vhnt, số 42
2 September 1995
Trong số này:
+ post 1 - thơ, Rock and Mountain, Tạ Anh
+ post 2 - thơ, Ngủ Ði Em, Cuong Hoang
+ post 3 - phiếm luận, Bâng Quơ về Viết Chơi, Võ Phiến
+ post 4 - thơ, Lời Tượng Nhà Mồ, Nguyen Thị Hong/DTA
Rock and Mountain
to my Grandparents, by Anh Ta
Like mountains,
Strong Silent Serene
Upon their backs we can see all that we have done
All that we will do
Raising us up to see beyond the valleys of our soil - or souls
Without them
We would be like blades of grass instead of birds in the air.
Rocks are things we throw away
No one loves a rock
No one believes that it can walk - one day to even run
and in running maybe to fly
No one but a Mountain
The Mountain sees in a rock... something
It sees a mountain in a Rock
Who else but a Mountain
could instill in a Rock
Hope Love Desire Dreams
So, from a pebble to a rock to the Mountain
Something we rarely do
I want to thank the Mountain
I want to thank it for my seeing all that I see
I want to thank it for my breathing the different airs
for my hearing the sound of life
For Time, the mother of us all,
Will come
To make room
for those of us rocks
Who, astonishingly, have dreams of becoming Mountains.
Anh Ta
Ngủ Ði Em
Ngủ đi em, cho tình không chết đuối
Cho nụ cười vẫn gợi nét hồn nhiên
Cho con tim còn giây phút lặng yên
Không run rẩy như rừng cây đón gió
Ngủ em nhé, khi vườn mơ khép ngõ
Cho lữ hành tưởng nhớ một đêm đông
Quán thân quen, sưởi ấm mộng lửa hồng
Thầm mong ước cơn giông dài, dài mãị
Em hãy ngủ cho thời gian đứng lại
Ðoá hoa xuân thôi phai sắc hươngh tình
Cho mặt trời hớn hở gọi bình minh
Gieo giọt nắng khơi tình mê muội cũ
Hãy khép mắt và tìm trong giấc ngủ
Nụ hôn đầu ấp ủ giữa đôi môi
Trong âm vang đầy hạnh phúc một thời
Em có thấy quãng đời không nước mắt?
Ngủ yên nhé, cho tôi đi lượm lặt
Mảnh yêu đương vỡ vụn vất bên đời
Những ước mơ lạc lõng bị bỏ rơi
Ðể ngày tháng vơi nỗi sầu, em ạ
Ngủ đi em, cho qua đi tháng hạ
Ngày tiễn đưa hoen dấu lệ nhạt nhòa
Tay trong tay mà sao xa xôi quá!
Mắt nhìn nhau mà tưởng đã mù loà
CMH
6/1995
Bâng Quơ Về Viết Chơi
Ăn, với uống, với ái ân v.v... vốn là chuyện trời sinh, là hoạt động sinh tồn, đáp ứng nhu cầu căn bản của sự sống. Vốn là những cái thiết thực, tức cái thiệt. Từ cái thiệt, con người (văn minh) chuyển hóa nó ra cái chơi.
Viết là một bịa đặt của con người, không bẩm sinh, không nguyên thủy. Viết là một bày vẽ của văn minh. Tưởng là chơi, lại thành ra cái thiệt, thành một hoạt động phục vụ cuộc sống ráo riết, cần mẫn, cật lực. Khổ thân cho cái viết.
- Nhưng viết, thế nào là chơi? thế nào là thiệt? Chuyện viết, đem nhập nhằng với chuyện khác sao được? Ăn, uống, chẳng qua là "sự thường": ăn chơi được, uống chơi được. Ðến như ái ân chơi, cũng... cho là được đi. Còn viết, đại phàm đã nâng cây viết ra văn chương, thì đó là sứ mệnh thiêng liêng rồi, viết chơi thế nào được. Sẵn trớn nói bừa, e nhảm to.
- Ông Tản Ðà nói, đâu phải mình nói? Tản Ðà nói đã hơn nửa thế kỷ, càng nghiệm lâu càng thấy vừa ý.
In hết quyển này ra quyển khác
Có văn có ích, có văn chơi " ("Lo văn ế ")
Tản Ðà là nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề văn thơ, lúc nào cũng lo ngay ngáy chuyện bán buôn, bán từ dưới đất đến tận chợ trên trời, vẫn ế. Người chuyên nghiệp phân loại rành rẽ như thế, sai thế nào được.
