vhnt, số 106
17 November 1995
Trong số này:
+ thư vhnt
+ 1 - thơ, Thơ LQT: Cây Mùa Thu....................Phan Lê Dũng dịch
+ 2 - thơ, Này Nhan Sắc Ấy.................................Chinh Dinh
+ 3 - thơ, Thư Cho O Nhỏ.......................................Loan Tran
+ 4 - thơ, Lớp Tôi...........................................Tung Trinh
+ 5 - biên luận, Một Vài Cảm Nghĩ Về Văn Chương.....Lê Ngọc Nữ/PCL
+ 6 - truyện ngắn, Thành Phố Lằn Ranh.................Dương Hùng
+ 7 - truyện ngắn, Bên Em Đang Có Ta..............Bùi Thanh Liêm
Chào bạn đọc
vhnt số này đến hộp thư bạn, hy vọng không bị tràn ngập như số 105 vừa qua :-) Mailing list server Saomai bị một chút trục trặc mấy hôm vừa qua, nên số vừa rồi gửi ra quá nhiều lần làm phiền bạn đọc không ít. Xin thành thật cáo lỗi cùng bạn (Tôi cũng điên đầu với số email bị bounced trở lại hộp thư, hơn 600 messages phải dọn sạch trước khi SysAdmin sửa lỗi kỹ thuật này, nên tôi hiểu "nỗi lòng" của bạn, cũng như biết rõ cái delete key nằm ở nơi nào trên bàn chữ :-) Mong bạn đọc đừng giận vì lỗi kỹ thuật ngoài ý muốn này. Cũng xin cám ơn những email đã nhắc nhở và đã không phiền với số vhnt nhận được vừa rồi.
Sau hơn 4 tháng từ ngày thành lập, nhóm vhnt đã có mặt một số các cây bút, nhà thơ khá, và rất nhiều bài vở đóng góp cho diễn đàn này thêm phần đa diện phong phú. Chúng tôi dự định lập một mục mới giới thiệu các cây viết có bài thường xuyên trên VHNT. Sau khi đăng trên vhnt, bài giới thiệu tác giả sẽ cất ở VHNT web page, trong phần "Những Nhân Vật Trong VHNT" để lưu trữ. Mục này lập ra để người đọc và người viết có dịp biết nhau, để độc giả hiểu về tác giả cũng như tác phẩm, quá trình sáng tác, và một chút "riêng tư" về mình nếu có thể chia sẻ được thì thật quí :-)
Phần giới thiệu tác giả này, sẽ gồm một đoạn biography ngắn viết về tiểu sử của mình do chính tác giả tự viết, một sáng tác ưng ý do tác giả tự lựa, và một bức ảnh chân dung với dạng graphic nếu có thể, để bỏ vào phần "Những Nhân Vật trong VHNT" trên Web Page. Mong nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc và người viết, mong có dịp "gặp", và đến gần với nhau hơn, trong diễn đàn văn nghệ của chúng ta.
Xin bạn gửi ý kiến về đề nghị này cho Pham Chi Lan. Phần kỹ thuật sẽ do các anh trong nhóm đảm nhiệm, vì chẳng ai giỏi hơn các tay chuyên viên trong nghề, lại yêu văn học và có tinh thần văn nghệ nữa, phải không các anh?
thân ái,
PCL/vhnt
An Autumn Tree Cây Mùa Thu
I feel such sadness Ta cảm thấy một nỗi buồn xa vắng
Lodge in my heart Nỗi buồn như lắng tự đáy tim
Water leaping, bursting Nỗi buồn như nước xoáy, đập, nhận chìm
The fragile dam Con đê nhỏ mong manh yếu đuối
Whence did this blue Ðã từ lúc nào
Wind weave its veil Khi cơn gió xanh dữ dội
Around me? Quyện ta vào lớp phong ba?
Drenching me Ðể ta đứng trong sương
With dews Ướt đẫm.
Nature with seasons Vũ trụ cùng bốn mùa
Could I have them too? Có thuộc về ta chăng nhỉ?
Oh, father, when others Ồ, Thượng Ðế, khi người khác gieo cây
Sow their seeds for fruits gặt quả
Did I plan an autumn tree? Phải chăng tôi đã dựng mùa thu?
