vhnt, số 182
6 May 1996
Trong số này:
thư vhnt..................................................................PCL
T h ơ :
1 - Thơ Trẻ Sài Gòn: Nguyễn T Dũng p/t
- Chiều nước rong .......................................Minh Trường
- Ngày ..........................................Nguyễn Văn Tiến Hùng
- Lá cỏ ....................................................Lê Hoàng Anh
- Lừa tôi cái áo .............................................Vũ Huế
2 - Miên viễn .......................................................lephan
3 - Long distance .....................................................Ian Bui
D i ễ n Ð à n V ă n H ọ c :
4 - Phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy ................................PCL/vhnt
5 - Tác giả & Tác Phẩm: Vũ Hoàng Chương .................Phạm Thanh
T r u y ệ n N g ắ n / T ù y B ú t / S án g T ác :
6 - Cõi thơ .........................................................CỏMay
7 - Hạnh phúc trong lòng con ốc nhỏ ............................Lâm Hy
8 - Những con sóng .....................................Nguyễn Thị N. D.
"Cái đọc, nhu cầu tâm lý biến hình đổi dạng..."
Ðộng lực thúc đẩy người đọc tìm đến với những sáng tác văn chương là một động lực để đáp ứng nhu cầu tâm lý, mà mọi người đọc, trong những khoảnh khắc riêng biệt và đầy xúc cảm, cùng chia sẻ với nhau qua sự cảm nhận từ các sáng tác văn chương. Những nhu cầu tinh thần này tùy thuộc từng người đọc, do ở sự cảm nhận, cái nhìn, quan niệm, học vấn, trình độ thưởng thức, và kinh nghiệm đọc. Sự cảm nhận hay chiều hướng "đọc" của độc giả, tuy nhiên cũng còn tiềm ẩn trong từng người, ngoài các điều kiện trên. Ở lòng mỗi người có một chốn riêng tư, phạm trù riêng tư đó thay đổi qua từng giai đoạn đời sống, và chiều hướng thưởng thức cũng theo đó mà đổi theo cho phù hợp với giai đoạn cuộc đời. Ngày mới lớn, có thể người ta yêu những điều mơ mộng dễ thương, đến lúc trưởng thành lại thích những điều sâu sắc gợi suy nghĩ. Những cuốn sách rất "hợp" sở thích ở một tuổi nào, nay trở nên vô vị nhạt nhẽo, chẳng đem lại chút rung cảm, xúc động nào khi đọc lại.
Nhu cầu đọc là để khỏa lấp trong ta một nỗi trống vắng vô hình, điều trống vắng ấy cũng tùy thuộc vào tâm trạng tâm sinh lý của người. Một giáo sư văn khoa giảng dạy lớp Anh văn, ban ngày toàn giảng những Shakespeare và Melville, nhưng buổi tối về nhà, nhà mô phạm lại tìm đọc các truyện trinh thám rẻ tiền hay thích thú với những pha gay cấn của điệp viên 007, hay mê những nhân vật của John Le Carre. Chẳng có gì lạ lùng khi sở thích của ta đổi từng lúc, từng ngày, như phản xạ của mưa nắng thời tiết tâm trạng nhất thời. Ðọc là sự thôi thúc khoả lấp và để tìm kiếm nỗi trống vắng mông lung.
Có dăm bảy lý do cho hoạt động tinh thần này, đọc để đi trốn thực tại, đọc để tìm hiểu, đọc để đối diện với những cảm nghiệm trong quá khứ, để tìm đồng cảm về một cố sự nào đó xảy ra trong đời, và đọc để cảm nghiệm về cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Cái đẹp lúc nào cũng nằm đó, hay là ở chỗ người đọc tìm ra được cái đẹp, cho riêng mình, trong lúc này, và mãi mãi.
thân ái,
PCL/vhnt
Chiều Nước Rong
Rơi rồi một chiếc tàu cau
Tháng chạp đầy trời gió nổi
Lơ ngơ tôi đánh rơi mình
Chảy qua làng xưa lối nhỏ
Lững lờ manh áo rơi trôi
Ký ức mấp mô gò mối
Ðốt kiến, ngoại ngồi hun khói
Rền rền giọng nước trẻ con
Môi trầu ngoại đỏ như son
Mấy mùa lạc chân xứ lạ
Quên về thăm lại bến sông
Chợt nghe chiều ngập nước rong.
Minh Trường
(ÐH Luật TP. HCM)
oOo
Ngày
Ta có nụ hồng đời cho tối qua
Sáng
Ban mai kéo bung khe vách
Phun lửa đốt từng giấc mơ
Ta thức- đỏ rực cả ngày
Nụ hồng thức trong lồng kính
Tóc trời dư dứ ngang qua
Khung cửa
Áo loè dạng trắng
Người trời hội trên ngày ta
Bao thuốc vung góc xó
Gạt tàn há chờ khổ tâm
Kẽ ván nhìn luồn cõi đất
Hương càn khôn mở khép
Ta ngồi
Ngày cùng bay lan qua tối
Cám ơn người ạ
Nụ hồng
Nguyễn Văn Tiến Hùng
oOo
Lá Cỏ
Xin gửi niềm thương xanh trên cỏ
Ðông về líu ríu vẫn đợi chờ
Gom hơi ấm trong từng hạt đất
Giữ mầm nhỏ đỡ giọt sương bơ vơ
Xin gửi nỗi buồn xanh trên cỏ
Gò đất khô, mặt trời cháy đỏ
Chút hơi tàn vẫn đợi xuân sang
Ðêm nghe mạch đất sâu vẫn khẽ khàng
Những lời ru đọng xanh trên lá cỏ
Tim ngân reo, run khẽ làn môi
Như ngọn cỏ run chiều sương nặng hạt
Khi giọt thu trầm rơi vẫn chỉ biết xanh thôi
Em gửi tình yêu trong lá lá
Lá cỏ thôi giăng mắc mọi góc trời
Lá cỏ thôi cho đất hương ngào ngạt
Vẫn bốn mùa âm ỉ khôn nguôi
Và gửi diệu kỳ thơm hương lá cỏ
Chỉ khi nào nắm lại trong tay
Chỉ khi nào được âp trong hơi ấm
Cỏ mật hương mới lên hương dịu dàng
Phút ngỏ lời yêu trao thầm xốn xang
Lê Hoàng Anh
oOo
Lừa Tôi Cái Áo
Cái ao bèo tấm ken dày
Màu xanh như lá mẹ cài đan ngang
Biết gì dưới đó mà trông
Có gai hay mảnh sành cong chưa chừng
Nông, sâu ai biết tận cùng
Có khi gang tấc còn không đủ kìa
Thế nhưng khổ đến nhường kia
"Lừa tôi" cái áo-bèo-che mặt hồ
Vũ Huế
(Ðồng Nai - 2/1996)
(TT 12/03/1996)
Miên Viễn
Vạt nắng còn loang lổ trở mùa
chạy trên đồi cỏ
Mãi mãi loài ngựa hoang ở những chân trời
Cương vó đôi mươi
Dẫm cuồng si xuống một thảo nguyên tàn úa
Vầng trăng vàng muôn thưở
Nhưng con suối vốn chẳng thề hẹn những thanh xuân
Cho khát khao chiếc lá bay âm thầm
Qua lối mòn thổ mộ
Ðể lại đá sỏi in hằn
Những vết chân của một thời muông thú
Ðến sau về trước xanh ngát ở bên kia
Còn hăm hở cuộc đua ngày cũ
Rừng khuya bóng ngả nghiêng
Gối mỏi hồn du tử
Quay mặt nghe trong chiếc bóng
Một tiếng cười riêng chấn động men ngàn
Hỏi rằng
Ðã chẳng nề chi vạn dặm mưa giăng
Mà sao đôi khi vẫn buốt trên lưng
Một giọt sương rơi
Miên viễn ...
lephan
long-distance
on
finger fluff of
may
these my feet gay
bare soar from run
licking wind
with tongue
in heat and ironed
sweat
yes, there always
those aching climbs
over long
orgasmic hills
heaved from raw your
breasts and
bloody juice
take
to will power it
through
96'5
ianb
Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Phạm Duy
Nhóm VHNT-Liên Mạng thực hiện
VHNT: Xin nhạc sĩ Phạm Duy cho biết sơ qua về tiểu sử và quá trình sáng tác của ông.