Theo Tản Ðà cái văn mà ta cho là viết thiệt tức là cái "có ích", ngoài ra là viết chơi. Viết mà không nhằm có ích, tức thị viết chơi. Ðịnh nghĩa Tản Ðà, đem ra phân tích phải trái, e gặp rắc rối không ít. Chẳng hạn như truyện (tiểu thuyết), có thể xem là thú mua vui. Vậy mà suy luận ra lắm người thấy có ích. Ðọc truyện thì hiểu tâm lý con người, hiểu nhân tình thế thái, hiểu tình trạng xã hội, đọc truyện để hiểu đời hiểu người, để tâm hồn thêm phong phú, cuộc sống thêm ý nghĩa v.v... Biết đâu là thiệt? Biết đâu là chơi?
Vậy ta không dại gì lăn mình vào việc vất vả. Hãy nói với nhau như những người dễ tính. Viết giấy bán nhà, đợ ruộng, là viết thiệt; viết thơ "Tương tiến tửu" như Lý Bạch, thơ yêu trộm như Arvers là viết chơi. Viết nghiêm chỉnh như học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh là viết thiệt; viết những loại con mộng lớn, những hài văn, nhàn đàm, những thơ đùa cô sư, bóp vú đau tay, gửi người tình nhân có quen biết và không quen biết v.v... như ông Tản Ðà là viết chơi.
Viết mà ngồi trong phòng chủ tịch, đêm ngày lính tráng hầm hầm vũ khí canh phòng cẩn mật, an ninh lớp lớp hiện mấy vòng, viết cặm cụi dưới ngọn đèn khuya khoắt khiến các chiến sĩ cách mạng trông lên mà cám cảnh đau lòng, giọt vắn giọt dài, viết như Bác ì ạch viết tự truyện ký T. Lan, ký Trần Dân Tiên, viết thế là viết thiệt; còn viết như ông Tô Ðông Pha vừa viết vừa nhậu trên sông Xích Bích phải là viết chơi. Viết như ông Vũ Hoàng Chương vừa gõ trống tom chát vừa nghe gái í a vừa vung tay viết bài ca trù, ấy chẳng qua là viết chơi; còn như ông Lê Ðức Thọ... à, cái ấy... chơi thế nào được? anh bộ đội nhỏ bé ốm o, lưỡi thè lòng thòng, cõng nhà lãnh đạo ú ù , ấy là cõng thiệt, vậy đấng lãnh tụ cưỡi lính trèo núi tất cũng làm thơ thiệt (thơ phục vụ) thôi...
Thiệt với chơi, đại khái thế chăng?
Thiệt với chơi, dưới con mắt người đời, không thể xem ngang nhau. Ông Tản Ðà rành đủ hai món, hai món đều là của mình cả, cho nên dẫu lòng có thiên vị lời cũng nhẹ nhàng: một bên có ích, một bên không có ích, vậy thôi.
Còn Ðặng Thái Mai, người cách mạng ăn nói sấn sổ lỗ mãng nghe phát ớn: "cái thứ văn mơn trớn béo tốt như đẫy thịt, trơn như tảng trán hói của nhà trưởng giả, cũng chỉ là một "văn chơi" mà thôi, chả ý nghĩa gì là văn học" (Văn Học Khái Luận). Vậy văn béo, văn đẫy thịt, văn trơn v.v... là một thứ văn chơi (văn chơi tất cả mấy thứ ) Và đã là văn chơi - hết thảy mọi thứ văn chơi - thì không có ý nghĩa văn học.
"Ý nghĩa văn học" là cái gì vậy? Mằn mò định cho ra nghĩa thì cũng mệt, chi bằng cứ hiểu qua loa theo người dễ tính, rằng thiếu ý nghĩa văn học thì kể như đồ bỏ. Khốn khổ thay phú Xích Bích, thơ Trương Tiếu Tửu, thư gửi người tình nhân không quen biết!
Viết một bài phú, một bài thơ, một lá thư, thoắt cái đã xong ngay. Ðến như cả một cuốn "Les fleurs du mal", Beaudelaire ậm è ậm ạch cả đời, sửa đi sửa lại thêm vào bớt ra, mãi tới chết vẫn chưa sửa xong ấn bản nhất định, thế mà trong một bản dự thảo bài tựa tác giả có những lời "Cuốn sách vô vô ích tự trong cốt tủy này (...) tôi viết ra không nhằm mục đích nào khác hơn là để tự giải khuây" (le livre, essentiellement inutile (...) n'a pas été fait dans un autre but que de me divertir").
Vậy thơ béo, thơ đẫy, thơ trơn...là chả có ý nghĩa văn học rồi chăng? Les fleurs du mal không là văn phẩm thi phẩm chăng? Nghe cứ như là nói... chơi!