Sunset dusts aflame Bụi hoàng hôn bốc lửa
On crimson leaves Vương trên lá vàng sầu
Swirling in veil Cuộn trong màu mờ nhạt
Of crystal tears Của nước mắt tinh cầu
LQT Phan Lê Dũng
Này Nhan Sắc Ấy
gởi QTr
Nhan sắc kia vẫn mặn mà
Ghé qua lễ hội cho ta ngỡ rằng
Trăng kia rơi xuống chốn này
Ðời xanh hồng quá tặng ta cuộc tình
Hồng nhan trong cõi ấy là
Trăng xưa một độ, người xa năm nào
Kể từ rượu uống vô vi
Ta hư hao quá cũng vì bước em
Này nhan sắc ấy, một mùa
Này trăng xưa ấy, cũng vừa chiêm bao
Cho ta thêm chút u sầu
Hồng nhan em có u sầu cùng ta?
11.14.1995
Chinh
Thư Cho O Nhỏ
Nhỏ biết không? Ðông đến rồi đó nhỏ
Mùa đông bên ni lạnh cóng tê người
Khi ra đường ta run mãi quên thôi
Tay khô buốt, vuốt tóc mình lạnh giá
Mỗi mùa đông ta bên ni nhớ lạ
Những chiều đông nơi xứ Huế mộng mơ
Chiều tan trường tha thướt nón bài thơ
Áo len mỏng, tô trên nền áo trắng
Ta nhớ lằm đất thần kinh đẹp nắng
Trống tan trường, bao vạt áo trằng bay
Khằp nẻo đường như ẩn hiện những mây
Tô nét đẹp dòng Hương Giang muôn thuở
Ta nghe nói bây chừ các o nhỏ
Không còn thích che chiếc nón bài thơ
Bảo là "quê - nón lá với quai tơ"
Thay vào những chiếc nón theo đời mới
Ta nghe ri mà lòng buồn vời vợi
Nét đẹp muôn đời răng lại đổi thay
Mỗi sằc dân có nét đẹp nét hay
Nét đẹp Việt Nam mấy ai dễ có
Ta mong rằng khi ta về bên nớ
Vẫn được nhìn chiếc nón lá nghiêng nghiêng
Che trọn bờ vai với mái tóc huyền
Mang hoa bướm của một thời áo trắng.
TL mực tím
Lớp Tôi
Có ai hơn được đám con trai
Lớp tôi ngày ấy những anh tài
Sáng lo cúp học chiều đá bóng
Học hành chuyện phụ để ngày mai
Có lần thức trắng cả đêm dài
Học bài tranh cãi ai đúng sai
Sáng ra tới lớp thầy cho điểm
Cả đám zero chẳng hiểu bài
Thực ra thức trắng cả đêm dài
Chỉ lo tán ngẫu chuyện gái trai
Cãi nhau cái chuyện đi cua gái
Chứ đâu có phải học hiểu bài
Chuyện cũ ngày xưa vẫn nhớ hoài
Nhớ buổi trực trường đêm thứ hai
Cậy khóa "căn tin" vào ăn trộm
Lấy đồ ra nhắm nhậu lai rai
Chuyện xưa đem kể sẽ rất dài
Cũng như bao chuyện đám con trai
Học hành phá phách thời niên thiếu
Có đâu cần biết đúng hay sai
Nhưng rồi ai biết chuyện ngày mai
Dường như thượng đế đã an bài
Sau năm tốt nghiệp là mỗi đứa
Ði tìm ý nghĩa của tương lai
Ðứa vào đại học thêm kiến thức
Ðứa đi xây đắp mộng tương lai
Ðứa đi nghĩa vụ vì bắt buộc
Ðứa đi buôn bán sống lai rai
Có ai biết được chuyện ngày mai
Ai người hiểu thấu chuyện tương lai
Nhưng có một điều ai cũng biết
Tình bạn ngày xưa mãi không phai
Tung
12N2/NK88-89/MinhKhai
Một Vài Cảm Nghĩ Về Văn Chương
Khi nói về văn chương, câu hỏi đầu tiên được đặt là: "Văn chương - để làm gì?" Câu hỏi này có thể tạo nên nhiều suy nghĩ về văn chương, nhưng câu hỏi đó cũng nói lên thái độ xem văn chương như một sự thừa thải không cần thiết. Nhưng sáng tác - như ăn, như ngủ, như học hỏi, như làm chính trị, như gây chiến tranh - cũng là một nhu cầu để sống, dù chỉ là sáng tác văn chương, cũng là một trong những tính chất mà thiếu nó con người chưa phải là con người trọn vẹn. Văn chương - để làm gì? Văn chương - từ thuở nhân loại mới biết khắc những hình tượng ngôn ngữ đầu tiên lên đá cho đến hôm nay - chỉ có hai mục đích: để con người thưởng thức, và để con người hiểu nhau.