PHẠM DUY: Tôi là một người hát rong, trong suốt 50 năm qua, nuôi lý tưởng muốn dâng trọn đời mình cho dân tộc Việt Nam, có may mắn được đặt chân ở rất nhiều nơi trong và ngoài nước, nhất là có cơ hội được làm công việc điều hợp xã hội và con ngưỡi bằng tiếng hát nhỏ nhoi của mình. Khởi sự từ những đoản khúc đơn điệu hợp với cảm quan của quần chúng trong nước, tôi tiến qua giai đoạn nhạc đa điệu từ khi xuất ngoại và có sự giúp đỡ của người con thứ Duy Cường.
VHNT: Nhạc sĩ Phạm Duy là nhạc sĩ VN đã đi qua nhiều giai đoạn nhất trong hành trình sáng tác của mình: ông đi từ "Thanh Niên Ca" của những ngày toàn quốc kháng chiến, qua "Nhạc Tình giữa muà kháng chiến 45", đ ến "Dân Ca Phát Triển", đến "Tâm Ca", "Tâm Phẫn ca", "Du Ca", đến "Tình Ca Một Mình", rồi "Tình Ca Ðôi Lứa", "Thương Ca Chiến Trường", "Tâm Ca", "Tục Ca", "Nữ Ca", "Tị Nạn Ca" và các "Trường Ca". Trong nhiều giai đoạn sáng tác như vậy từ những ngày đầu viết nhạc đến nay, nhạc sĩ có đặc biệt thích một giai đoạn nào nhất không? Hay hỏi một cách khác, có một giai đoạn nào trong hành trình sáng tác làm nhạc sĩ Phạm Duy hài lòng hơn cả? Nếu có, đó là giai đọan nào? Loại nhạc nào là nhạc Phạm Duy tiêu biểu?
PHẠM DUY: Tôi thường bối rối khi bị phỏng vấn như trên. Thật ra, tôi thương tất cả các loại ca mà tôi đã soạn ra. Không có loại ca nào, trong giai đoạn nào mà không đáp ứng cảm quan của quần chúng VN trong giai đoạn đó. Chỉ có một điều cần nói là làm xong loại ca nào thì tôi quên nó ngay. Tới khi có cơ hội được nghe lại tôi thường thấy lòng mình rưng rưng như muốn khóc.
VHNT: Sự liên hệ giữa ông và Văn Cao cùng những nghệ sĩ cùng thời với ông hiện ở lại VN như thế nào? Ông có phân chia ranh giới giữa quan niệm chính trị và nghệ thuật?
PHẠM DUY: Tôi rất không ưa chính trị và mỗi khi nhớ tới những bạn bè cũ, tôi thường nguyền rủa những kẻ làm chính trị, chúng nó là những con quỷ, con ma, chia rẽ đồng bào nói chung, chia rẽ các văn nghệ sĩ nói riêng. Giữa tôi và Văn Cao hay những bạn văn khác - dù chúng tôi có thể không cùng một quan niệm sống -- chỉ có tình tương thân, tương ái. Không có cả sự đố kỵ về nghề nghiệp.
VHNT: Năm 1970, hình như ông bắt đầu dùng hoà âm lối Tây Phương để phổ vào nhạc mình, điển hình là bài "Mùa Thu Chết", lấy ý thơ Apollinaire, dùng những hợp âm lạ và phong phú. Xin Phạm Duy cho biết sự ảnh hưởng nhạc Tây Phương với nhạc Phạm Duy thế nào?
PHẠM DUY: Nếu phải vẽ một biểu đồ của bất cứ một nhạc sĩ Việt Nam nào, mà sự nghiệp là một cái cây với nhiều cành hoa lá, thì cái rễ nào cũng phải là rút từ hai gốc - một gốc là văn hóa dân tộc, một gốc là văn hoá nhân loại. Trong trường hợp tôi, gốc dân tộc gíúp tôi soạn ra muôn nghìn nét nhạc ngũ cung Việt Nam, gốc nhân loại tức là âm nhạc Âu Tây giúp tôi tiếp thu môn hoà âm, hoà điệu là kỹ thuật mà nhạc cổ truyền Việt Nam không có. Lúc tôi soạn MÙA THU CHẾT, nhạc rock Hoa Kỳ giúp tôi đặt accords tối tân hơn lúc trước. Nghe MƯỜI BÀI ÐẠO CA mà coi, lúc đó đã manh nha sự chuyển hướng về mầu sắc trong nhạc Phạm Duy.
VHNT: Nhắc đến Phạm Duy mà không nhắc đến Thái Thanh là một điều thiếu xót. Phải chăng nhạc ông chỉ được thăng hoa bởi giọng ca Thái Thanh hoặc ngược lại, giống như trường hợp Trịnh Công Sơn và Khánh Ly?
PHẠM DUY: Thái Thanh là người đem nhạc Phạm Duy tới chỗ tuyệt vời. Sau nàng, Duy Quang, Thái Hiền là những người con có bổn phận nâng đỡ nhạc bố một cách tận tụy. Nhiều ca sĩ khác cũng đóng góp vào việc đẩy nhạc Phạm Duy lên cao. Tôi biết ơn tất cả.
VHNT: Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ (hoà âm Duy Cường, giọng hát: Vũ Anh và Kim Tước) của ông rất buồn và mệt nhọc, phải chăng đó là tâm trạng xa xứ của ông?
PHẠM DUY: Tôi bỏ 15 năm để soạn ra bài BẦY CHIM BỎ XỨ. Làm sao mà không mệt nhọc hở ông bà??? Phải thổ huyết ra, phải cấu cổ chết, ông bà bảo là buồn thì đúng là buồn thấy mồ!!! Tuy nhiên cho moa được tâm sự. Phần đầu của tổ khúc là cơn ác mộng, phần sau của nó là giấc mơ hồng, giấc mơ đàn chim ở trong và ngoài nước có thể cùng nhau làm lại mùa Xuân VN trên quê hương yêu quý.
VHNT: Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong đời nghệ sỹ của ông?
PHẠM DUY: Tôi có quá nhiều kỷ niệm nên không thể nói hết ra đây hôm nay. Thôi để mời mọi người đọc HỒI KÝ vậy.
VHNT: Xin nhạc sĩ Phạm Duy cho biết thời gian biểu một ngày làm việc của ông hiện nay?
PHẠM DUY: Tôi không có lịch làm việc nhất dịnh. Có khá nhiều ngày chỉ nằm coi Tivi. Có ngày làm việc từ sáng tới đêm, quên ăn quên ngủ. Nhưng ngày nào cũng đi tập thể dục vào 5 giờ 30 sáng. Bởi vì tôi muốn sống khoẻ mạnh để sẽ có ngày trở về quê hương, không cần chống gậy hay ai dắt đi...
VHNT: Những năm gần đây, người ta thấy có rất nhiều "Boxed Sets" nhạc được tung rạ Những boxed sets này trung bình có từ 3 CDs đến 6 CDs, khoảng 60 - 120 bài hát của một ca sĩ, group/band nào đó đã thành danh. Trong tương lai, nhạc sĩ PD có dự định ra một album tưo +ng tự, một "hộp nhạc PD" hay, nếu ít hơn, một "Phạm Duy Anthology"? Ra CDs dưới dạng boxed set hay anthology này chắc chắn sẽ giúp thính giả , những nhà nghiên cứu nhạc VN , hay những kẻ hậu sinh muốn nghe một lần tất cả những nhạc phẩm tiêu biểu của PD . Về số lượng và chất lượng, chắc chắc nhạc PD có dư để ra 5 "deluxe sets" ....