Nhân đây cũng băng ngang qua chuyện nói, bởi vì cái nói liên hệ mật thiết với cái viết: trước khi thành hình thứ văn chương bằng chữ nghĩa đã có thứ văn chương truyền khẩụ Cái này dẫn tới cái kia. Cho nên đã có viết chơi viết thiệt tất có nói chơi và nói thiệt.
Nói như các bà nói rào rào trong chợ để mặc cả giá cá giá rau là nói thiệt, rất có ích; nói như bà cụ nằm kể chuyện Tấm Cám cho cháu nghe chờ ngủ là nói chơi. Nói như khi vợ bắt tại trận cảnh chồng vụng trộm, áp vào bắt lấy tình địch gào thét xỉ vả tưng bừng là nói thiệt; nói như "hôm qua tát nước đầu đình" là nói chơi v.v...
Vả lại, không phải chỉ viết với nói trong ngành văn chương, mà trải khắp các bộ môn nghệ thuật đều có thiệt với chơi cả. Nụ cười mơ hồ, bâng quơ trong tranh Leonardo da Vinci chẳng qua cười chơi; cười hô hố trong thơ đả Mỹ của đội ngũ thi sĩ hài hước độ nào nhất định là cười thiệt, cười... có ích. Hát sông xanh, hát đêm tàn bến nọ bến kia, bất quá hát chơi; nhạc phanh thây uống máu tất là nhạc có ích, nhạc thiệt v.v...
- A! Chuyện vị nghệ thuật với vị nhân sinh đấy thôi. Sáng tác chơi là nghệ thuật vị nghệ thuật, sáng tác thiệt là vị nhân sinh chứ gì?
- Hầy! Người ta đang nói chơi, bỗng dưng lại xông tới, đặt vấn đề nghiêm chỉnh, trịnh trọng, bỗng dưng lại đòi nói thiệt. Rõ vô duyên.
- Vô duyên được à ? Ðề tài quan yếu, lớn lao như thế đối với người sáng tác...
- Lớn cái gì? Chẳng qua lý sự bắt bẻ nhau ỏm tỏi thôi, chứ lớn nỗi gì ? Sáng tác với sáng tạo! Này, ông Trời là tạo hóa, là đấng sáng tạo, ông Trời ấy làm ra, sáng tác ra vũ trụ này, cuộc sống này có ý nghĩa gì chăng? có "ích" gì chăng? Ông ấy làm ra muôn sao, làm ra con người, con kiến, làm ra cái sống cái chết... có nghĩa gì ? có ích gì ? Ðó là làm chơi hay làm thiệt? là sáng tác kiểu có ích, hay là sáng tác kiểu văn béo văn mỡ văn trơn, của trưởng giả trán hói vào lúc rửng mỡ? Cả cõi thế gian, nó sờ sờ, nó lù lù ra đấy, xoay tả xoay hữu, ngó trước ngó sau đâu đâu cũng thấy nó, đó là chơi hay thiệt?
Nói toạc ra e phải tội, xin được phát biểu khe khẽ: Không chừng là cái chơi thôi. Cả công trình vĩ đại khắp cõi không cùng là để vinh danh cái làm chơi, cái sáng tạo chơi. Ngọn rêu xanh với núi Thái Sơn cùng là cái chơi, con cóc tía trong hang con chẫu chuộc kêu oàm oạp, với ông Khổng Khâu ham cúng vái ông Trang Tử khoái gõ bồn v.v... toàn cái chơi cả. Vị tất có ý nghĩa gì.
Ối, một cái chơi lớn lao hiên ngang bao trùm càn khôn vũ trụ như thế không chê trách trước tiên, lại đi vặn hỏi chuyện tẳn mẳn của lũ thấp cổ bé miệng! Lũ sáng tác chơi quanh đây chẳng qua là đám trẻ nắm chéo áo lon ton chạy theo ông Trời, đáng gì! Thôi nhá.
Võ Phiến
(trích từ Thế Kỷ 21, July 95)
Lời Tượng Nhà Mồ
Ơ cái hồn!
mình biết nhau mấy đời rồi
để kiếp này dù thoáng như giấc mộng
mình đã bỏ đi mà ta còn sống
nên ta hoá tượng bên mồ
trong khói chiều trầm tư
Ta không nghe nữa tiếng chiêng cồng đêm hội
không thấy nữa ngọn lửa hồng chiều tới
vầng trăng vàng hoang dại đêm nào
và vòm trời đầy sao đã tắt
Ta đặt lên nhà mồ của mình quả bầu
để chiều chiều mình lại xuống dòng xanh gùi nước
ta đặt lên mồ của mình ché lớn
đêm đêm ta cùng uống rượu
cho núi rừng chung chiêng
Ơ cái hồn!
ché lớn ché nhỏ ta đã khiêng ra đây
gùi lớn gùi nhỏ ta đã cõng ra đây
bầu lớn bầu nhỏ ta đã gùi ra đây
ta ra đây nốt
nơi góc rừng hoang vu
hồn ta hoá tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư
Ơ cái hồn!
Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài
làm sao uống được khi mình lẻ loi
dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi
trên ba tấc đất hồn ta đơn côi
cồng đâu còn vang khi mình đơn côi
bếp đâu còn ấm khi mình đơn côi
nếp đâu còn thơm khi mình đơn côi
ta ra cùng mình để không lẻ đôi
hồn ta hoá tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư
Hồn ta hoá tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư
Nguyễn Thị Hồng
Sa Thày, 12/1993
Lạm bàn: Lần đầu tiên đọc bài thơ này của Nguyễn Thị Hồng tôi đã sửng sốt đến bàng hoàng khi cảm nhận một thế giới siêu hình và mới mẻ từ cây bút dung dị còn ẩn náu. Thần trí tôi bồng bềnh như mơ, thoát khỏi thể xác để lạc vào một thế giới của những linh hồn. Bài thơ hay với một vẻ đẹp kỳ ảo.
"... Ơ cái hồn !
mình biết nhau mấy đời rồi
để kiếp này dù thoáng như giấc mộng
mình đã bỏ đi mà ta còn sống
nên ta hoá tượng bên mồ
trong khói chiều trầm tư"
Về nguyên cớ ra đời của bài thơ thì theo tôi được biết: Theo phong tục Tây Nguyên những người sống bao giờ cũng dựng một bức tượng gỗ trước ngôi mộ của những người đã chết. Theo ý niệm thành kính của người sống thì kẻ chết đi sang thế giới bên kia cũng có một cuộc sống tiếp theo và cũng cần dùng tới những đồ dùng trên trần gian; để kẻ chết khỏi cô đơn, người ta đã kéo gần lại sự cách biệt giữa hai thế giới bằng một tượng người gỗ ngư thế. Trong bóng chiều chạng vạng của núi rừng, hình bóng những bức tượng này khắc sâu vào tâm tưởng của một người phụ nữ nhiều xúc cảm mãnh liệt và dồn nén, làm bật nên tiếng lòng da diết của cõi người. Với chị, những bức tượng im lặng chính là hoá thân của những người chồng, người vợ đang sống trên mặt đất đang nuối tiếc và chung thuỷ với người thân đã bỏ sang thế giới bên kia. Ðó là những cái chết mà vẫn sống, sống mà đã chết " sắc sắc không không" theo đạo lý của nhà Phật.
"...Ta không nghe nữa tiếng chiêng cồng đêm hội
không thấy nữa ngọn lửa hồng chiều tới
vầng trăng vàng hoang dại đêm nào
và vòm trời đầy sao đã tắt
...
Ta đặt lên nhà mồ của mình quả bầu
để chiều chiều mình lại xuống dòng xanh gùi nước..."
Lời thơ, hồn thơ dịu mềm, tha thiết, rất mực đằm thắm và nồng cháy như một ngọn lửa tình thiêng liêng bất hủ của kiếp người. Cả bài thơ là một chuỗi những liên tưởng, so sánh, đối lập, thể hiện niềm nuối tiếc khôn nguôi cuộc sống ở cõi trần, của bức tượng đã được nhân cách hoá. Khi người thân yêu của mình chết đi thì cuộc sống của kẻ ở lại coi như chb'm dứt còn thân xác thì hoá thành gỗ đá. Tôi chưa đọc được bài thơ nào nói về niềm yêu cuộc sống trần thế tới tận cùng mất mát và khổ đau đến thế.
"...Ơ cái hồn !
Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài
làm sao uống được khi mình lẻ loi
dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi
trên ba tấc đất hồn ta đơn côi
cồng đâu còn vang khi mình đơn côi
bếp đâu còn ấm khi mình đơn côi
nếp đâu còn thơm khi mình đơn côi
ta ra cùng mình để không lẻ đôị.."
Tiếng thổn thức của người phụ nữ, tình yêu và lòng chung thuỷ tới tận cùng đối với người đã chết. Một sự nhớ nhung da diết giữa kẻ sống và người chết, bài thơ dù dịu dàng , câm nín nhưng nó vẫn như " tiếng chiêng cồng" hối thúc và nhắc nhở con người về sự mất mát lớn lao nhất, đó là cái chết. Có phải vì vậy mà nó nhắc nhở con người hãy biết trân trọng hơn cuộc sống của mình cũng như của muôn loài trên mặt đất.
DT