Thưởng thức? Nếu văn chương chỉ được dùng nhằm để thỏa mãn óc tưởng tượng của người viết, hay để giúp vào cơn mơ mộng của người đọc, thì hẳn văn chương không đáng được bàn đến. Cái thú vị trong văn chương phải khác với thú vị của những trò giải trí như đấu banh, cờ bạc. Một tác phẩm văn chương giá trị đem lại cho người đọc khe khắt một sự thú vị khi nó khai phá được một chân trời mới, một cái nhìn trung thực, một ánh đèn làm sáng tỏ thêm tính chất con người và cuộc đời,dù đó là những khía cạnh nhỏ nhoi hay hèn hạ nhất. Nếu được viết bằng một ngòi bút nghiêm ngặt và trung thực, tác phẩm không bao giờ là một phương tiện để giúp con người thoát ra khỏi thế giới thực tại. Ngược lại, qua tài tưởng tượng của người viết, tác phẩm văn chương bắt con người phải nhìn sâu hơn vào khung cảnh thực tại. Ðể làm gì? Ðể nhìn thấy nguồn gốc, cội rễ của tất cả mọi vấn đề, để may ra con người có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại.
Như thế văn chương là "món ăn tinh thần", nhưng không nên là chỗ cho con người tìm an ủi. Một ngòi bút đứng đắn không thể là một thỏi màu để tô thêm nét hồng cho cuộc đời. Trong văn chương, thiện không luôn luôn thắng ác, chính nghĩa không luôn luôn thắng hung tàn. Thiện có khi không là thiện, chính nghĩa là giả trá. Nhân vật chính trong truyện không luôn luôn biến đổi từ vị trí thấp đến một vị trí cao hơn, nhưng có khi lại chuyển từ vị trí này đến một vị trí thấp hơn. Văn chương nguyên chất cũng không là một công cụ để cổ võ cho khái niệm chủ quan, cho tôn giáo, cho chủ nghĩa, mà phải là một tấm gương soi của sự thật, những sự thật hiển hiện qua hành động, và những sự thật trốn sau trong tâm địa con người.
Một độc giả bình thường chọn ăn cũng giống như họ chọn món ăn. Khi ăn, họ chỉ ăn những món ăn quen miệng (những món ăn ở nhà mẹ cho ăn, những món ăn thuần túy quốc hương ) và không sẵn sàng tìm ngon ở những hương vị mới lạ. Khi đọc, họ chỉ đọc những loại sách nào chứng minh cho quan niệm của họ, đáp ứng được khao khát họ, củng cố cho lòng vị kỷ của họ. (Chuyện chàng gặp nàng - chàng mất nàng - chàng chiến đấu vì nàng - chàng được nàng; chuyện trinh thám đầy bí hiểm; chuyện luân lý thiện thắng ác.) Ðiều này không có lạ lùng, hay đáng buồn cười, nhưng văn chương viết theo chiều hướng của quần chúng hay của một tập đoàn là thứ văn chương tung ra thị trường, bị công thức hóa một cách đáng tiếc.
Thức ăn có món bổ món độc. (Những món thuần túy quốc vị cũng có thể rất độc.) Văn chương có hại là thứ văn chương không kéo con người thoát khỏi sự nông cạn tương đối; là loại văn chương đem lại hy vọng hão huyền, ý niệm sai lạc. Một sáng tác gây nên sự chống đối từ quần chúng, bị quần chúng tẩy chay chưa hẳ là một sáng tác sai lệch. Một tác phẩm thành công dưới mắt của một độc giả tinh tế là một tác phẩm phơi bày rõ rệt thực trạng từ một góc cạnh nào đó của cuộc đời và con người, không ca6`n phải là một khám phá mới, màcó thể chỉ là một đề tài cũ nhưng đặt dưới một cái nhìn sắc bén hơn, một ống kính thu hình được điều chỉnh cho rõ nét hơn.
