh xáo trộn, chiến tranh, lạc hậu và chuyên chính trong gần nửa thế kỷ quạ Trở lại hồ sơ NVGP, tìm lại những văn bản đã bị tịch thu, đã bị thất lạc là trách nhiệm của người làm văn học nghệ thuật. Trách nhiệm đối với dĩ vãng và để rút tỉa bài học cho hiện tại và tương lai.
- HẾT -