PHẠM DUY: Tôi là người Việt Nam đầu tiên tung ra những Compact Disc single hay double. Hiện nay, tôi có 10 selections gồm khoảng 100 ca khúc, ai là người muốn mua MASTER thì tôi sẵn sàng bán ngay để có vốn làm th êm 10 hay 20 selections khác.
VHNT: Những dự định tương lai của ông trong việc phát triển những công trình sáng tác của ông trên mạng internet, bằng phương tiện multimedia như video, soundclips... Về chương trình truyền bá hành trình nhạc Phạm Duy cho quần chúng, ông sẽ truyền bá bằng cách nào, và ông có nhắm tới một nhóm đặc biệt nào khi ông có ý định truyền lại nguồn tài liệu quí giá và phong phú đó?
PHẠM DUY: Tôi rất khổ tâm vì đáng lẽ ra phải có một tổ chức tư nhân hay chính quyền đứng ra làm công việc bảo tồn (conservatoire = conserver) mọi di sản văn nghệ văn hoá trong đó có nhạc của tôi. Hiện nay, tôi đang chắp tay khấn Trời, khấn Phật cho gặp một người hay một nhóm người để giúp tôi phổ biến bằng mọi hì nh thức chút gia tài văn nghệ - tôi nghĩ rằng - có thể phản ảnh trung thực lịch sử VN trong nửa thế kỷ qua. Lẹ lên, đừng đợi tôi xuống lỗ rồi mới tới, hỡi Mister Mạnh Thường Quân.
VHNT: Nhạc sĩ có lời nhắn đặc biệt nào với thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại hay nội địa?
PHẠM DUY: Tôi mong mỏi tuổi trẻ ở trong hay ngoài nước giữ được tiếng hát VN mà thế hệ tôi, tiếp tục sứ mệnh của những ca nhân thời trước, đã luôn luôn làm đẹp cho quê hương, đất nước, con ngưỡi và xã hội, dù đã phải chịu biết bao nhiêu khốn khó, tủi nhục để cất lên tiếng hát giống nòi. Ai ở trên đời mà chẳng muốn được người đời nhớ mãi? Chúng tôi còn sống được là nhờ ở các em đó.
VHNT: Xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã trả lời những câu hỏi của nhóm Văn Học Nghệ Thuật liên mạng.
PCL
thực hiện, tháng 4, 1996
Vũ Hoàng Chương
Thi-sĩ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 ở Nam-định (Bắc-việt).
Xuất thân trong một gia-đình Nho-giáo, Vũ Hoàng Chương học chữ Pháp có bằng tú-tài Tây. Thi-sĩ theo học trường Luật, nhưng lại bỏ để làm phó tranh-tra sở Hỏa-Xa miền Bắc. Ðược hơn một năm, Vũ Hoàng Chương lại nghỉ việc. Thi-sĩ bước sang nghề dạy học một độ, rồi theo học ban cử-nhân toán-học. Sau đó Thi-sĩ lại thôi và lại trở nên một nhà giáo.
Vũ Hoàng Chương bước chân vào làng thơ rất sớm và đã từng viết cho nhiều tờ báo xuất-bản ở Hà-nội.
Thi-phẩm của Vũ Hoàng Chương được nội tiếng nhất là tập Thơ Say xuất-bản năm 1940. Kế đó, từ năm 1943 đến năm 1954, sau khi di-cư vào Sài-gòn, nhà thơ họ Vũ đã cho ra đời thêm mấy tập thơ nữa là: Mây (1943), Rừng Phong (1954); một tập kịch thơ Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp (1944).
Thi-sĩ Vũ Hoàng Chương hiện nay chuyên sống về nghề dạy học ở nhiều trường tư-thục. Còn về sự-nghiệp thơ, Thi-sĩ vẫn say-sưa sáng-tác và sẽ cho ra mắt bạn đọc tập thơ Hàm Ca và ba bản kịch thơ: Tâm Sự Kẻ Sang Tần, Thằng Cuội, Cô Gái Ma...
Phạm Thanh
Trích Việt Nam Thi Nhân Hiện Ðại của Phạm Thanh
oOo
Ba Chữ Mê Hoặc 1
Kèm cho cả nhà học
Ðã có thày giáo riêng.
Anh qua lại khuya sớm
Chỉ vì: "Anh yêu em."
Nhà đông người vui nhộn
Chẳng ai còn nhớ ra
Nơi này anh có mặt
Vì đâu? Từ bao giờ?
Em là gái lớn nhất
Mà chưa lớn bao nhiêu
Cậu mợ so đôi tuổi
Thì anh hơn em nhiều
Một Tết, hai, ba Tết,
Thời gian như rượu say
Tình yêu như mật ngọt
Thấm bao giờ không hay...
Bài toán khó, em hỏi,
Trêu cợt, anh lắc đầu:
"Em hỏi thày giáo chứ;
Anh biết làm toán đâu!"
Em giận không cười nữa:
"Thôi thế anh về đi!"
- "Trời! anh về sao được,
Bên ngoài đêm đã khuya!"
"Ờ nhỉ!" em hốt hoảng
Trông ra phía hàng hiên...
Mây trời như nín thở,
Trăng hạ tuần vừa lên.
Bên này phía bàn học
Anh không nhìn thấy trăng
Nhưng mắt em vời vợi
Chứa cả mấy cung Hằng.
Thẫn thờ anh đứng dậy
Ðến gần em, dỗ dành.
Hiểu ý người trong cuộc
Mây ngoài trời bay nhanh.
Trăng vơi mà vẫn tỏ,
Giận nhau càng yêu thêm.
Run rẩy, anh ngâm khẽ
Rằng: Hăm-mốt nửa đêm!
Chuông đồng hồ phụ họa
Thành bản nhạc Tình-si.
Hai đứa lại ngồi học
Nay mai rồi sắp thi.
Chẳng bài toán nào khó
Hơn bài toán đôi ta:
Nhân lên hay cộng lại
Cho đêm dài mãi ra?
Sao không đêm bất tận?
Ðể anh ngồi luôn đây
Nhìn em và vuốt tóc
Chờ môi dâng rượu đầy!
Anh đặt lại con số
Em vẽ lại góc vuông...
"Xong rồi!" Anh ném bút,
Cười vui như điên cuồng.
"Này nhé, anh hăm-mốt;
Em cũng tròn mười lăm.
Chỉ có mỗi một cách:
Từ đây duyên trăm năm."
Ba Chữ Mê Hoặc 2
"Trăm năm!" em hỏi lại;
"Ðêm dài đến thế sao?"
Ðồng hồ điểm hai tiếng
Giữa hai bàn tay trao...
Giòng đời rót hạnh phúc,
Bao nhiêu đêm ngồi kề
Bấy nhiêu vòng khăng khít
Buộc đôi hồn si mê.
Rất nhiều sớm chủ nhật
Anh xuống phố lang thang
Rồi đến chiều, đến tối
Cũng không về "rừng hoang".
Ôi, khu rừng Bách-thảo,
Quán trọ đời thư sinh,
Hươu nai hoa cỏ đẹp
Nhưng bằng đâu Quê Tình!
Những trưa hè nóng bức
Cả nhà đều ngủ yên
Phòng học mênh mang quá,
Chỉ còn anh với em.
Những chiều đông rét mướt
Cả nhà ngồi vây quanh
Bàn ăn khói nghi ngút,
Gần em vẫn có anh.
Những tối đi coi hát
Cải-lương từ Nam ra,
Hẹn hò nhau hai đứa
Cùng đi với cả nhấ
Hà-nội sân khấu lớn
Tuồng diễn "Bàng-quý-phi".
Bao giọt lệ đa cảm,
Lòng xuân tuổi dậy thì!
Hết lời anh khuyên giải
Em vẫn chẳng nguôi cho
Từ đây em hờn giận
Nhiều hơn, làm anh lo.
Nhưng anh rất tin tưởng
Nơi tình yêu nhiệm mầu.
Lòng em càng lắng xuống
Hình anh càng khắc sâu!
Gánh hát dời xứ Bắc
Cơn khủng hoảng tan dần
Chỉ còn một thiếu nữ
Yêu anh chàng thi nhân!