Cũng như tác phẩm không cần chạy theo phong trào đa số, người đọc cũng không cần phải đồng ý với quan niệm của tác phẩm, tác giả. Người đọc biết thưởng thức là người biết thu thập, chứ không phải là người chỉ biết đồng ý hay không đồng ý. Thu thập để đào tạo bản thân, để biết người biết ta. Người đọc biết thưởng thức không bao giờ biết đốt sách, lên án tác phẩm, tác giả vì vòng chân lý (có khi tự tạo) của mình bị xúc phạm. Ðập vỡ tấm gương không làm cho người con gái trở nên đẹp hơn.
Một tác phẩm hay phải có cấu trúc chặc chẽ và đầy đủ để đạt mục đích. Có nhiều mục đích: giải trí mơ mộng, hồi hộp kinh dị, làm khóc làm cười, tuyên truyền xách động. Nhưng tác phẩm giá trị có một mục đích khác: Mặc khải một sự thật. Tác giả lão luyện đặc mục đích mặc khải này làm chính, để rồi từ trung tâm điểm sự thật mà các xúc tích khác xoay quanh. Thay vì uốn nắn câu văn cốt để làm xúc động người đọc, người viết có kinh nghiệm chỉ phơi bày sự thật này mà gây ra cái kinh sợ, cái vui cái buồn, cái thảng thốt. Nói như vậy không có nghĩa là các tác phẩm kinh dị, thần tiên, giải trí vui nhộn không có giá trị văn chương. Chúng chỉ có giá trị khi chúng mang một ý niệm nào đó về cuộc đời.
Thế nào là giá trị? Thế nào là không? Ðiều này rất khó trả lời, vì mỗi người có một quan niệm giá trị khác nhau. Không ai có quyền đặt mình trong địa vị phán xét. Nhưng hệ thống giá trị, nấc thang giá trị vẫn còn đó. Và phán xét giá trị văn chương của người dày dặn kinh nghiệm cả đời lẫn văn chương là phán xét có giá trị nhất.
Lê Ngọc Nữ
PCL sưu tầm
Thành Phố Lằn Ranh
Tôi lái xe vượt ranh giới Canada-Mỹ vào khoảng ba giờ chiều. Di trú Canada ngoắc cho đi qua ngay; nhân viên Di Trú Mỹ ở trạm hỏi:
- Quý ông là công dân Mỹ ?
- Phải.
- Quý ông có đem theo thông hành Mỹ không?
- Chúng tôi không mang theo đây.
- Ông đậu xe kế văn phòng rồi vô trong dùm!
Nhân viên sau quầy trong văn phòng đứng dậy:
- Cho tôi xem những giấy tờ gì ông mang theo.
Tôi và con trai đưa cho ông ta bằng lái xe, thẻ đi bầu và thẻ nhân viên hãng tôi làm ở Anchorage.
- Quý ông không mang theo thông hành Mỹ?
- Không. Chúng tôi qua lại biên giới Mỹ-Canada nhiều lần mà chưa bao giờ bị hỏi thông hành Mỹ nên không mang theo. Ðây là lần đầu tiên, có chuyện gì vậy ông?
Ông ta không trả lời và tiếp tục xem xét giấy tờ. Con tôi đỏ mặt:
- Ðây là lần đầu tiên tôi phải chứng minh quốc tịch Mỹ. Tôi lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Anh không có giọng nước ngoài nào!
Tôi bảo con bằng tiếng Việt:
- Ðể bố lo cho .
Con tôi trở lại ghế chờ ngồi yên lặng. Nhân viên Di Trú tiếp tục:
- Hãng ông cung cấp viễn thông cho Border City?
- Ðúng. Hãng cung cấp viễn thông công cộng và viễn thông riêng cho chánh phủ Liên Bang.
- Tôi sẽ dùng modem gọi về trung ương xem hồ sơ của ông. Ông có đổi tên họ khi vô quốc tịch Mỹ không?
- Không.
- Mong đường giây không có gì trục trặc.
- Mùa hè thì chắc không có gì trở ngại đâu.
Tôi lại ngồi gần con. Có bàn tay vỗ vai , tôi ngoái lại; ông đi Harley gặp ở Watson Lake cười:
- Có chuyện gì không?
Tôi kể cho ông ta nghe.
- Lạ nhỉ. Chắc có chuyện gì mới xẩy ra ở đây. Không có gì đâu, họ gọi được hồ sơ cuả ông lên là ông đi ngay mà.
- Sao ông vô đây?
- Tôi dùng điện thoại công cộng để xem khách sạn ở Fairbanks có giữ phòng cho tôi tối nay không?
oOo
Con tôi ngồi yên, mhìn thẳng phiá trước, mặt lạnh. Tôi biết con đang trải qua một cái "shock" mạnh. Con tôi lớn lên trong một thành phố nhỏ, thuần nhất, hiên hoà và dân tình cởi mở, liền 14 năm. Con theo tôi lái xe cho biết Alcan rồi bay về Oregon học đại học. Ông trưởng Hướng Ðạo của nó vừa đi Alaska về tháng trước bằng đường Alcan và khuyến khích nó nên lái xe với tôi. Chắc chắn ông ta không ngờ kinh nghiệm Border City này. Con tôi sửa soạn chuyến đi chu đáo lắm; cả hai bố con khôg hề nghĩ là phải đem thông hành theo. Bao nhiêu năm qua lại biên giới Canada lên Vancouver BC mà không hề bị hỏi thông hành Mỹ; chỉ bị hỏi là có đem lậu sầu riêng hay mãng cầu xiêm, nhãn, lôm chôm... về Mỹ không?
Con tôi biết nó không giống bạn da trắng nhưng chưa bao giờ ai bắt nó phải chứng minh là công dân Mỹ. Tôi có nói chuyện với con vài lần về thân phận thiểu số ở Mỹ; chỉ bàn sơ chứ tôi không muốn chúng có định kiến. Lần qua tiểu bang Idaho trên đường đi Yellowstone, tôi lái vòng đến một trại tập trung cũ của người Mỹ gốc Nhật trong thế chiến thứ hai. Con tôi không cảm thấy được trạng huống đó:
- Bố lái gần 50 dặm đến đây?
- Ðể cho mấy con thấy tận mặt.
- Trong tương lai có gì xảy ra thì tụi da trắng cũng không dám nhốt dân Mỹ Vàng như thế này nữa đâu!
- Có thể đúng; sự kỳ thị sẽ xảy ra dưới những hình thức khác. Các con nên nhớ là người Mỹ gốc Ý và gốc Ðức có bị tập trung lại như người Mỹ gốc Nhật đâu. Sự khác biệt ở chỗ nào? Ở mầu da trắng và mầu da vàng.
Ngồi đây, chắc con tôi thấy rõ, thấm thía những lời tôi bàn. Có những người da trắng cũng vào văn phòng như cha con tôi. Không thông hành Mỹ, nhưng họ tiếp tục lên đường mà cha con tôi còn ngồi lại. Sự khác biệt lừng lững, giây phút ngồi chờ nhức nhối.
Ngồi chờ một tiếng, tiếng rưỡi, rồi gần hai tiếng. Nhân viên Di Trúc từ văn phòng đi ra:
- Năm 1965, ông vào Mỹ qua cửa San Francisco?
- Ðúng.
- Ông gốc ở French Indochina?
- Không. Tôi gốc Việt Nam.
- Tôi biết; tôi chỉ đọc nguyên văn trong hồ sơ in ra đây.
- Ông có trục trặc gì khi dùng đường giây về Washington DC không?
- Không.
Nhân viên Di Trú đưa trả giấy tờ cho tôi và con trai:
- Tôi tìm thấy đủ hồ sơ cuả ông tại văn khố trung ương ở Washington DC qua modem. Cám ơn ông, chúc ông lên đường bình an về Anchorage.
- Như vậy tôi là phần tử tốt (good guy)?
Ông ta không trả lời nhưng hỏi tiếp:
- Ông ở Mỹ từ 1965?