Coi chàng hơn bạn thiết
Coi chàng hơn anh trai
Từ lúc còn thơ ấu
Thoắt đã bốn năm rồi.
Chàng vẫn như chiếc bóng
Qua lại bước êm ru.
Thịt da nào gợn sóng
Vang dội tên: Kiều-Thu!
Kiều-Thu ơi, thơ viết
Trăm ngàn vần cho em
Cũng chỉ là tiếng đập
Từ sâu thẳm trái tim.
Cho đến ngày Tận-thế
Tình ta như Buổi-đầu
"Anh yêu em" ba chữ
Cùng trời đất dài lâu.
Hà Nội 1938
Em Chỉ Là Mây
Lờ lững sông Seine mắt mở choàng
Nhìn theo muôn mảnh nguyệt đi hoang
Bỗng dưng tròn bóng... Ôi ngàn thuở
Vân-Muội tình si đã gặp Hoàng!
Sao anh ngơ ngác? Lạ lùng chưa!
Em vẫn là mây tự kiếp xưa.
Trời xám Paris thu nặng trĩu
Lênh đênh sầu biết mấy cho vừa?
Chợt gió thay chiều, sao đổi ngôi,
Em ca: Xin bước xuống thuyền tôi!
Tiếng ngân dài ấy nghe quen lắm;
Khoảnh khắc tiền thân tỉnh lại rồi.
Cầu Neuf đằng xa buông thõng chân
Vào sông Seine, lắng tiếng vàng ngân.
"Khoan hò..." Giọng hát buồn thê thiết;
Ai nhớ nhung gì, Vân hỡi Vân?
Em bảo: Rồi trăng lặn một mình
Thì mây lại nối kiếp phiêu linh.
Chỉ thương bờ đá còn ghi dấu,
Mà đá-thuyền-quyên vốn nặng tình.
Thạch-đầu ngơ ngẩn bóng mây trôi
Thiết-tháp hờn trăng lạnh lẽo ngồi.
Anh ạ, Paris toàn sắt đá;
Lòng đau, Sắt nọ Ðá này thôi!
Anh hiểu! Vàng thu sẽ dậy men
Lá rơi vàng kín mặt sông Seine.
Hồn anh sẽ đọng dài trên lá
Ðể giúp em màu đan áo "len".
Vân nhớ Hoàng chăng giữa phút này
Cánh phi cơ lướt cánh đồng mây?
Nhớ Vân, Hoàng chỉ còn hư ảnh
Ðôi bạn tung trời sát cánh bay.
Rome 1959
Vũ Hoàng Chương
Cõi Thơ
Mùa xuân. Không nắng ấm, không chim hót, không hoa vàng. Mùa xuân nơi này rét buốt, sương mù, mưa gío phôi pha . Không ai gieo chút mầm cho cỏ, không ai thắp chút lá cho câỵ Mây mù giăng giăng cõi nhớ cho hồn ta lưu đày vùng qúa khứ mù khơi.
Mùa xuân rủ tôi đi lang thang. Ði đâu? Ði theo lối chu du của Khổng Tử chăng? Ði theo lối ngồi yên thiền định dưới gốc bồ đề của Như Lai chăng? Ði theo lối bạo tàn quên lãng của thời gian chăng? Hay là đi theo lối đi vào cõi thơ của Bùi Giáng?
Tôi đã chọn lối đi của họ Bùi - Ði vào cõi thơ.
Cuộc sống quay cuồng ngày thường làm cho con người điên đảo. Con người sống thật nhất là lúc họ lui về với chính mình, lui về để thở than.
Ðời sống là tiếng nói của chia xa, phôi pha và quên lãng. Mỗi quên lãng là một hủy diệt, ai đó đã nói. Ðời sống có những lý lẽ riêng của nó mà tôi không bao giờ có thể hiểu được. Ðó là những lý lẽ luôn làm tôi đau muốn đứt làm đôi, đau đến nước mắt không còn chảy ra ngoài được, đau đến vỡ ngực nhưng khi lên đến môi thì chỉ hiện ra là một nụ cười buồn.
Ðó là đời sống. Còn thơ? Thơ là gì nếu không là mặt trái của đời sống, mặt trái của cuộc đời ô trọc này?
Hãy đi ngao du trong thơ ca, hãy tự đánh mất mình trong cuộc lữ. Hãy đi xa để tìm về, hãy mở ra và đừng khép lại một chân trời say mê - Say với những dòng chữ huyền hoặc.
Sông ơi em bỏ sa mù
Ði thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau *
hay là
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù *
Trong cõi thơ, vòng qũy đạo chật hẹp của đời sống thường nhật bị phá tan nhường lối cho cõi lồng lộng của bầu trời, của trăng sao, của núi, gío và biển.
Trong thời đại của đêm tối cõi đời, cái vực sâu không đáy kia của cõi đời phải được thể nghiệm và được kiện tận miên bạc bình sinh. Mà muốn vậy, thì điều cần thiết là phải có vài kẻ đạt tới cái chỗ cùng tận của đáy vực sâu không đáy **
Những thi sĩ lớn là người đã đạt tới cái "đáy vực" ấy. Thắp một ngọn nến, lần mở một tập thơ là ta đang lần theo dấu chân tác gỉa để đi vào vực thẳm tư tưởng của họ.
Và vì thế, tôi đã chọn lối đi vào cõi thơ để tìm lại chút màu xanh của lá, chút ấm nồng của xuân cho tâm tưởng của mình.
Cỏ May
9 Avril 1996
* Bùi Giáng
** M. Heidegger, Wozu Dichter
Một Chút Hạnh Phúc Trong Lòng Những Con Ốc Nhỏ
Vừa bước vào lớp học thì tôi bất chợt nhìn thấy một lá thư nằm chình ình trên bàn trước mặt. Nhặt lá thư lên, tôi cảm thấy lo lo vì tôi biết đây là lá thư của ông thầy dạy học ở trường Mỹ. Không biết có chuyện gì bị ông phàn nàn nữa rồi đây! Cầm bao thư tay tôi run run và tim tôi đập mạnh. Tôi kéo lá thư ra rồi bắt đầu đọc. Ðọc đi đọc lại hai ba lần mà tôi không kèm được nỗi lo, giận, và buồn thiu.
9:00 giờ sáng, một vài học sinh bước vào lớp nhưng chưa chịu vào ghế ngồi hẳn mà cứ đi lảo rảo từ gốc này qua gốc nọ không biết đang tìm kiếm những gì.
"Lợi, làm gì đó? Mở hộc tủ của nhà trường làm gị" tôi gắt.
"Em coi thôi mà."
"Coi! Thầy đã nói, không được đụng tới đồ của nhà trường Mỹ."
"Dạ," Lợi nói, rồi bắt đầu đi qua học tủ kế bên nhìn chăm chăm vào một chồng sách hoạt họa comics.
"Làm gì nữa đó?" tôi hỏi.
"Em có làm gì đâu. Em coi thôi mà."
"Chào thầy," Sang vừa nói vừa quăng cái cặp da lên bàn.
Lợi đi đâu mất. Chỗ của Lợi đứng hồi nãy đã có Sang thay thế.
"Sang. Em làm gì đó?" tôi hỏi.
"Huh? Oh, uh, nothing."
"Cắt cái gì đó?"
"Em, em, đâu có gì. Em, em cắt dây chì."
"Trời ơi! Ðồ dùng để cắt giấy mà em cắt dây chì sao được."
"Em bẻ hông gẫy."
Sang bỏ đi.
"Chào thầy! What's up?" Yến nói.
Vài em học sinh nữa bước nhanh vào lớp, thẩy ba lô lên bàn rồi bắt đầu đi vòng qua vòng lại nói chuyện. Sang và Công để ba lô trên bàn rồi đi đâu mất.
"Tất cả ngồi vào ghế!" tôi la lớn.
"Uh oh, he's mad again. What did we do?" một em nào đó nói.