- Không, tôi về Việt Nam cùng năm và trở lại Mỹ năm 1975.
Ông ta gật gù rồi rời quầy đi vào văn phòng trong. Hai bố con kẹt ở đây gần hai tiếng đồng hồ. Tôi đoán chắc ông ta tìm hồ sơ tôi ở một vài chỗ nữa. Gọi lấy hồ sơ di trú từ DC làm gì mất hai tiếng . Tôi đưa cho con giấy tờ, anh nhỏ vẫn mặt một đống không nói năng gì cả . Bây giờ đã năm giờ chiều.
oOo
Năm 1965, tôi và hai người nữa qua Mỹ theo môt chương trình trao đổi sinh viên; cuối chương trình một mình tôi trở về Việt Nam. Tôi không bao giờ hối hận là đã trở về. Khi đón tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất, mẹ cũng hỏi:
- Sao con không ở lại?
Ðúng mười năm sau tôi trở lại Mỹ, lần này một đi không trở lại được. Người bạn ký giấy cho tôi đi bị cầm tù ngoài Việt Bắc bẩy tám năm. Năm 1984, gặp nhau lại ở LA, anh cười:
- Ông không đi tháng hai 75, thì ông cũng ở lại rồi đi tù như bọn này.
Câu nói giống hệt như nhà tôi nói với tôi khi từ đảo Wake qua:
- Bạn bè anh ở lại gần hết, anh mà ở nhà cũng không chắc đi đâu.
Quê hương dù tan nát, đầy đọa nhưng không dễ mà dứt ra đi. Tôi nhớ Boris Pasternak.
oOo
Từ Border City về Tok, con đường tráng nhựa phẳng. Con tôi ngả ghế nhưng không ngủ; anh ta im lặng từ khi rời ranh giới. Tôi nghĩ con tôi sẽ không bao giờ quên được hai tiếng đồng hồ ở trạm di trú.
- Con muốn lái thẳng về Anchorage không?
- Ði thẳng đi bố!
- Nếu đi thẳng thì 2, 3 giờ sáng mới đến nhà. Ghé Delta Junction ăn uống xong bố sẽ gọi cho má con. Lái cho bố chừng một tiếng để bố ngủ.
Ngả người trên ghế, tôi nhớ câu nói của một người Mỹ gốc Nhật ở Hawaii một lần bảo tôi:
- Sometimes I am Japanese. Sometimes I am American. Most of the times I am neither.
(Có lúc tôi là người Nhật. Có khi tôi là người Mỹ. Nhưng thường khi, tôi chẳng là Nhật mà cũng chẳng là Mỹ.)
Dương Hùng
Border City, Hè 1992
Bên Em Đang Có Ta
- Thống ơi! Về thôi, trời tối rồi.
Em bé gái đứng trên bờ, gọi vọng xuống biển; bãi biển cát trắng xóa chạy dài, uốn éo quanh co, dọc hàng dừa cao vi vút. Buổi chiều đang tắt nắng trên quần đảo Pulau Galang, hoàng hôn ánh lên những tia ngũ sắc ở phía xa xa cuối đường chân trời.
Cô bé tiếp tục dùng hai bàn tay che ngang miệng làm loa phóng thanh, gọi lớn:
- Thống ơi! Về thôi.
Gọi một hồi, cảm thấy mệt, cô ngồi bệch xuống xuống bãi cát trắng, thở dốc. Có tiếng sột soạt từ phía rừng thông, cô ngoái đầu nhìn lại, nhìn thấy lố nhố một đám trẻ con chừng mười mấy đứa. Chúng còn trẻ lắm, độ chừng tuổi em trai của cô là cùng. Trong cái cảnh tranh sáng tranh tối, cô còn thấy rõ đám trẻ con lem luốc, đứa nào đứa nấy đen như con quốc. Tất cả đều ở trần, trên tay là những ngọn giáo mác làm bằng trúc, được mài vuốt nhọn hoắc. Cả bọn mang trên mình những chiếc quần xà-lõn rách lả tả trông không khác nào đang mặc khố, vì vậy nhìn chúng không khác nào bọn mọi của một bộ lạc nào của thời tiền sử, hoang sơ.