9:10, Các em vào đông đủ. Tôi là người thầy thứ 3 của lớp 1B được thay vào.
"Yên lặng giùm thầy!" tôi nói.
Các em im lặng nhưng tay chân vẫn còn cựa quậy và con mắt thì cứ liếc lia liếc lịa xung quanh chỗ ngồi.
"Ai là lớp trưởng?" tôi nói.
"It's her," Lợi liền trả lời, tay thì chỉ về phía trước.
"Yến, em lên đây."
"Oh uh."
"Không sao đâu. Thầy nhờ em đọc giùm thầy một lá thư."
"What is it?" Yến nói.
"Ðây là lá thư của thầy giáo người Mỹ của phòng này. Các em hãy lắng nghe Yến đọc xong thì các em sẽ hiểu ngay."
Yến bắt đầu đọc:
January 25, 1996
Dear Saturday School Teacher:
I am very disappointed. You are using my classroom which includes my personal supplies and materials...
"Ðọc chậm chậm. Ðọc chi nhanh giữ vậy?" tôi nói.
"I'll read it over again," Yến nói, rồi bắt đầu đọc lại:
Dear Saturday School Teacher:
I am very disappointed. You are using my classroom which includes my personal supplies and materials... In the envelope attached is a puzzle piece, an item I picked up off the floor Monday morning. In addition I picked up candy wrappers, pieces of chalk, post-it notes, scraps of paper and colored markers and pencils. There is no reason why you and/or your students should be going through the closets and drawers which contain these items. However, if you do borrow games and supplies, please have the courtesy to return things to their proper places. I even had to erase student writing (not educational) from my boards.
It is also evident that my frogs are being played with and fed by you or your students. On Wednesday one of my frogs died. Animals are very sensitive and you should know not to allow students to disturb them. They are not yours.
I am happy to share my room in order to enhance the learning of children. However, I do not appreciate the disrespect you have shown.
Please leave the room as you find it.
Sincerely,
"Rồi, đủ rồi," tôi cắt ngang.
Yến ngừng đọc, tôi thấy có một vài em gái thè lưỡi ngó các em trai, còn các em trai thì cười ra vẻ bí mật lắm!
"Ê, eh, thầy Hy. I know who killed the frog," Sang nói.
"Someone fed it with a cockroach."
"Thầy không muốn biết ai đã làm chết con nhái," tôi nói, rồi khựng lại trong sửng sốt. "Hâ a, a, a cock-r-r- roach?!!! Trời ơi! Cờ cờ con gián ha?! Thầy muốn tự em đó phải biết lỗi của mình mà sửa đổi. Các em có biết đây là lớp học mình mướn. Ðồ đạc trong lớp không phải của mình thì mình... Nè! Công và Lợi, không được nói chuyện ồn ào!"
"I didn't kill the frog," Ðức nói, miệng méo lại có vẻ như là bị oan.
"Nói tiếng Việt," tôi nói.
"À ờ, con hông có làm đâu á."
"Ai nói em làm đâu?"
"I know who! Can I tell? Thầy Hy?" Sang nói.
"Vào học trường Việt, thầy muốn các em cố gắng nói tiếng Việt."
"Con, con, con biết a ai làm làm chết con ếch nè," Sang lại nói.
"Các em nghe thầy nói.... À, nè, Ðức! Làm gì mà chun xuống bàn vậy? Hả?"
Ðức ngồi thẳng lưng lại nhưng vẫn cón uốn éo mình mẫy như một con trùn.
"Ví dụ, nếu các em mời bạn các em đến nhà chơi rồi bạn các em làm bể đồ đạc trong nhà, em có còn muốn cho bạn của em tới nhà mình chơi nữa không?"
"Dạ không."
"Các em nên nhớ. Ðây không phải là nhà của mình. Ðây là trường học mình mướn. Cha mẹ các em bỏ tiền mỗi tháng 15 Ðô để đưa các em đến đây học với hy vọng là các em biết đọc biết viết tiếng Việt."
"I don't understand what he's talking about," một em nào đó nói. "Has nothing to do with the dead frog."
"Làm hư đồ đạc của nhà trường thì làm sao họ cho mình mướn chỗ?" tôi tiếp tục.
"Thì, thì mình ra ngoài sân ngồi học cũng được vậy," Yến nói.
"Ra ngoài sân! Ở trong lớp có bàn có ghế có bảng mà các em còn học không được thì ra ngoài lấy gì mà học!"
"Can we play now thầy Hy?" Lợi nói.
"Không có chơi gì hết," tôi nói. "Công, Công, đem bộ bài cất ngay không thì thầy lấy. Mấy cái baseball cards đó là của ai? Vào chưa học gì hết mà đòi chơi cái gì!"
Bực quá tôi thêm một câu nói dại dột trong cơn giận mà tôi cảm thấy hối hận đã nói ra không lấy lại được.
"Bộ các em tưởng thầy cô đến đây dạy học được trả lương hay sao?" tôi nói trong cơn phẫn nộ.
"Yes! Có chớ!" Yến nói.
"Không," tôi trả lời yếu ớt. Có một cái gì đó nghẹn lại trong cổ.
"Then why you come here?" một em nào đó nói.
Tôi giận run lên, không còn biết nói gì nữa. Tôi ngồi phệt xuống ghế, nhìn mặt từng em một. Nhưng tôi không biết tôi có nhìn thấy rõ từng bộ mặt hay không nữa.
"You should quit since you don't get paid," một em nào đó lại nói.
Ðây là năm thư ba tôi dạy học ở trường Việt Ngữ Hướng Việt mà không bao giờ tôi giận dữ như vậy. Những năm trước, có lần tôi giận lắm mà tôi chỉ biết tự hỏi là tôi đến đây để làm gì. Rồi ngay lập tức tôi quên đi câu hỏi.
"Ðược! Thầy sẽ nghỉ dạy! Tuần tới giáo viên mới sẽ thay thế thầy."
"Hì hì hì," Lợi cười. "We drive another teacher away! He's the third one."
"Nếu không có thầy cô mới thay thế thì lớp 1B này sẽ được nhập lại với lớp 1A."
Tôi lấy ra một cuốn sách và bắt đầu ngồi đọc, mặc kệ các em muốn làm gì thì làm. Thấy tôi giận, các em không dám ồn ào mà chỉ ngồi xì-xầm to nhỏ với nhau.
Vài ngày sau, tôi đến sở làm của cô hiệu trưởng.
"Chị, em xin nghỉ dạy," tôi cố bình tỉnh nói.
"Trời ơi, giỡn hoài. Tự nhiên đòi nghỉ dạy vậy em?"
"Chuyện gia đình mà chị."
"Chuyện gia đình làm sao? Em kể cho chị nghe coi."
Tôi kể cho cô hiệu trưởng nghe, rồi kể luôn sự việc xảy ra trong lớp học tuần rồi.
"Trời ơi. Thiệt mệt nè. Em là người đầu tiên xung phong tuyên bố trước mặt các thầy cô là mình vì các em học sinh mà bây giờ em rút lui sao?"
Tôi còn nhớ chứ.
"Chị à, bỗng dưng em cảm thấy không muốn dạy học nữa."
"Khổ quá! Thầy cô đâu mà tìm cho ra để thay thế em?"
"Thì chị dạy lớp em. Lớp mẫu giáo B của chị thì có cô Yến mới vô dạy rồi. Với lại, em đã nói với anh chị của em là em sẽ không đi dạy nữa. Em lỡ hứa rồi!"
Tôi cố nài nỉ cho cô hiệu trưởng chập thuận.
"Thôi nếu em muốn nghỉ thì nghỉ nhưng mà em phải vào trường tuần tới để phân bài với thầy cô à nghe."