Rồi cô vỡ lẽ, thì ra đây là đám trẻ con sinh sống bằng cách lặn sâu dưới đáy biển để đâm cá. Trong trại, cô vẫn nghe thiên hạ kể về đám trẻ con này. Buổi chiều, khi mặt trời vừa tắt là chúng ra quân. Chúng là những tay thợ lặn chuyên nghiệp, có thể nín thở dưới nước mười mấy phút là chuyện thường. Nhiều khi, muốn đạt được thu hoạch cao, chúng đã phải bơi ra thật xa, lặn xuống thật sâu. Cô còn nghe kể có thằng bé sống gần barrack với cô cũng làm nghề đâm cá này. Một hôm ham mê đuổi theo bầy cá, nó bơi sâu vào hang đá. Lúc trở lên bị hết hơi, nó tắt thở, và bị mắc kẹt trong hóc đá, chết tức tưởi. Cô vẫn còn nhớ rõ hình ảnh bà mẹ khóc gào thảm thiết khi đi nhận xác con mình ở bệnh xá của đảo.
Biến cố đó không làm cho bọn thợ lặn nhi đồng này thối chí. Ðội ngũ của chúng càng ngày càng đông. Danh tiếng của chúng càng ngày càng nổi, đến nỗi sau này bọn đánh cá In-Ðô và Mã-Lai còn lên trên đảo tuyển mộ chúng để mang đi ra ngoài biển Ðông mò ngọc trai. Lương hướng bọn chúng trả rất là hậu hĩ bởi vì công việc này rất nguy hiểm. Và cũng đã có nhiều em ra đi không trở lại.
Cô nhìn đám người bộ lạc tí hon. Chúng đang nô đùa trên những con sóng nhỏ lăn tăn ven bờ. Chúng tạt nước lẫn nhau, la hét inh ỏi, phá tan bầu không khí yên lặng trên biển vắng. Có thể vì nước lạnh quá, chúng muốn hoạt động cho nóng người trước khi bắt tay vào việc, cũng có thể đây là những phản ứng tự nhiên của tuổi thơ; lứa tuổi còn đang phá phách, chưa biết nếm mùi cực khổ của đời sống chật vật, mưu sinh; lứa tuổi còn đang cắp sách đến trường, đáng lý ra giờ này chúng phải ở nhà làm bài tập cho ngày mai, chứ đâu phải dầm mình dưới dòng nước biển lạnh buốt, để lặn sâu xuống dưới biển, tìm miếng cơm, manh áo cho bản thân và gia đình.
Rồi cô lại nghĩ đến Thống, em trai của cô, và cô mĩm cười, một nụ cười hãnh diện. Thống là một đứa bé thông minh xuất chúng, cô nghe các thầy cô trong trường kể lại như vậy. Nó giỏi toàn diện và có một trí nhớ rất tốt. Thống là niềm hy vọng của bố mẹ cô. Mẹ kể lại rằng ông nội của cô là một thầy tướng số. Khi bà đẻ thằng Thống, ông xem qua khuôn mặt và cả quyết rằng thằng bé này có quý tướng, sau này sẽ làm lớn, nên ông đặt cho nó tên Thống, với kỳ vọng trong tương lai nó sẽ nắm chức vụ tối cao nhất của một quốc gia.
Bọn trẻ con người nhái đã lặn ra xa, đã chìm khuất, trả lại cho mặt biển phẳng lặng, thanh bình. Cô kêu tên em trai của cô thêm vài lần nữa, nhưng chỉ có những gợn sóng lăn tăn ven bờ trả lời cô. Cuối cùng cô bé cũng phải bỏ cuộc, trước khi đi cô còn nói vọng xuống biển:
- Thôi chị về trước, Thống nhé!
Mặt đại dương vẫn nhấp nhô êm đềm, nhưng có ai biết được bên dưới lòng đại dương ngầm chứa những gì? Có thể là những phong ba, bão tố, những cơn sóng ngầm, đại hồng thủy. Có ai biết được đại dương phẳng lặng, êm đềm kia đã vô tình cuốn đi cả gia đình cô bé, bao gồm bố mẹ và người em trai tên Thống của cô, trong chuyến vượt biên cách đây vài tháng.
Bùi Thanh Liêm
Tháng 11, 1995