Ðược cô hiệu trưởng chấp nhận cho nghỉ dạy mà tôi cũng không thấy vui vẻ tí nào. Vài đêm sau đó, tôi không ngủ được. Tôi không biết xin nghỉ dạy có phải là một việc làm đúng hay không nữa. Chắc là không đúng rồi vì tôi cảm thấy buồn vô cùng. Ba năm nay, nỗi vui buồn đều tụ họp cả vào buổi sáng thứ bảy đi dạy học. Bây giờ nếu không đi dạy thì mỗi sáng thứ bảy tôi phải làm gị Dĩ nhiên là có chuyện để làm, nhưng mà chắc có lẽ không có việc làm nào có thể thay thế vào buổi sáng thứ bảy đi dạy đâu.
Buổi họp giáo viên:
Sau khi các thầy cô bàn xong công việc nhà trường, cô hiệu trưởng nhìn tôi mỉm cười và nói, "Thầy Hy có chuyện muốn nói với các thầy cô nè."
"Thôi chị ơi, em không có gì để nói," tôi nói và mỉm cười bí mật.
"Ủa, có chứ. Sao? Thầy nói lại cho các thầy cô nghe những gì thầy kể với tôi đi."
"Tôi định xin nghỉ dạy," tôi nói.
Các thầy cô nhìn tôi trong kinh ngạc.
"Thôi đừng có nói giỡn hoài! Không có được à nghe. Thầy không có nghỉ được à nghe," cô Hạnh nói.
"Thầy mà nghỉ thì tôi cũng xin nghỉ luôn đó."
"Ừ, tôi cũng nghỉ nữa," một vài thầy cô hùa theo.
"Thôi thì ráng đi thầy ơi! Còn có ba tháng nữa thì mản khóa rồi."
Sau một hồi phân trần mà không có kết quả, tôi đã quyết định ở lại tiếp tục dạy học.
Nghĩ lại cũng lạ. Khi quyết định xin nghỉ dạy, đã nhiều ngày qua tôi cảm thấy tâm hồn nặng trĩu. Vậy mà, khi quyết dịnh tiếp tục ở lại dạy thì tự nhiên tôi cảm thấy nhẹ nhỏm trong người. Những nỗi lo âu tự nhiên không cánh mà bay đi đâu mất.
Bây giờ thì các em đã quen với thầy mới và tôi đã quen dần với các em. Các em không đáng ghét, không thể bị bỏ rơi.... Các em là niềm hạnh phúc của thầy cô. Ừ, đúng rồi! Chắc có lẽ hai chữ "hạnh phúc" đã giữ tôi và các thầy cô ở lại với mái ấm của trường Việt Ngữ Hướng Việt.
Tôi mỉm cười. Phải rồi, còn nhớ không Hy ơi những khuôn mặt thông minh, dễ thương của Tiên, Trang, Diễm lớp 1 năm nào? Còn nhớ không những cô bé tí hon thông minh dễ mến của Kim-Anh, Hương, Thi năm ngoái? Và bây giờ, một vài khuôn mặt mới đã nẩy nở trong tâm hồn tôi. Trí, Bích, Yến, Ánh, Hường, Dung, Don lớp 1B của tôi ơi! Cám ơn các em đã đem lại cho tôi một nụ cười một hạnh phúc vô hình mà nếu ai không phải một lần làm thầy giáo thì chắc chưa có cái diễm phúc đó!
Chúc các em học sinh và thầy cô nhiều hạnh phúc.
Lâm Hy
Tùy Bút
Những Con Sóng
Tôi lễ mễ xách đồ xuống gác để chuẩn bị ra phi trường, mọi người ngồi cả dưới đó chắc chuẩn bị để tiễn tôi, có cả anh nữa. Tôi cố làm vẻ bình thản mỉm cười với anh và mọi người. Anh cười lại với tôi, cái cười mà tôi cho là thoải mái và dễ chịu nhất trong số những người đàn ông mà tôi gặp. Phải tường thuật lại chuyến đi thì mới được về - anh nói. Về nhà hồi tưởng lại, viết chắc sẽ hay hơn - tôi đáp lại. Nhưng thực ra tối nào tôi cũng đã ghi lại các cảm xúc trong ngày của tôi. Tôi ngại không dám đưa anh vì chuyến đi của tôi thực chất cũng chỉ xoay quanh một cái gì đó, một điều gì đó mà cái đó, điều đó ngàn đời người ta không bao giờ dám nói thẳng với nhau.
Máy bay chuẩn bị cất cánh, đề nghị quí khách thắt dây an toàn - Giọng nói ấm áp của cô chiêu đãi viên người Hà Nội vang lên nhè nhẹ. Thôi thắt dây an toàn, và lật nhanh chóng mấy trang sổ mà tôi đã ghi lại sau mỗi tối trở về khách sạn. Tôi muốn xem lại các cảm xúc của tôi trong hai tuần qua. Chắc anh cũng đầy cảm xúc, nhưng tôi không thể đoán nổi các cảm xúc của anh ra sao, tôi sợ tôi đoán đúng và cũng sợ đoán sai. Có ai đó đã nói - Cuộc đời là cái đèn cù nó cứ xoay, xoay và người nọ cứ mãi đuổi theo người kia nhưng không bao giờ gặp được, không bao giờ dừng lại, họ chỉ dừng lại khi va vào ai đó, nhưng chắc đó không phải là cái họ đuổi theo phía trước. Tôi nghĩ chắc hai tuần qua tôi cũng vậy nhưng tôi chưa dừng lại được.
Huế, ngày...
Máy bay không vào được Huế ví thời tiết xấu, chúng tôi phải xuống sân bay Ðà Nẵng và đi xe bus vào Huế. Trời mưa to và gió lớn. Tôi thấy Khanh nói rất thản nhiên "Của Khanh đã đủ rồi, còn mọi người thì Khanh không biết" - khi anh Ðức hỏi xem hành lý của mọi người đã đủ chưa. Tôi phải tự đi lấy hành lý của mình thay vì đợi ai đó mang lại cho như mọi lần đi picnic. Ðây là lần đầu tiên tôi xa nhà với thời gian dự định khá dài. Tự nhiên tôi muốn có môt ly kem.
Tôi thấy mọi người nói chuyện với nhau rất thẳng thắn. Khi họ hỏi về một vấn đề như cảm nghĩ của mình ra sao trước các sự việc, trước một con người. Ðiều đó hoàn toàn lạ so với kiểu của chúng tôi. Tôi bất ngờ khi chị Thủy hỏi Khanh thấy sao trước người này, người khác, việc nọ việc kia, và Khanh trả lời cũng rất thẳng. Tôi thấy thích kiểu nói chuyện đó, nhưng tôi thấy nó cũng hơi phũ phàng.
ngày...
Hôm nay sinh nhật tôi vậy mà tôi lóng ngóng khi xác định ngày, mặc dù chiều và tối mọi người đã chúc mừng sinh nhật tôi. Huế đang là mùa mưa, buồn não nùng, mà hình như trời mưa ở đâu cũng vậy. Tuy đêm hôm qua phải vượt qua đèo Hải Vân với mưa gió và sương mù dày đặc nhưng tôi thấy còn nhẹ nhàng hơn đêm nay. Lần đầu tiên sinh nhật xa nhà, những người bạn đã chu đáo với tôi làm tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, họ hát mừng sinh nhật trong bộ áo mưa và ai đó cũng ướt như chuột.
Con thuyền nhỏ trôi lững lờ trên dòng nước. Giọng ca Huế nhẹ nhàng nhưng cái nhẹ mang mác sầu. Chủ đề xoay quanh vẫn là tình yêu, và chuyện đó có bao giờ vui. Tôi thấy nhiều người có cuộc sống thật đơn giản và chính điều đó mà họ hạnh phúc, họ chấp nhận mọi thứ dễ dàng thì họ có mọi thứ. Còn tôi không chịu chấp nhận thì chắc không có cái gì hết. Ðối với tôi mọi thứ đều thoảng qua nhẹ nhàng, nhẹ nhàng vui, nhẹ nhàng buồn, nhẹ nhàng đau đớn... Người ta cầu toàn mọi thứ làm gì để rồi mọi thứ lại qua đi. Con người lại quay về với cát bụi.
Huế đẹp nhưng buồn, ngay cả các bài hát về Huế cũng vậy. Hà Nội đâu có vậy, Hà Nội thơ mộng nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng khoẻ khoắn đầy sức sống. Hà Nội là cô gái xinh đẹp trẻ khoẻ và đầy sức sống, còn Huế là cô gái đẹp mơ mộng nhưng hoài vọng. Chắc Huế đẹp và buồn là ở chỗ hoài cổ nhiều về một thời lẫy lừng của các triều đại, về sự xa xỉ của các ông hoàng bà chúa... chắc nghĩ nhiều về cái đã qua không lấy lại được nên người ta buồn, và cũng có thể vì ước ao đến một cái gì đó không được nên người ta cũng buồn.
Thuyền vẫn lững lờ trôi trên dòng nước, trên kia là những khách sạn lớn, đèn lấp lánh như sao. Chúng tôi mỗi người một tâm trạng, ai đó cũng như có điều gì đó, tôi thả hồn đi đâu đó, có khi theo giọng hò, có lúc lại theo làn gió thoảng qua. Ngày hôm nay chúng tôi đã quay lại hơn một trăm năm trước đây với các cung điện, lăng tẩm, sự uy nghi của các triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Con người muôn đời vẫn thấy thiếu một cái gì đó, tìm kiếm cái gì đó, đôi khi cái đó ngay bên mình mà không hay. Người ta xây hồ bán nguyệt để hy vọng có sự tròn đầy, và người ta lại xây luôn mộ cho mình khi còn sống.
Khanh gọi tôi đi vào thành nội nhưng tôi xuống thì anh đã đi rồi. Tự nhiên tôi muốn có một ly trà nóng. Cuối cùng chúng tôi gặp nhau trong thành. Chúng tôi đóng giả Vua và Hậu (Vua kiếm mãi mới có quần vừa). Chúng tôi lên ngai, cũng xa xỉ và ngắn ngủi như các ông hoàng bà chúa khác. Tôi luôn đi tìm một cái gì đó theo tôi nó phải bền vững, dung dị đời thường, chắc đó là cái hình đằng trước tôi trong cái đèn cù mà tôi chạy theo mãi. (Nhưng sau này về nhà tôi thấy cái giây phút đó lại là cái gì đó vĩnh viễn...Nếu tôi không chấp nhận cái ngắn ngủi và xa xỉ đó thì tôi lại chẳng có cái gì...)
Hoàng hỏi tôi có thấy thoải mái khi đi cùng hội này. Không có điều gì khó chịu cầ Nếu có điều khó chịu thì chắc Dung sẽ quay về ngay. Duyên thấy vui vẻ và hợp với các trò chơi và mọi người. Hoàng lo cho vấn đề tài chính của Duyên, vì dù sao bọn Hoàng cũng không đến nỗi khó khăn như người Việt Nam. Ðáng nhẽ bọn Hoàng phải lo cho Duyên đầy đủ hơn. Sao lại như vậy, Duyên cũng như mọi người mà, Duyên đã chuẩn bị cho chuyến đi này nên không có vấn đề gì đâu. Cảm ơn Hoàng đã lo cho Duyên...
Tôi thấy Hoàng có cái gì đó lạ lạ, tôi không hiểu, Hoàng bảo là Hoàng nói thẳng không theo kiểu Việt Nam. Tôi thấy cũng đúng nhưng tôi thấy khó x Có thể mọi người thông cảm với những người trong nước còn nghèo nàn, cuộc sống còn khó khăn. Nhưng cũng có thể họ thương hại, tôi thì không muốn có điều đó vì dù sao sự thương hại của ai đó cũng làm cho tôi khó chịu. Tôi nhớ tới câu chuyện lúc chiều ở phi trường của Khanh, Khanh bảo thương cô gái nào đó, Thùy hỏi thương là sao thì Khanh lại bảo là thương hại cô ta. Khanh nói với tôi bố mẹ cô đó ở xa và nhà nghèo. Tự nhiên tôi thấy trạnh lòng, tôi nhớ lại truyện Kiều, cụ Nguyễn Du vì không nỡ để cho người đẹp như cô Kiều bị chết sau khi đã nhảy xuống sông Tiền Ðường bèn cho Vãi Giác Duyên cứu sống và trở về tái hợp với chàng Kim, nhưng tệ thay chính cái đoạn kết ấy mà làm cho cô Kiều sống dở chết dở, và các nhà phê bình và thầy giáo dạy văn của tôi thì cho chuyện Kiều hay nhất nếu kết thúc ở đoạn cô Kiều nhảy xuống sông Tiền Ðường...
Tôi thấy nhiều điều lạ.
Nha Trang, ngày...
Sáng mai sẽ đi Ðà Lạt, vậy là đã hai ngày trôi qua. Chúng tôi tới Nha Trang vào một buổi chiều nắng đẹp sau mấy ngày mưa, bầu trời như cao hơn nhưng biển vẫn cồn cào gào thét dữ dội. Tôi cảm thấy biển lúc này cũng như ai đó. Như tôi, như anh, như cái đèn cù. Những con sóng cố sức chạy vào bờ nhưng lại bị con sóng trước cản lại. Có thể con sóng bạn nó không định làm như vậy nhưng có lẽ tại nó thất bại nên nó thờ ơ với mọi thứ quanh nó. Chính sự thờ ơ ấy đã làm cho bạn nó khó vào được đến b Các con sóng ngàn đời vẫn vậy, vẫn cố vào bờ để tìm kiếm. Chúng tôi ngồi trong quán trên bờ biển và mải mê ngắm nhìn lũ sóng đuổi nhau. Sóng ngày một dữ dội hơn. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua, anh đang nghĩ gì? tôi hỏi. Về cuộc sống, cũng như em vậy... nếu em mong ước ít thôi và hài lòng với cái mình có em sẽ hạnh phúc. Ðã nhiều người nói với tôi câu như vậy, tôi nghĩ mình đâu có mơ ước gì nhiều, nhưng có lẽ nhiều lúc mình cũng không hiểu nổi mình. Có câu chuyện kể về người thợ săn suốt cả đời đi tìm con cáo đuôi vàng nhưng không thấy, một ngày đã xế chiều ngồi trong lều bên gốc sồi và thấy cáo đuôi vàng đi qua, người thợ săn bèn hỏi: Này cáo đuôi vàng nhà ngươi sống ở đâu mà ta tìm mãi không thấy? Tôi ở ngay trong gốc sồi sau nhà ngài - cáo đáp và bỏ đi.
Chúng tôi lang thang trên bờ biển và anh đề nghị chạy thi. Tôi cắm cổ chạy, anh cho tôi chạy trước một đoạn xa nhưng rồi anh vẫn đuổi kịp, chúng tôi cãi nhau về các chữ khẩu hiệu kẻ trên đường, anh chê là chúng không được văn chương cho lắm, anh bảo văn bây giờ đọc khó lọt tai "Dừng lại ở hai con..." Anh đi tìm chỗ đó để dừng lại nhưng không thấy mà chỉ thấy tiếp "Dừng lại ở hai con...". Ðang mải mê tranh luận thì chúng tôi gặp Nga và Hoàng, tôi thấy họ thật hạnh phúc và tôi không dám nghĩ thêm điều gì. Hoàng luôn chăm chút cho Nga một cách ân cần và họ nói với nhau bằng giọng âu yếm không như Thùy luôn lên giọng cao vút mỗi khi nói điều gì với Ðức. Ðức luôn đưa ra các ý kiến nhưng người quyết định lại là Thùy. Anh nói chắc anh sẽ không như vậy, anh sẽ làm mọi thứ và tự quyết định tất cả, tôi mỉm cười, tôi vừa muốn tin là anh sẽ làm như vậy đồng thời lại hy vọng là anh sẽ không làm được như vậy. Nga và Hoàng tách ra đi riêng nói là để cho chúng tôi tự nhiên.
Trên bờ biển lũ trẻ con say sưa đá bóng, chúng đá bóng trên cát, nặng nề và vất vả nhưng thật là vô tư. Tôi nhớ lại hồi nhỏ đi học, tôi cùng lũ con trai trong lớp ra sân trường đá bóng, mẹ không hài lòng bảo con gái phải dịu dàng, nhẹ nhàng, ai lại chơi trò của con trai, bố thì khuyến khích vì nhà toàn con gái, bù vào đó bố luôn mua cho tôi những quyển sách dậy nấu ăn bố luôn đọc sách và nấu các món ăn cùng chúng tôi vào ngày chủ nhật và mẹ chỉ đạo tổng thể tất cả chúng tôi.
Anh bảo anh sinh ở Nha Trang, và học trong trường dòng. Tôi thấy anh là người ngoan đạo. Chị Thùy hỏi anh đi nhà thờ cầu gì - Cầu Chúa cho con lấy được người con yêu.
Những con sóng vẫn cố gắng lao vào bờ, biển ngày một dữ dội hơn, hình như càng về đêm biển càng dữ dội, có con sóng đã sát vào chân và chúng tôi vội vàng chạy ra xa để không bị ướt. Tôi thấy thật mâu thuẫn, tôi đã chia khoảng cách từ bờ đến mép nước và ngồi đợi ở giữa nhưng không con sóng nào tới cả mà chúng vòng qua chỗ tôi rồi tràn lên cao hơn. Sao em không tới gần biển hơn thì em sẽ không phải đợi lâu - anh nói. Nếu vậy thì chạy xuống biển hơn tôi ương bướng đáp lại. Tôi nhớ tới câu thơ mà hồi sinh viên có ai đó đã chép vào sổ tôi mà không ký tên: Ðừng nhặt con ốc vàng, sóng xô vào tận bãi, những điều gì dễ dãi, có bao giờ bền lâu. Tôi vẫn cố ngồi đợi sóng còn anh đang đợi gì đó từ bầu trời. Trời ngày mai nắng to vì đêm nay rất nhiều sao, trăng thượng tuần lúc ẩn lúc hiện sau làn mây, chúng tôi không nhìn rõ mặt nhau. Tự nhiên tôi nghĩ giá mình là sao hay trăng thì hay biết mấy, nhưng tôi lại sợ sáng mai mình sẽ biến mất, và nếu có ai đó muốn thấy tôi họ cứ phải ngửa mặt lên trời chắc họ sẽ tụt chân xuống cống.
Anh bảo về tôi vì mai còn đi làm sớm (anh nói lại thành đi sớm). Tôi chợt thấy chạnh lòng, tôi nghĩ tới cuộc sống ở một nước công nghiệp cao, tôi nhớ lại bộ phim tôi đã xem về cuộc sống ở New York của người Hoa. Tôi thèm một ly kem.
Ở khách sạn mọi người đã ngủ, gió từ biển ùa vào các ô cửa sổ đóng hờ, cánh cửa đập vào tường kêu ầm ầm như a dua cùng sóng biển. Ngoài kia biển vẫn gào thét, chắc có con sóng đang cố gắng lên cái vòng tròn mà tôi đã đánh dấu trước khi về. Anh bảo sóng cũng muốn vào bờ nhưng lại bị con sóng khác ngăn lại, vậy phải căn kỹ mọi th Chắc anh đã căn được các vì sao hay mặt trăng lúc nãy trên bờ biển. Tôi nghĩ vòng tròn của tôi đã có con sóng nào đó xoá đi lúc tôi vừa vào b Tôi muốn chạy ra biển và thấy tiếc vì đã vào nhà theo anh, lúc đó tôi thật ngoan ngoãn.
Ðà Lạt, ngày...
Chiều nay thật buồn cười, chúng tôi chỉ thuê được 2 phòng trong khách sạn, chị Thùy xếp 4 chúng tôi vào 1 phòng, bọn tôi dọa sẽ "làm thịt" anh, anh chắc sợ quá và phải nhờ chị Thùy xuống ngủ với chúng tôi. Trang bảo anh có nhiều bí mật lắm, ở đây chắc chúng ta sẽ khám phá ra nên anh sợ. Thật là vui và ngộ. Ðà Lạt mùa này lạnh như Hà Nội, đêm xuống chúng tôi lang thang trên các phố và các hàng ăn, chúng tôi đã chọn được khách sạn rất thích hợp vì ở gần chợ (vì tất cả chúng tôi ai cũng ăn nhiều, ăn vô tư và hồn nhiên kinh khủng, có lẽ nhất là anh). Ðà Lạt là một thành phố gồm các đồi kết lại, phố không bằng phẳng mà nhà cửa lô nhô do độ cao của mặt bằng, đường phố Ðà Lạt không lớn mà như các phố cổ ở Hà Nội. Chúng tôi mỗi người tha vài túi hoa quả từ chợ về và lần nào ra chợ cũng phải mua một vài thứ gì đó. Tôi đã mua được mấy bó hoa Bất T Hoa Ðà Lạt đã làm cho tôi mê mẩn.
Ðêm nay là đêm cuối cùng của năm 95, chúng tôi tụ tập trong phòng và tán chuyện ngẫu, vì chị Thùy ở phòng tôi nên anh Ðức xuống luôn, anh cũng vậy nhưng tôi không hiểu vì lẽ gì.
Chắc anh đang muốn anh Ðức chuyển giao cho điều gì... Hôm nay chúng tôi ăn cả thẩy 43 món chưa kể anh và anh Ðức (4 chị em đã lên danh sách các món ăn trong ngày ở Ðà Lạt, Thùy bảo tôi cố mà ăn gỡ tiền vé máy bay). Chúng tôi cười như ma làm. Anh Ðức rất điềm đạm giải thích cho tôi cặn kẽ những điều tôi thắc mắc. Còn anh thì giải thích cho chị Thùy về Kinh Thánh về mười điều răn của Chúa. Anh hỏi cho tôi sang Mỹ liệu tôi có đi không. Tôi cũng đang tự hỏi mình điều đó, chắc tự nhiên thì câu trả lời của tôi sẽ không bao giờ có, nhưng nếu tôi đang ở trong một hoàn cảnh nào đó thì tôi sẽ tìm ra được lời giải đáp cho mình. Giang cũng đã hỏi tôi câu như vậy, tôi nghĩ chắc Giang bây giờ khác Giang 1 năm về trước rất nhiều, còn tôi 1 năm qua tôi đã đổi thay những gì, lớn thêm, khôn thêm hay lại ngốc nghếch thêm. Ngoài kia có tiếng vó ngựa, âm thanh mà tôi chỉ được nghe trong phim ảnh do các nhà dựng phim tạo ra, đêm đã khuya và sương lạnh bao trùm lên thành phố. Ðằng xa vẫn còn ánh sáng của các quán ăn, tiếng vó ngựa lại tới gần, hai con ngựa chạy đuổi nhau trong đêm, hình như trời càng lạnh người ta càng hay nghĩ nhiều. Có ai đó đã nói, nếu sống thì đừng nghĩ, còn nếu nghĩ thì đừng sống. Con bạn tôi nó bảo - Tao nói liên mồm vì khỏi phải nghĩ.
Sáng mai chúng tôi sẽ vào Sài Gòn và từ đó chúng tôi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả, liệu chúng tôi có còn gặp lại nhau. Người ta gặp nhau và chia tay nhau, nhưng mỗi người bao giờ cũng để lại trong nhau một cái gì đó, tôi tin là như vậy. Tôi tin là Chúa sắp đặt tất cả, mỗi chúng ta là nửa quả táo và đi tìm nửa kia của mình, nhưng liệu có nhầm lẫn, có thấy nhau, hay lại vô tình lơ đãng qua nhau. Nếu tôi có chồng rồi liệu tôi có chuyến đi này? Tôi nghĩ vậy và bật cười. Chị Thùy bảo tôi chắc là mong đến năm mới, và năm mới chắc đã đến đâu đó ngoài kia, trong làn sương nhẹ, trong tiếng vó ngựa, trong ánh đèn quán xa xa, trong tôi và trong giấc ngủ của mọi người.
Nguyễn Thị N. D.
Ðà Lạt 1 Jan 96